Cha tôi – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Từ ngày mẹ bỏ đi, cha làm quần quật để thoát nghèo cũng như để trút nỗi hận vào kiếp nghèo nàn của mình, bởi vì nó mà mẹ tôi bỏ đi, bỏ lại chồng con của mình.

Cha tôi – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Từ ngày mẹ bỏ đi, cha làm quần quật để thoát nghèo cũng như để trút nỗi hận vào kiếp nghèo nàn của mình, bởi vì nó mà mẹ tôi bỏ đi, bỏ lại chồng con của mình.

Năm ấy tôi lên 10, mẹ bỏ tôi và cha đi theo một người đàn ông khác. Bà chê cha tôi nghèo hèn, làm mãi không khấm khá lên được. Mẹ tôi gói ghém đồ đạc, bước qua bậu cửa, đi qua cha tôi đang gục đầu xuống lòng bàn tay. Bà đi những bước đi róng riết tức tối như mỗi bước đi là trút bớt một gánh nặng. Mẹ tôi chỉ dừng lại ở cuối sân khi nghe tiếng tôi nức nở gọi: “Mẹ! Mẹ ơi”. Nhưng bà chỉ dừng lại chừng khoảng 10 giây rồi cứ thế bước đi không ngoảnh lại. Cha tôi lặng thinh, ông ôm chặt khi tôi định chạy đuổi theo mẹ. Cả người cha tôi rung lên bần bật theo từng tiếng nức nở của tôi.

Tết năm ấy mẹ không về, chiều 29 Tết tôi chạy ngược triền đê, vừa chạy vừa khóc nức nở gọi mẹ. Gió bấc cắt vào má, vào tay tôi những làn sắc lạnh giá buốt. Cứ thế tôi lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương và hơi ấm của mẹ. Cha tôi là tất cả đối với tôi, tôi cũng là tất cả đối với ông. Người ta buồn thì hay uống rượu giải sầu, chỉ cha tôi là không. Ông nuốt những nỗi buồn bằng sự im lặng đến buốt giá.

Lắm đêm tôi học bài chán chê, chui vào mùng ngủ đã đời tỉnh dậy vẫn thấy cha ngồi chết lặng ngoài sân mặc cho sương rơi ướt bậc thềm. Tôi bật dậy, nhào đến ôm chặt lấy cha: “Sao cha không uống rượu cho bớt buồn? Sao cha không khóc cho thỏa lòng”. Tôi vừa nói vừa khóc, vừa đập tay như điên dại vào khuôn ngực của cha. Ông cứ vậy, chết lặng, im lìm tiếp tục nuôi tôi khôn lớn.

Cha lần nào cũng bảo tôi đừng trách mẹ. Đàn bà khi khổ cực quá, khi đa đoan quá hoặc khi xinh đẹp quá thì thường trong lòng hay dậy sóng. Có những con sóng mà chỉ trong những khoảnh khắc rất ngắn, nếu không đủ bản lĩnh và lý trí thì rất dễ bị nhấn chìm. Nó đẩy cuộc đời ta sang những ngã rẽ bất ngờ và đầy đau khổ. Nhưng đến khi tĩnh tâm lại thì hối tiếc cũng đã muộn màng.

Người làng bảo mẹ tôi lấy chồng ở bến Bính rồi. mẹ tôi đẹp nên lấy chồng giàu có lắm. Người ta hay thấy bà ngược xuôi trên những con đò nan, khi thì bám mích tàu Tây bán đồ ngoại, khi thì bán nhu yếu phẩm cho các thủy thủ tàu Việt Nam.

Từ ngày mẹ bỏ đi, cha làm quần quật để thoát nghèo cũng như để trút nỗi hận vào kiếp nghèo nàn của mình, bởi vì nó mà mẹ tôi bỏ đi. Ông làm phu cát ở bến đò Vạn Hóa, rồi bốc gạch, đi phụ hồ,… làm tất cả những việc có thể làm để nuôi tôi ăn học. Ngày ấy Thủy Nguyên nói với nội thành Hải Phòng bằng những chuyến phà chạy qua sông Cấm.

Tôi không nhớ mẹ mà tôi ghét mẹ, hận mẹ. Ba bốn cái tết rồi mà bà chưa một lần trở lại thăm tôi. Làng Lâm với bến Bính đâu có xa. Bác hàng xóm bảo chỉ cần đi qua Hoa Động, qua cầu Đen, cứ đi thẳng tay phải là tới được bến Bính. Ở đây tôi có thể gặp mẹ mình.

Một buổi cha tôi đi làm cát từ rất sớm, tôi ngủ dậy cho lợn gà chó má ăn xong, bỗng bần thần nhớ mẹ. Trời mới vừa tảng sáng, lối đi còn ướt đẫm sương rơi, tôi chạy một mạch qua cổng làng, cứ vậy chạy miết chạy miết theo lời bác hàng xóm bảo. Đứng giữa dòng người và xe thồ hàng, tôi ngơ ngác sợ hãi vô cùng. Chiếc phà cập bến, người xuống kẻ lên nườm nượp, chỉ mình tôi đứng đấy bơ vơ, không định hướng. Tôi đứng chết trân nép vào một mái quán bên đường. Bến Bính hiện ra trước mắt tôi với những mái nhà tạm lợp bằng giấy dầu và những khúc cây đè lên mái vì sợ gió bão thổi bay. Những khuôn mặt người lạnh lùng vội vã lướt qua. Tôi thấy sợ hãi, tôi nhớ cha da diết và cứ thế nước mắt tôi chảy dài, lòng cứ thì thầm gọi hai tiếng “Mẹ ! Mẹ ơi”.... tôi đứng trông mãi nhưng chẳng thấy bóng mẹ đâu. Nắng chiều phủ xuống dưới chân tôi. Thất vọng, mình tôi lại lầm lũi trở về làng. Sau lần ấy tôi không đi tìm mẹ thêm lần nào nữa.

Năm tôi học hết cấp ba, cây cầu Bính được khánh thành. Một buổi trưa tháng năm tôi đạp xe về nhà sau buổi liên hoan lớp. Trong giỏ xe vẫn còn chùm phượng vĩ, vừa bước vào nhà tôi nhìn thấy cha tôi ngồi trên tấm phản giữa nhà mặt lạnh lùng vô cảm, dưới sàn là mẹ tôi. Dù hơn 10 năm tôi mới gặp lại nhưng vừa đưa mắt tôi nhận ra ngay. Bà khụy xuống giữa nhà nức nở khóc gọi tên cha, xin cha để bà gặp tôi lần cuối…

Rất nhiều năm sau cái chết của người đàn bà mà tôi gọi bằng mẹ ấy, tôi vẫn nhớ như in những lời bà ấy nói với cha ngày tôi học hết cấp 3. Bà ấy đã từng rất yêu cha, yêu tôi, nhưng phía sau tình yêu ấy còn có những cám dỗ, những thấp hèn, toan tính và cả rất nhiều thứ vụn vặt rất người. Bà ấy đã không tự kiềm chế được mình, không vượt qua được nên đã đánh mất tình yêu và gia đình.

Mẹ tôi chết rất trẻ, năm ấy bà mới 40 tuổi, bà mất vì căn bệnh ung thư. Những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời bà bỗng thấy nhớ tôi, nhớ những ngày hạnh phúc xưa cũ, bà ân hận quay về nhưng tất cả đều đã quá muộn.

Tôi lớn lên với nỗi hận mẹ mình.Từ ngày mẹ ra đi, cha tôi vẫn sống một mình, cả đời ông cô độc bởi tình yêu duy nhất ông chỉ dành cho một người đàn bà. Sau nhiều năm vất vả làm lụng, cha tôi cũng trở nên khá giả và giàu có nhờ mở bãi buôn gạch cát. Cũng rất nhiều người đàn bà đến gần, người ve vãn gia tài, người thật dạ thương yêu nhưng cha vẫn chẳng rung động trước một ai.

Sau nhìn khi trưởng thành, nhìn lại tôi mới thấy cuộc đời rất công bằng với mình, khi đời lấy đi của tôi tình yêu người mẹ, nhưng bù lại cho tôi tình thương của cha. Khi lớn lên tôi gặp được một người đàn ông nữa cũng yêu tôi không kém gì cha, đó là chồng tôi. Cả cuộc đời này tôi hàm ơn họ. Và với tôi, tình yêu là tất cả, những cám dỗ ngoài kia chẳng là gì đối với tôi. Cha và chồng, hai người đàn ông trong cuộc đời tôi, họ vừa là bầu trời vừa là mặt đất này, là những người tôi nguyện yêu thương và trân trọng suốt đời.

Xem thêm: “Chiến hữu” của ba – Câu chuyện nhân văn cảm động