Gia đình truyền thừa - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Lòng trắc ẩn và yêu thương gia đình sẽ được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự tương tác của cha mẹ chính là tấm gương để con cái noi theo.

Gia đình truyền thừa - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Lòng trắc ẩn và yêu thương gia đình sẽ được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự tương tác của cha mẹ chính là tấm gương để con cái noi theo.

Anh bạn tôi kể: “Vợ tôi không thích đeo nhẫn, có một lần đã đem hai chiếc nhẫn đặt lên bệ cửa sổ, bị cô giúp việc lau chùi rồi quét vào sọt rác ở kế bên luôn. Ngày hôm sau, vợ tôi đem túi rác đi bỏ. Qua một tuần sau mới nhớ đến mấy chiếc nhẫn, hỏi cô giúp việc xong thì tá hỏa chạy đi tìm. Nhưng làm sao mà tìm được…

Hai chiếc nhẫn, 1 chiếc 1 chỉ, 1 chiếc 5 phân, tổng giá cũng trên trăm triệu. Vợ tôi lo đến sốt vó. Thấy vậy tôi an ủi: “Em không thích đeo nhẫn, lỡ mất rồi thì thôi”.

Cô ngạc nhiên, hỏi lại: “Sao anh không giận?”

“Vì sao anh phải giận”, anh tò mò hỏi lại.

“Mẹ em nếu làm rơi cái chén, sẽ bị ba em lớn tiếng mắng ngay: Đầu óc để ở cái xó nào mà để rơi cái chén đắt tiền thế hả! Không làm được việc gì nên hồn cả”, cô kể lại với giọng buồn buồn.

Tôi bỗng nhiên hiểu ra, hóa ra trong mắt cô, đồ vật bị mất hoặc bị hỏng thì nhất định sẽ bị ăn mắng. Nên cô rất bất ngờ khi tôi chẳng nói gì. Bởi khi tôi còn nhỏ, trong nhà có đồ gì đó bị phá hư, người trong nhà cũng chưa từng mắng chửi nhau. Tôi vẫn nhớ, năm cấp 2, tôi chơi đá bóng vô tình làm bể kính nhà hàng xóm phải đền tiền, cha mẹ biết chuyện thì dẫn tôi sang nhà xin lỗi rồi gọi thợ đến sửa mà không một lời mắng chửi. Có lần mẹ tôi chiên đồ ăn, dầu bắn lên trúng tay mẹ, nóng quá mẹ lỡ tay làm rơi cái đĩa xuống nền, thức ăn vương vãi khắp nhà. Cha nhìn thấy thì liền chạy tới an ủi mẹ, nhanh lấy thuốc trị bỏng rồi dọn dẹp mảnh vỡ, không một lời lớn tiếng với mẹ”.

Qua lời kể của anh bạn, tôi mới nghiệm ra rằng, kỹ năng thân mật, lòng trắc ẩn và yêu thương gia đình sẽ được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự tương tác của cha mẹ tốt hay xấu chính là tấm gương phản chiếu để con cái họ nhìn thấy và khắc ghi trong lòng. Vợ chồng yêu thương nhau, tôn trọng nhau thì mới tập cho con cái tính thân mật cao, sau này trở thành vợ, thành chồng của người ta cũng sẽ bao dung lỗi lầm cho nhau, ân cần quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Vợ chồng nếu cứ tính toán chi li, cãi vã suốt ngày sẽ khiến những đứa trẻ con họ có kỹ năng thân mật thấp, dễ trầm cảm, tiếp thu kiến thức chậm và khó để giao tiếp với mọi người xung quanh. Cái vòng tuần hoàn luẩn quẩn này cứ thế tiếp diễn…

Một cái màn hình điện thoại bị phá hỏng, chỉ mất vài trăm ngàn để sửa lại, có gì phải vì chuyện nhỏ nhặt ấy mà dằn vặt nhau. Nhưng sẽ mất bao nhiêu tiền và bao nhiêu năm để sửa chữa một mối quan hệ đã bị rạn nứt và vết thương lòng ám ảnh trong nhau.

Xem thêm: Con rể nghèo – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm