Chàng họa sĩ khuyết tật: Dùng miệng vẽ ước mơ, xuất hiện trong phim được đề cử giải Oscar

Nghị lực sống phi thường của Lê Minh Châu (sinh năm 1991) - chàng họa sĩ khuyết tật do chất độc da cam, có biệt tài vẽ tranh bằng miệng khiến nhiều người cảm phục.

Diệu Nguyễn
15:50 11/04/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Khi nhắc đến Minh Châu chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ đến bộ phim dài 34 phút với tựa đề “Chau, Beyond the Lines”  do nữ đạo diễn đạo diễn Courtney N Marsh chỉ đạo sản xuất. Bộ phim này từ lọt Top 10 đề cử phim tài liệu xuất sắc Oscar 2016.

Nghị lực phi thường của chàng họa sĩ khuyết tật

Chúng tôi đến phòng tranh của chàng họa sĩ Lê Minh Châu trên đường Lê Hồng Phong (Q.10 – TP. Hồ Chí Minh ). Gọi là phòng tranh nhưng đó chỉ là căn phòng nhỏ chưa đầy 20m2. Châu thuê căn phòng với giá 5 triệu/ tháng để nghỉ ngơi, sinh hoạt và trưng bày những tác phẩm của mình.

Vừa bước vào phòng chúng tôi đã vô cùng ấn tượng với những bức tranh rất thực mà Châu vẽ với đủ các thể loại từ chân dung, phong cảnh, tranh trừu tượng…Và tất cả chúng đều được Châu dùng miệng của mình để vẽ nên.

Nguyễn Minh Châu (1991) sinh ra trong gia đình nghèo quê ở Trảng Bom (Đồng Nai). Châu là đứa con duy nhất (trong 4 anh chị em) dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam từ bố mẹ (cha mẹ Châu đã bị nhiễm dioxin thời kỳ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước).

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ nhỏ Châu đã được gửi vào Làng trẻ em Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ  (TP Hồ Chí Minh) để được chăm sóc và cho học chữ. Khi Châu 9 tuổi, đang học lớp 1, cả lớp Châu được một cô giáo tình nguyện tên Linh đến dạy vẽ bức tranh sơn mài lên tường trong lớp học. Châu kể “Khi ấy, Châu mê mẩn không rời mắt trước những sắc màu mà cô Linh pha phối”. Thấy được sự khát khao của những đứa trẻ thiệt thòi, cô Linh xin  mở một lớp học vẽ  miễn phí cho những đứa trẻ có khiếu hội họa như Châu tại Làng Hòa Bình.

Chang-hoa-si-khuyet-tat-Xuat-hien-trong-phim-duoc-de-cu-giai-Oscar

Lớp Châu ban đầu được cô Linh hướng dẫn bằng vẽ bằng bút chì dạ, tô vẽ màu lên hình mẫu có sẵn. Sau một thời gian, cô Linh phát hiện Châu có năng khiếu hội họa đặc biệt nên cô dạy kèm thêm. Cô cũng luôn động viên để Châu vượt qua khó khăn về khuyết tật của bản thân, nuôi dưỡng ước mơ thành một họa sĩ chuyên nghiệp.

Ngoài những giờ học văn hóa trên lớp, thời gian còn lại Châu đều miệt mài tập vẽ trong căn phòng tập thể của Làng Hòa Bình. Nhưng đôi tay yếu ớt của Châu chỉ vẽ được 10 – 20 phút là rã rời, Vừa đam mê vừa sợ mất ý tưởng, thế là Châu quyết định dùng miệng mình để tập vẽ. “Dùng tay cầm cây cọ thì chỉ cử động đôi cánh tay thôi, nhưng dùng miệng ngậm cọ để vẽ cần cử động của toàn cơ thể. Lúc đầu tập vẽ tranh bằng miệng, cơ thể em lúc nào cũng đau đớn và mệt mỏi, nhất là hàm răng, cơ miệng và cổ luôn rơi vào trạng thái đau nhức, không ăn uống được”- Châu kể.

Nhưng với ước mơ trở thành một họa sĩ, Châu vẫn kiên trì, hằng ngày vẫn dành 5 – 6 giờ để miệt mài tập vẽ bằng miệng. Qua nhiều năm tháng, những nét vẽ bằng miệng của Châu dần dần trở nên sắc sảo hơn.

Dùng miệng vẽ ra khoảng trời của chính mình

“Khoảng thời gian sống trong Làng Hòa Bình là khoảng thời gian hạnh phúc và nhiều kỷ niệm không thể quên” Châu tâm sự. Nhưng trong thâm tâm Châu muốn niềm đam mê hội họa của mình không dừng lại ở ước mơ. Nên khi đủ 18 tuổi Châu xin các mẹ nuôi trong Làng Hòa Bình được ra ngoài xã hội để tìm kiếm cơ hội học hỏi hơn nữa về hội họa.

Chặng đầu tiên, Châu tìm đến những phòng tranh ở TP. Hồ Chí Minh để xin học vẽ và lĩnh hội những cái tài, cái mới từ những thầy họa sĩ có tiếng. Và tất cả phòng tranh ghé đến Châu đều để lại ấn tượng đẹp về một chàng trai biết vượt qua nghịch cảnh để sống với đam mê của chính mình.

Chang-hoa-si-khuyet-tat-Xuat-hien-trong-phim-duoc-de-cu-giai-Oscar

Khi nghề nghiệp đã vững vàng, có thể tự mình nuôi sống bản thân, Châu bắt đầu hành trình cho ý tưởng mở phòng tranh để trưng bày và bán các tác phẩm của mình. Châu kể “Bức tranh đầu tiên, em vẽ về phong cảnh quê hương miền Bắc với với gốc đa, giếng nước, sân đình, được một người nước ngoài mua với giá 3.000.000 đồng. Khi đó em vui sướng vô cùng và thành quả đầu tiên ấy cũng là niềm động viên lớn để Châu tiếp tục viết tiếp ước mơ".

Để ước mơ ngày một bay xa, chàng họa sĩ khuyết lại tiếp tục vươn mình ra biển lớn. Châu tham gia các cuộc thi “ Nét vẽ  Xanh” rồi đến hội thi “Bảo tàng chứng tích chiến tranh” và hàng loạt cuộc thi khác và đều đạt giải. Và gần đây, trong cuộc thi “Chiến thắng nỗi đau”, Châu giành được giải khuyến khích.

Song song với đó chàng họa sĩ đã miệt mài học thêm ngoại ngữ và đến nay Châu nói thông thạo hai ngoại ngữ Tiếng Anh và Tiếng Nhật. Châu cho rằng “Việc học ngoại ngữ giúp Châu có thể hiểu hết ý tưởng của các khách nước ngoài khi họ đặt hàng mình. Hiện nay, phòng tranh Châu đã có lượng khách hàng khá ổn đến từ các nước Anh, Pháp, Nhật…”.

Khi nói về ý định tương lai, Châu tâm sự: "Châu muốn thực hiện một cuộc triển lãm về tranh của mình, và tiền từ cuộc triển lãm Châu sẽ dành tặng cho Ngôi nhà Hòa Bình, nơi đã cho Châu có cuộc sống như ngày hôm nay thay một lời cảm ơn từ tận đáy lòng”.

(Theo Infonet)

Xem thêm: Nghị lực phi thường của cô gái khiếm thị mê viết sách

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận