Việc Cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế được UNESCO ghi danh
Việc Cửu đỉnh - Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế, được ghi danh Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Thành phố Ulan Bator, Mông Cổ ngày 8/5/2024, hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Tham dự kỳ họp lần này, đoàn Việt Nam gồm có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cửu đỉnh gồm 9 đỉnh bằng đồng do hoàng đế Minh Mạng ra lệnh đúc từ năm 1835-1837. Sau khi hoàn thành, Cửu đỉnh được đặt trong sân của Thế Tổ Miếu, bên trong hoàng cung Huế. Trải qua hàng thế kỷ, cùng với những thăng trầm biến cố của thời cuộc, bộ Cửu đỉnh vẫn còn vẹn nguyên tại vị trí cũ.
9 đỉnh được đặt tên lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. Trên đỉnh khắc nổi tên gọi, năm đúc, trọng lượng cùng với những hình ảnh mang tính biểu tượng của núi sông, sản vật, cỏ cây hoa lá và những sản phẩm tiêu biểu do con người làm ra nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp của đất nước.
Tất cả 162 hình trên Cửu đỉnh là 162 bức chạm khắc độc lập, hoàn chỉnh. Đó là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học. Ngoài ra, Cửu đỉnh còn là bách khoa toàn thư về cuộc sống con người Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược và cả nghệ thuật thư pháp.
Một số nghiên cứu đã cho thấy, trọng lượng mỗi đỉnh từ hơn 1,9 tấn đến 2,6 tấn. Do đó, người ta ước tính rằng, để đúc được mỗi chiếc đỉnh phải dùng đến 60 lò nấu đồng góp lại, vì mỗi lò trung bình chỉ nấu được khoảng 30-40kg đồng. Các phù điêu trên thân đỉnh được tạo mẫu, làm khuôn từ trước và đúc liền khối. Công việc này đòi hỏi sự tập trung của rất nhiều nhân công cùng các kíp thợ giỏi. Có thể nói, bộ Cửu đỉnh này là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng của người Việt xưa.
PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, việc hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được UNESCO vinh danh là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng.
Bên cạnh đó, việc Thừa Thiên Huế có thêm một di sản được UNESCO công nhận sẽ là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá du lịch và hợp tác quốc tế, góp phần cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Như vậy, trước khi hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được vinh danh, Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu gồm: Mộc bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2009), Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (được công nhận năm 2011), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (được công nhận năm 2012), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (được công nhận năm 2016), Mộc bản trường học Phúc Giang (được công nhận năm 2016), Châu bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2017), Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa) (được công nhận năm 2018), Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (được công nhận năm 2022), Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) (được công nhận năm 2022).
Tổng hợp
Xem thêm: Phú Thọ tổ chức tour di sản "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận