Những điều ít người biết về nữ Tiến sĩ khoa học đầu tiên ở Việt Nam

Không chỉ là Tiến sĩ khoa học đầu tiên, bà Hoàng Thị Nga còn là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Khoa học, Đại học Quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những điều ít người biết về nữ Tiến sĩ khoa học đầu tiên ở Việt Nam

Không chỉ là Tiến sĩ khoa học đầu tiên, bà Hoàng Thị Nga còn là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Khoa học, Đại học Quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Xuất thân gia đình danh giá

Bà Hoàng Thị Nga (1903-1970) sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở làng Đông Ngạc (hay còn gọi là làng Vẽ hoặc Kẻ Vẽ), tổng Minh Cảo, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Cầu Đơ (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. 

Tiên tổ của bà là Hoàng Nguyễn Thự, thuộc một gia đình khoa hoạn làng Đông Bình (nay thuộc xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), lấy vợ rồi lập nghiệp ở làng Vẽ, sau này đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp khoa Đinh Mùi (1787). Thân phụ của bà là ông Hoàng Huân Trung, Cử nhân Khoa Quý Mão (1903), sau làm đến Tri phủ Phú Thọ, trí sĩ với hàm Tổng đốc, Hội trưởng Hội Khai trí Tiến đức.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống học hành, thân phụ lại có tư tưởng tiến bộ, giỏi cả Nho học và chữ Quốc ngữ nên từ nhỏ, bà Hoàng Thị Nga đã được theo học tại trường nữ sinh tiểu học Pháp-Việt Ecole Brieux. Sau này, bà còn theo học ở Trường Sư phạm nữ sinh người Việt (École Normale des Institutrices annamites, nay là trường Trường THCS Trưng Vương) ở phố Hàng Bài, Hà Nội. 

Nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam

Sau khi đỗ tú tài phần nhất, bà Hoàng Thị Nga được gia đình cho sang Pháp học tú tài phần hai. Sau đó, bà vào học tại Viện Khoa học ở Paris. Bà tiếp tục học lên Tiến sĩ khi đỗ Cử nhân về khoa học.

Năm 1935, bà Hoàng Thị Nga nhận học bổng tiến sĩ hạng ưu với luận án “Tính chất quang điện của các chất hữu cơ”. Đề tài luận án rất hiện đại, khác biệt so với thời bấy giờ. Bà được Tạp chí Khoa học dành cho những lời hoa mỹ với bài viết cho nhan đề: “Thật là vẻ vang cho đàn bà nước Nam: Cô Hoàng Thị Nga mới đỗ Tiến sĩ về khoa học vật lý”.

Trong bài viết có đoạn: “Hội đồng sau khi nghe bài luận thuyết của cô, đồng thanh ngợi khen cô và nhận cho cô được lấy bằng Tiến sĩ hạng ưu. Cô còn được khen cả về phương diện sư phạm. Công chúng đến xem kỳ thi đều vô cùng tâm phục tài khoa học của một cô gái Việt Nam.

Cô Hoàng Thị Nga lấy được bằng Tiến sĩ khoa học đầu tiên ở nước Nam, làm vẻ vang cho nhà, cho nước, nhất là cho phái nữ lưu, cho các trường cô tòng học, cho các giáo sư đã luyện tập cho cô được thành tài, như ông Petelot, Bernard”.

Từ 15/5/1945, bà được chính quyền Pháp cử làm giáo sư trường Đại học Khoa học (một số nguồn là trường Cao đẳng Khoa học). Đến ngày 15/8/1945, bà Hoàng Thị Nga được đề bạt lên làm hiệu trưởng. Khi đó, bà mới khoảng 40 tuổi, người đẫy đà, mặt trái xoan trắng trẻo, được giới sinh viên bàn tán xôn xao.  

Nguyên nhân bởi, sinh viên ở đây đã quen việc các thầy giáo Pháp ở trường Đại học. Nay lại có giáo viên người Việt, đặc biệt còn là nữ đứng trên bục Đại học giảng bài bằng tiếng Việt, quả là một hiện tượng hiếm có. Tại buổi khai giảng, bài diễn văn khai mạc của bà đã thu hút đông đảo sinh viên các ngành, đứng chật ních cả hành lang.

Cả đời cống hiến cho khoa học

Không chỉ học vấn uyên bác, bà Hoàng Thị Nga còn thẳng tính, dám kiện Chính phủ Pháp về tội thất tín. Cụ thể, khi còn ở Paris giới chức nước này đã hứa cho bà về dạy tại trường Đại học. Tuy nhiên lúc về nước, giới chức Đông Dương chỉ cho bà dạy ở trường Trung học. Bà ngay lập tức xin trở lại Pháp, kiện chính phủ Pháp về tội thất tín và yêu cầu bồi thường mọi chi phí di chuyển.

Nhậm chức 2 tháng, bà lại trở về Pháp. Bà dành cả đời cống hiến cho khoa học, không lập gia đình. Bà tham gia nhóm phát minh sáng chế vô tuyến màu của Pháp. Năm 1970, bà qua đời trên đất Pháp, được vinh danh ở trên Bia tưởng niệm nghĩa trang Danh nhân nước này. 

Xem thêm: Nữ du học sinh Việt đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa ngành Dược ở Mỹ, được mời phát biểu tại lễ tốt nghiệp