Giai thoại về tứ đại phú hộ của Sài Gòn xưa: Có người giàu hơn cả vua Bảo Đại
Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Sài Gòn xuất hiện tứ đại phú hộ giàu nứt vách đổ tường mà dân gian hay truyền là Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa.
Điều đáng nói, tài sản của tứ đại vị phú hộ này còn vượt qua cả vua chúa ngày xưa. Bốn vị này không chỉ giàu nhất Sài Gòn mà còn đứng đầu Nam Kỳ lục tỉnh và các nước Đông Dương.
Nhất Sỹ
Nam Phương hoàng hậu vốn sinh ra trong một gia đình quý tộc giàu có, nhưng mấy ai biết được ông ngoại của bà chính là huyện Sỹ, người đời gọi là nhất Sỹ - 1 trong tứ đại phú hộ Sài Gòn. Nhà thờ Huyện Sỹ còn tồn tại tới tận ngày nay là một trong những minh chứng cho sự giàu có của ông.
Huyện Sỹ tên thật là Lê Nhất Sỹ, sinh năm 1841 tại cầu Kho, quê quán ở Tân An - Long An. Sau này, ông được tu sĩ người Pháp cử sang Malaysia học tập, trau dồi được nhiều thứ tiếng như tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng La tinh,…
Khi về nước, ông đổi tên thành Lê Phát Đạt, được chính quyền Nam Kỳ bổ nhiệm làm thông ngôn, sau đó trở thành Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Thời điểm đó, dân chúng tản mác khắp nơi khi Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ, ruộng đất để không chẳng ai cày cấy, cũng không ai dám nhận. Chính quyền bắt ông huyện Sỹ phải mua đất nên ông phải vay mượn tiền để mua.
Năm Giáp Thìn 1904, đất Gò Công bị bỏ hoang, ai chịu được cảnh đóng thuế đất thì được làm chủ, ông lại bị ép đi mua đất. Mấy năm sau ruộng liên tiếp trúng mùa, cuộc đời ông cũng phất lên như diều gặp gió. Nhờ “trúng đất”, ông trở thành một trong những người giàu có nhất Sài Gòn. Ông dùng tiền bạc xây nhà thờ bởi nhà ông theo đạo công giáo. Trong đó phải kể đến nhà thờ Huyện Sỹ, nhà thờ Chí Hòa (ngày nay là nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi).
Năm 1900, ông Huyện Sỹ qua đời, 20 năm sau vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài cũng mất. Cả hai vợ chồng được chôn cất ở gain sau cung thánh nhà thờ Huyện Sỹ. Con cái ông đều là người học rộng tài cao, sở hữu nhiều đất đai ở các tỉnh Nam Kỳ. Trong đó, có ông Lê Phát An được vua Bảo Đại phong chức An Định Vương. Cháu ngoại ông huyện Sỹ là Nguyễn Hữu Thị Lan cũng được gả cho vua Bảo Đại, trở thành Nam Phương hoàng hậu. Có giai thoại kể rằng, ông Lê Phát An đã cho cháu gái là Nam Phương 1 triệu đồng tiền của hồi môn (khoảng 20.000 lượng vàng thời đó).
Nhì Phương
Cái tên tiếp theo trong tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa chính là ông Đỗ Hữu Phương (1841-1914) - cộng sự đắc lực của thực dân Pháp. Ông Phương xuất thân từ gia đình giàu có, cha là bá hộ Khiêm, cai quản cả một vùng đất rộng lớn của bắc Sài Gòn, khu Bà Điểm ngày nay. Bên cạnh đó, nhà ông còn có cả trăm căn nhà mặt tiền cho thuê, tiền nhiều đến nỗi ăn mấy đời cũng không hết.
Bá hộ Khiêm nổi tiếng dạy con nghiêm khắc, từ nhỏ đã cho ông Phương học tiếng Hán, sau này học cả tiếng Pháp. Ông Phương rất chịu khó học hành, lại giỏi giang, hiểu biết, sau khi cha qua đời được thừa hưởng khối tài sản kếch xù, trở thành bá hộ Phương.
Năm 1861, ông trở thành cộng sự của Pháp, được chính quyền Pháp giao làm hộ trưởng (thời đó Sài Gòn – Chợ Lớn được chia làm 20 hộ) rồi lần lượt thăng chức. Do thường xuyên sang Pháp, tiếp xúc với người nước ngoài nên ông Phương sống rất “Tây”, thường xuyên diện đồ lịch thiệp.
Vợ của ông họ Trần - con gái của một quan lớn triều Nguyễn. Hai vợ chồng người giỏi việc nước, người đảm việc nhà, đất đai lên tới hơn 2200 ha. Mùa thu hoạch bà tính toán thu chi, sắp xếp nhân công và xây dựng hệ thống kinh doanh rõ ràng. Bà còn cho tá điền thuê lại đất để thu thuế… Thóc lúa nhà ông Phương chất thành núi, được vợ bán với giá tốt để thu tiền. Vì vậy, gia tài của vợ chồng ông ngày càng nhiều.
Tam Xường
Người thứ 3 trong tứ đại phú hộ của Sài Gòn xưa là Lý Tường Quan (1842-1896), tên tự là Phước Trai. Có ghi chép cho rằng tam Xường là người Minh Hương (vốn là Hoa Kiều trung thành với nhà Minh), nguyên quán Phiên Ngung Quảng Đông. Sau khi lánh nạn phong kiến nhà Thanh, tam Xường đến Việt Nam, học trường Tây và trở thành thông ngôn cho chính quyền Pháp.
Năm 30 tuổi, ông bỏ nghề chuyển sang tập tành kinh doanh. Ông bán lương thực, thực phẩm, thịt cá xuất khẩu rồi mua đất xây biệt thự cho thuê ở Chợ Lớn. Vừa biết làm ăn lại biết nịnh nọt quan Tây, quan ta nên việc làm ăn ngày một thăng tiến.
Ông có dinh thự rất lớn, sau này là từ đường nhà họ Lý, ngày nay nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông, được Ủy ban nhân dân TP.HCM xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Tứ Hỏa
Người cuối cùng trong tứ đại phú hộ là ông Hứa Bồn Hỏa (1845-1901) - người Việt gốc Hoa, theo đạo công giáo. Có giai thoại nói rằng, ông Hỏa giàu có là do an táng cha ở vị trí đất long mạch, có người đồn thổi là do ông được hưởng kho báu nhà Minh, người lại nói ông nhặt được túi vàng, giai thoại khác lại nói ông trở thành chủ vựa ve chai, làm ăn phát đạt nhờ được ông chủ người Pháp giúp đỡ.
Ông thành lập công ty Hui Bon Hoa với ngành bất động sản, xây dựng nhiều công trình nổi tiếng như Bệnh viện Bảo sanh Đông Dương - Maternité Indochinoise, nay là Bệnh viện Từ Dũ, khu nhà khách chính phủ, khách sạn Majestic; chùa chiền và nhiều công trình khác.
Đến năm 1901, ông Hỏa và vợ trở về Trung Quốc rồi qua đời, cả hai vợ chồng được chôn cất tại quê hương. Cả 3 người con trai của ông đều là người tài giỏi, sau khi được hưởng tài sản của cha cả 3 đã xây dựng và phát triển sản nghiệp trở nên lớn mạnh. Con cháu của ông cũng di cư đến Pháp, Mỹ,… không còn ai ở Việt Nam.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận