Chị dâu tôi – Câu chuyện nhân văn xúc động

Một từ biết ơn làm sao đủ để nói về chị dâu tôi, người đã dành cả cuộc đời, hy sinh tuổi xuân của mình để chờ chồng, chăm sóc cha mẹ chồng và nuôi các em chồng khôn lớn trưởng thành.

Chị dâu tôi – Câu chuyện nhân văn xúc động

Một từ biết ơn làm sao đủ để nói về chị dâu tôi, người đã dành cả cuộc đời, hy sinh tuổi xuân của mình để chờ chồng, chăm sóc cha mẹ chồng và nuôi các em chồng khôn lớn trưởng thành.

Chị làm vợ vỏn vẹn được 7 ngày, chưa kịp làm mẹ, nhưng chị đã làm dâu hơn 50 năm ở nhà tôi. Cha mẹ tôi sinh được 4 người con, anh cả tên là Nam, kế đến là tôi và sau tôi là 2 đứa em nữa, một gái, một trai.

Trước khi vào chiến trường B, anh tôi cưới vợ, cả hai chưa kịp bén hơi nhau thì anh tôi lại được lệnh vào chiến trường phục vụ chiến đấu. Chị dâu tôi khi ấy là một cô gái xinh đẹp, nết na và hiền thục. Chị và anh tôi yêu nhau từ những ngày học cấp 3. Ngày anh lấy chị, ai cũng mừng cho bố mẹ tôi khi có được nàng dâu ngoan hiền, hiếu thảo. Tiễn anh tôi lên đường với bao lưu luyến, chị giấu giọt nước mắt vào nụ cười sau vành nón lá.

Anh tôi đi rồi, chị ở nhà hết mình tham gia công tác của địa phương, ngày thì lo đồng áng, tối đến lại cùng chị em trực chiến. Thời ấy ai cũng muốn góp sức mình để đất nước sớm ngày thống nhất.

Bố mẹ tôi già yếu, nên một tay chị dâu gồng gánh nuôi gia đình với 3 đứa em đang tuổi ăn tuổi học. Vậy mà chẳng ai thấy chị than phiền nửa lời. Chị chăm sóc cho bố mẹ chồng chu đáo, lo cho các em đầy đủ và công việc xã hội vẫn viên tròn. Trong những năm tháng ấy, những ngày vui nhất đối với chị là những ngày nhận được thư của anh. Những lá thư gom đầy thương nhớ được anh gói ghém gửi về. Anh Nam kể cho chị nghe anh đang trên đường hành quân, anh đã đến Quảng Trị, đến Vĩnh Linh,…

Nhưng rồi những niềm vui đó cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Những lá thư cứ thưa dần cùng những bước chân hành quân của anh và đồng đội khi tiến sâu vào tuyến lửa chiến tranh. Chị dâu tôi buồn lắm khi vắng thư anh, nhưng chị cố động viên mình mạnh mẽ để cha mẹ tôi khỏi buồn. Và rồi năm tháng cứ vậy trôi đi, nỗi buồn ngày một tăng dần theo bóng dáng tảo tần của chị…

Cho đến một ngày, đó là một ngày mùa đông rét căm căm, gia đình tôi nhận được giấy báo tử của anh Nam từ đơn vị gửi về. Mẹ tôi như hóa điên, cha tôi ngồi lặng như tờ, thõng tay buông rơi chiếc điếu cày đang hút dở… còn chị dâu tôi, chị không khóc, chỉ ngồi đó thẫn thờ như người mất đi hồn phách. Mãi đến khi hàng xóm hô tri lên khi thấy mẹ tôi ngất xỉu chị mới bình tỉnh chạy lại chỗ mẹ. Tôi ngơ ngác nhìn 2 người đàn bà, một già một trẻ bám víu vào nhau, chịu chung một nỗi đau dằn xé. Tim tôi thắt lại, mẹ tôi cứ ôm lấy chị nức nở không nguôi.

Những ngày sau đó, gia đình tôi ai nấy đều sống trong lặng lẽ, ai cũng tránh né việc nhắc đến anh Nam. Còn chị dâu tôi cứ một mình lầm lũi lao đầu vào công việc. Mẹ tôi nhìn dáng vẻ ấy của chị mà nước mắt đầy vơi.

Thời gian trôi đi, chúng tôi cũng lớn lần và ai nấy lần lượt xây dựng gia đình nhỏ của mình.Ở nhà chỉ còn cậu út đang đi học đại học và chị dâu tôi vẫn là người tần tảo chăm lo cho cha mẹ già và nuôi em ăn học.

Đã rất nhiều lần tôi thấy mẹ ôm chị dâu vào lòng nói: “Con ơi, thằng Nam nó hy sinh rồi, con còn trẻ lắm, có ai thương hay phải lòng ai thì con cứ đi lấy chồng đi. Ở bên kai thằng Nam cũng muốn như thế mà. Nghe mẹ đi con, cha mẹ không muốn con cứ khổ mãi thế này đâu, cha mẹ xót lắm”.

Chị tôi nghe xong chỉ ôm mẹ, nức nở: “Mẹ ơi, mẹ cho con ở lại đây phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già sức yếu, đừng đuổi con đi mẹ nhé. Cả đời này con không lấy ai ngoài anh Nam đâu… con xin mẹ!”.

Hai mẹ con cứ vậy ôm nhau khóc.

Hai năm sau ngày nhận được giấy báo tử của anh thì cha cũng qua đời vì quá đau thương và bệnh tật. Cha ra đi trong vòng tay yêu thương của mẹ, của chị và của các con. Chị một mình đứng ra lo ma chay tử tế cho cha. Và một lần nữa chị dâu tôi trở thành chỗ dựa tinh thần cho mẹ tôi. Cha đi rồi, mẹ chỉ còn chị. Chị thương mẹ nên cũng chu đáo lo từng miếng ăn, giấc ngủ để mẹ nguôi ngoai vết thương trong lòng.

Chồng hy sinh, cha mất, chị tôi già đi trông thấy. Mẹ tôi cứ xót xa mãi khi thấy chị ngày càng lặng lẽ như một cái bóng với nỗi buồn hiện hữu trong đôi mắt thăm thẳm.

Cậu út học xong thì xin việc rồi ở lại thành phố làm. Vậy là ở quê chỉ còn chị với mẹ già. Đến một ngày, mẹ tôi cầm tay chị nói: “Con ơi, cả gia đình này nợ con một thời xuân sắc. Nam nó nợ con một thiên chức làm mẹ, một trách nhiệm làm chồng. Cả nhà này ai nấy đều nợ con… âu cũng là cái số, cái duyên. Hãy để mẹ đền đáp con ở kiếp sau nhé. Từ lâu mẹ đã xem con là con gái của mẹ rồi, nay mẹ không còn bên con được nữa, mẹ mong con hãy gắng lo cho mình, hãy sống vì mình con nhé… mẹ xin lỗi con”.

Hôm sau, mẹ tôi qua đời, chị gào khóc bên xác mẹ, chị gọi mẹ thảm thiết nhưng vẫn cố vực dậy lo ma chay cho mẹ. Xong xuôi mọi việc chị lăn ra ốm nặng. Chúng tôi xúm vào chăm chị, đưa chị đi khắp mọi nơi để chữa trị. Sau 2 tháng hết lòng chăm sóc, chị dâu tôi cũng đã bình phục, chị em tôi ai nấy đều vui mừng. Chúng tôi ai nấy đều xem chị như mẹ, công to việc lớn trong nhà chị chỉ cần nói một câu là 3 chị em tôi răm rắp làm theo, cấm đứa nào dám cãi

Cậu út thấy chị sống một mình ở quê thấy lo nên ngỏ ý mời chị lên ở cùng gia đình cậu nhưng chị từ chối ,chị bảo chị còn phải ở đây thờ cúng tổ tiên cha mẹ và anh Nam, chị không đi đâu cả. Chúng tôi thấy vậy cũng không dám ép chị nhưng chúng tôi bảo nhau phải thường xuyên về với chị, không được để chị buồn.

Chị dâu tôi năm nay cũng ngoài 70 tuổi rồi, sức khỏe cũng kém rồi, hàng tuần chúng tôi đều thay phiên nhau đưa các cháu về chơi chị vui lắm. Chúng tôi chỉ mong chị khỏe mạnh vui vẻ là chúng tôi an tâm, hạnh phúc rồi.

Sưu tầm.

Xem thêm: Con đừng bỏ mẹ - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm