Kín đáo một hạnh đẹp đạo đức của con người
Kín đáo không nói về bản thân mình cho người khác biết được xét trên hai phương diện: một là Đạo đức, hai là sự khôn ngoan. Khi tìm hiểu về Tâm lý Đạo đức, chúng ta chỉ tìm hiểu sự kín đáo như một hạnh đẹp của Đạo đức
Thích nói ra những cái hay, cái tốt của mình cho người khác biết, đó là tâm lý thường tình của con người. Vì người ta nghĩ rằng, những điều đó làm cho họ tăng thêm giá trị và khiến người khác phải nể phục. Tâm lý thèm khát sự cảm phục của người khác là tâm lý rất mãnh liệt của con người. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, Kín đáo - không kể những điều tốt của mình cho người khác biết là một biểu hiện của Đạo đức.
Vì trong thâm sâu, chúng ta không thấy mình là người quan trọng, không cần sự nể phục của người khác nên cũng không cần phải kể những chuyện tốt của mình. Đây là Tâm của một người có chấp ngã tương đối nhẹ. Thường những người ấy đã đạt được Thiền định rất tốt sẽ không thấy mình là quan trọng.
Thực ra, họ không muốn kể cho ai nghe về mình chứ không phải giấu giếm điều gì về mình. Chúng ta phải phân biệt được hai trường hợp như vậy. Vì có những người vẫn thấy mình quan trọng nhưng muốn giấu người khác nên không nói ra. Tâm của những người này chưa thật sự hợp với Đạo.
Ví dụ, một người thấy mình có một món tiền kha khá nên rất tự hào vì nghĩ mình có giá trị hơn mọi người nhưng họ vẫn giấu, không nói ra vì sợ phải giúp đỡ những người khác. Rõ ràng, trường hợp này cũng giấu, cũng kín đáo không nói về bản thân mình nhưng không phải là biểu hiện của Đạo đức.
Điều này hoàn toàn khác với người biết mình có nhiều tiền hơn người khác nhưng cho rằng như vậy không có gì quan trọng. Trên thực tế, số tiền ấy cũng chưa cần phải giúp ai nên họ không cần nói ra. Bởi thấy những gì thuộc về mình không quan trọng nên khong cần phải bày tỏ cho người khác biết. Đây là yếu chỉ căn bản nhất của hạnh kín đáo.
Khi nói ra những cái hay của mình nghĩa là chúng ta đang khoe khoang, trong tâm chúng ta đang ngầm có sự kiêu mạn về điều hay, điều tốt đó của mình. Đây là sự tổn thất trong Đạo đức, chúng ta phải cẩn thận. Khi lớn lên, càng tu hành, càng giữ giới, càng làm được nhiều việc thiện, chúng ta càng có công đức với Phật pháp và phước cũng tăng lên. Sự ngưỡng mộ của người khác cũng dần dần xuất hiện. Lúc đó, chúng ta dễ chấp vào nó và sinh tâm kiêu mạn. Chính kiêu mạn là cái gốc làm nên sự khoe khoang.
Chúng ta phải nhìn thấy tâm thèm khát sự cảm phục của người khác là điều rất nguy hiểm, là một ảo tưởng, ảo vọng, giả dối và phải vượt qua được điều đó. Chúng ta nên chấp nhận sống một đời thanh bai, kín đáo, không cần ai biết đến mình. Có thể trong cuộc đời, chúng ta sẽ làm được nhiều việc tốt cho Đạo, được nhiều người biết đến và nể phục. Những lúc ấy, chúng ta càng cần phải cẩn thận, đừng rơi vào trạng thái thèm khát sự cảm phục của người khác.
Ví dụ, có người gặp ai cũng luôn miệng nói : “Mai mốt, chắc chắn tôi đi tu, tôi sẽ làm Phật”. Thực tế cho thấy, người ấy không bao giờ đi tu được nữa, đừng nói là được làm Phật. Có một Thầy kể rằng, khi chưa xuất gia, Thầy cùng với một người bạn ước hẹn với nhau là sẽ đi tu và chỉ có hai người biết điều này thôi. Nhưng mấy hôm sau, không ngờ những người bạn khác cũng biết chuyện đó, biết chuyện người bạn định đi tu.
Rồi ý định của hai người không thực hiện được vì không hiểu sao hoàn cảnh lúc ấy rất khó khăn, duyên hình như cũng chưa đến. Cho đến khi bất ngờ, duyên hiện ra, người này không nói với ai hết và vào chùa luôn. Sau này, người ấy mới biết anh bạn cùng ước hẹn với mình khi xưa đã lập gia đình, không bước chân vào con đường tu hành.
Không chỉ riêng trong việc tu hành, việc ngoài đời cũng vậy. Những kế hoạch làm việc, nếu nói sớm quá, người thế gian cũng khó thành công. Bởi vậy, làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng nên âm thầm, lặng lẽ, lặng lẽ một cách khiêm tốn, không khoe khoang, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Phật dạy: Thành công của đời người quy tụ ở 4 tố chất phước, trí tuệ, sức khỏe và đạo đức
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận