Bố chồng là “người lạ” – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Bước vào nhà, thấy bố chồng có khách đến chơi, con dâu không chào một câu, vội vàng bước lên gác đóng sầm cửa lại… người bố nhìn theo, lòng quặn thắt.

Bố chồng là “người lạ” – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Bước vào nhà, thấy bố chồng có khách đến chơi, con dâu không chào một câu, vội vàng bước lên gác đóng sầm cửa lại… người bố nhìn theo, lòng quặn thắt.

Tôi năm nay hơn 70 tuổi, vợ mất nên giờ chỉ còn mình tôi lủi lủi dưới quê. Con trai không yên tâm với căn bệnh huyết áp cao của tôi nên nhất mực bảo tôi lên thành phố sống cùng. Dù ngại sống chung nhà với các con nhưng tôi không biết làm cách nào để từ chối. Một là tôi lo lắng hàng xóm sẽ dị nghị về con trai, nếu tôi không lên lại bảo con bất hiếu này kia. Hai là tôi cũng sợ mình bệnh tật ốm đau, lỡ có việc gì không ai biết. Đắn đo mãi sau cùng tôi vẫn quyết định gói ghém đồ đạc lên thành phố ở với các con.

Mới mấy tháng trôi qua nhưng tôi như trải qua một cơn ác mộng dài, ở lại không được mà về cũng chẳng xong.

Con trai tôi khá giàu có, ở nhà sang, đi xe xịn nhưng chúng không có hàng xóm láng giềng. Hai vợ chồng nó tất bật đi làm, tối về nhà đóng cửa nghỉ ngơi, không qua lại, giao thiệp với những nhà xung quanh. Các cháu tôi cũng sinh hoạt cùng một kiểu như bố mẹ. Ngoài giờ học trên lớp, chúng còn phải đi học thêm đến tận tối muộn mới về nhà, đến thời gian trò chuyện cùng ông nội cũng không có.

Tôi muốn đỡ chút việc nhưng các con bảo không cần, bởi nhà đã có người giúp việc. Có lần tôi dậy đi chợ sớm mua thức ăn về mấy món con trai thích, con dâu nhìn thấy liền bảo: “Sau bố đừng đi chợ mua thức ăn nữa, đồ ngoài đấy không đảm bảo, ăn vào lại ảnh hưởng đến sức khỏe”. Từ lần đó tôi không làm gì nữa.

Tôi bị tiểu đường có nhiều món không thể ăn, nhưng trên mâm cơm, nó nào cũng được nêm đường theo ý thích của con dâu. Tôi nói thì con dâu bảo: “Bố ăn dần là quen ngay ấy mà, nhà con ăn vậy nhiều năm rồi, với cả chúng con bận nên không thể lo thực đơn riêng cho bố được đâu ạ”. Câu nói ấy của con dâu khiến tôi lặng người câm nín.

Ở thành phố, tôi không có bạn bè, chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà 4 tầng. May mắn, buổi sáng dậy sớm tập thể dục, tôi gặp được 1, 2 người hàng xóm cũng từ quê lên ở với con cháu nên có người trò chuyện cho đỡ buồn. Mỗi lần nhìn thấy tôi nói chuyện với những người đó, các con lại tỏ vẻ không vui. Con trai, con dâu không ngừng nhắc tôi cẩn thận tiếp xúc với “người ở quê”.

Thấy các con không thích nên tôi cũng không gặp nữa, thế là ngày qua ngày tôi chỉ biết ngồi tĩnh lặng nơi góc nhà, nghe tiếng xe cộ ngoài đường và nhớ quê da diết. Ở đây, tôi như người khách lạ sống nhờ. Tôi muốn về quê, nơi có ngôi nhà cũ và hàng xóm láng giềng thân quen, nhưng nghĩ đến cảnh sống một mình, lúc ốm đau không có ai bên cạnh, tôi lại chùn bước. Không ít lần tôi muốn tâm sự với con trai về nỗi buồn cô đơn buồn tủi của mình nhưng rồi lại thôi, sợ làm con phiền lòng.

Mới đây, có ông bạn cũ biết tôi lên sống cùng các con nên muốn ghé sang chơi. Tôi mừng quýnh nói với các con rằng, tôi có bạn sắp đến nhà chơi.

Hôm đó, khi tôi đang vui vẻ nói chuyện với bạn thì con dâu đi làm về. Nhìn thấy bạn của bố chồng nhưng con bé không chào lấy một câu, dửng dưng đi lên phòng đóng sầm cửa lại. Tôi xấu hổ với bạn nên tìm lý do nói giảm nói tránh giúp con.

Gần bữa cơm tối, nhưng tôi cũng không thấy con dâu xuống hỏi chuyện cơm nước, ngỏ ý giữ bạn của bố chồng ở lại ăn cơm. Tôi đành nói với bạn, đợi con trai tôi về sẽ đưa cả nhà đi ăn hàng. Nhưng nhìn thái độ con dâu có lẽ bạn cũng biết ý nên dù giữ thế nào, ông ấy cũng không chịu ở lại.

Lúc bạn về, con dâu tôi mới đi xuống hỏi ráo hoảnh: "Bạn bố ở tận đâu mà đến chơi tới giờ này ạ?". Tôi lắc đầu ngán ngẩm bảo ở xa, bố không rành đường nên không biết.

Sáng hôm sau, trước giờ ăn cơm, con trai còn nhắc khéo tôi rằng: “Vợ con không thích có người lạ đến nhà”. Tôi nghe thấy mà buồn vô cùng. Ngần ấy năm vất vả nuôi con trưởng thành để rồi tôi lại phải chịu nỗi ấm ức này. Ở nhà các con mà tôi chẳng khác gì người đi ở nhờ. Tôi tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục sống như thế này tới bao giờ?

Xem thêm: Suất cơm bán trú nhường mẹ - Câu chuyện nhân văn cảm động