Con trai của mẹ - Câu chuyện nhân văn cảm động

Dù bất cứ ai chê bai con, hay làm con đau, thì vẫn có gia đình mình ở đây con nhé, con trai yêu của mẹ!

Con trai của mẹ - Câu chuyện nhân văn cảm động

Dù bất cứ ai chê bai con, hay làm con đau, thì vẫn có gia đình mình ở đây con nhé, con trai yêu của mẹ!

Hôm nay đón con trai lớn ở trường mầm non về, chị Hoa thấy con cứ buồn buồn, mặt ỉu xìu, thậm chí còn không đòi chơi cầu trượt như mọi lần.

Chị Hoa cho con lượn siêu thị một vòng nhưng vẫn chẳng thấy con tươi tỉnh hơn. Thế là hai mẹ con lên xe về nhà. Tới nhà, chị ôm con thủ thỉ, hỏi chuyện ăn ngủ trên lớp, rồi nhẹ nhàng hỏi tiếp: “Hôm nay Bon có chuyện gì mà buồn thế, kể mẹ nghe với nào. Mẹ bắt đầu nghe nhé…”.

Cụm từ “bắt đầu nghe” là câu thần thú của hai mẹ con chị, mỗi khi chị muốn con kể cho mình nghe một chuyện gì đó. Đấy cũng là cách chị rèn luyện con nói năng có đầu có đuôi, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc hơn. Cậu bé Bon nghe đến câu thần chú của mẹ thì kể luôn. Bon bảo nay trên lớp các bạn trên con da đen, không được trắng như em Bim.

Chị Hoa nghe vậy thì rất bất ngờ, chị không nghĩ con trai chỉ mới 4 tuổi đã biết tủi thân tới vậy. Chị suy nghĩ một lúc rồi ôm chặt Bon, nhẹ nhàng âu yếm nói: “Để mẹ giải thích cho Bon nhé. Em Bim da trắng vì em giống mẹ, còn Bon giống bố nhiều hơn nên có làn da đen. Cả con và em Bim luôn là bảo bối của bố mẹ”.

Chị thấy Bon chớp chớp mắt. Có lẽ cậu bé đang tiếp thu lời mẹ và bắt đầu thấy vui vẻ hơn rồi. Thế là chị Hoa lại tiếp tục nói: “À, mẹ còn được được trong sách rằng, những người có làn da đen sẽ chịu được ánh nắng tốt hơn người da trắng nữa đấy. Thế tức là Bon sẽ rất khỏe mạnh đấy!”.

Nghe vậy Bon hào hứng hẳn, quên cả những lời trêu chọc của các bạn trên lớp, rồi thao thao bất tuyệt nói rằng con khỏe mạnh thì sẽ bảo vệ mẹ, em và cả bố nữa.

Nhìn con hồn nhiên sau lời an ủi, động viên, chị Hoa lại nhớ về tuổi thơ của mình. Chị cũng từng bị bạn bè, mọi người xung quanh chế béo, không xinh, răng hô giống chuột chù,… Hồi ấy, những lời chê bai chẳng có điểm dừng khiến chị thu mình lại tới mức cứ nhìn thấy những em bé gái chơi một mình là chị lại lo lắng. Bản thân chị cũng cực kỳ tự ti về chính mình, lúc nào cũng nghĩ bản thân là “chú vịt xấu xí”. Thậm chí, nếu được ai đó khen thì chị sẽ nghĩ ngay họ xã giao hoặc đang trêu đùa mình. Nhớ lúc chồng ngỏ lời yêu, chị còn mất ngủ suốt đêm vì không tin được rằng mình sẽ được người khác để ý.

Lắm lúc chị Hoa thấy mình may mắn vì không sinh cô con gái nào. Vì chị từng nghĩ rằng, một người phụ nữ lớn lên trong sự chê bai liệu có đủ dũng khí để nuôi dạy con gái tự tin vào chính mình không. Nhưng kể cả khi không sinh con gái, chỉ sinh 2 cậu con trai, chị vẫn bỡ ngỡ và luôn tự dằn vặt là người mẹ không tốt khi con ốm sốt, không chịu ăn ngủ đúng giờ.

Cũng thật may, lúc đó chồng chị luôn ở bên, động viên chị và luôn nói lời lạc quan khiến chị không còn quá bi quan, trách móc bản thân nữa. Có chồng, có con, chị tìm lại được chính mình và học hỏi được nhiều điều hơn.

Cậu bé Bon như một ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn chị. Mỗi ngày đi học về, con trai đều rất nhanh nhảu thủ thỉ nói lời yêu thương mẹ. Nếu không có những lời trêu chọc kia, thì cuộc sống của Bon sẽ toàn là những nụ cười vì cậu bé rất hồn nhiên và vui vẻ. Sinh ra Bon và được làm mẹ giúp chị nhận ra rằng, mỗi một sinh linh đến với cuộc đời này đều rất đáng quý và những khác biệt của mỗi người đáng được tôn trọng chứ không phải để lôi ra làm trò đùa.

“Thế nên là con hãy nhớ rằng, bố mẹ và em Bim yêu con nhiều lắm. Dù bất cứ ai chê bai con, hay làm con đau, thì vẫn có gia đình mình ở đây con nhé, chàng trai da đen của nhà mình”, chị thầm nhắn con.

Sưu tầm

Xem thêm: Quà quê của bố mẹ - Câu chuyện nhân văn xúc động