Cô giáo mầm non 13 năm dốc lòng vì trẻ em vùng cao

Hơn 1 thập kỷ qua, cô giáo Phạm Thị Bách luôn nỗ lực gieo con chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các em thắp sáng ước mơ tới trường.

Cô giáo mầm non 13 năm dốc lòng vì trẻ em vùng cao

Hơn 1 thập kỷ qua, cô giáo Phạm Thị Bách luôn nỗ lực gieo con chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các em thắp sáng ước mơ tới trường.

Cô giáo Phạm Thị Bách sinh năm 1989, trú tại xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2011 cô về trường Đồng Phúc giảng dạy, đến năm 2020 thì chuyển đến trường Mầm non Thượng Giáo công tác cho đến bây giờ.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất còn nhiều khó khăn, vất vả nên khi về trường cô giáo trẻ đã biết bản thân phải cố gắng rất nhiều để có thể truyền đạt kiến thức cho học trò nơi đây. Bởi Ba Bể là huyện miền núi, đa số dân cư là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Ngoài nỗ lực, tận tâm vì học trò, cô giáo Bách còn thường xuyên cùng các thầy cô trong trường lặn lội vào các bản làng xa xôi để vận động gia đình cho con em tới lớp.

“Tôi nhớ như in những ngày thực hiện điều tra công tác phổ cập, sau khi đi hết đường mòn, chúng tôi phải gửi xe máy ở nhà dân rồi đi bộ qua những quả đồi, khe suối để đến những ngôi nhà nằm tít rừng sâu. Nhà của bà con được dựng bằng tre nứa, trong nhà cũng chẳng có vật dụng gì giá trị. Dù cuộc sống nơi vùng cao khó khăn là thế nhưng tôi và đồng nghiệp luôn động viên nhau hết lòng dạy dỗ các em học sinh, dần dà cũng tạo được sự tin tưởng, yêu mến đối với phụ huynh”, cô Bách tâm sự.

Đối với cô giáo mầm non này, niềm an ủi và món quà lớn nhất trong khoản thời gian ngắn bó với các em nhỏ vùng cao là sự chăm ngoan, ham học và muốn được đến trường. Nhiều năm công tác tại các điểm trường, cô Bách chia sẻ: “Trẻ em ở đây đa số là con em dân tộc thiểu số, nhiều em còn chưa thành thạo tiếng phổ thông dẫn đến rào cản ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp và truyền đạt rất lớn. Có những em hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm xa, nên việc liên lạc hai chiều giữa thầy cô với phụ huynh còn chậm.

Và niềm trăn trở lớn nhất của tôi đó là làm thế nào để huy động phụ huynh đưa trẻ ra lớp ở độ tuổi 24-36 tháng. Bởi ở độ tuổi này, các em học sinh chưa được hưởng các chế độ hỗ trợ ăn trưa và hỗ trợ chi phí học tập nên việc huy động trẻ ra lớp là tương đối khó khăn. Tôi rất mong trong thời gian tới, các em học sinh vùng cao sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp lãnh đạo để trẻ em bậc học miền núi nói chung và trẻ em mầm non huyện Ba Bể nói riêng có nhiều cơ hội được đến trường, để các con không bị thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa, xây dựng một môi trường thật đồng bộ và sáng tạo cho những mầm non của đất nước”.

Với những cống hiến của mình, cô giáo Phạm Thị Bách được vinh nhiều lần vinh danh là Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; có nhiều sáng kiến được công nhận mang lại hiệu quả nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ có khả năng nhân rộng trong huyện; nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh nhiều năm liền; Được tặng giấy khen của Sở giáo dục và đào tạo Tỉnh Bắc Kạn đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2023-2024…

Đặc biệt, vừa qua cô giáo mầm non Phạm Thị Bách còn là một trong những nhà giáo được vinh danh trong Lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Đó là thành quả sau 13 năm công tác và cũng là động lực để cô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao Ba Bể (Bắc Kạn).

Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, cô giáo mầm non hết lòng làm từ thiện để trả ơn đời