Những lưu ý quan trọng về Ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo

Hằng năm, vào ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo 19/6 Âm Lịch, Phật tử ở khắp mọi nơi thường ăn chay, tụng kinh và bày lễ cúng cầu mong Phật bà phù hộ độ trì cho gia đình được bình an vô sự.

Loan Nguyễn
07:37 28/07/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát là ngày nào?

Một năm có 3 ngày là ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát. Phật tử ở khắp mọi nơi đều thành tâm hướng về ngài vào các ngày này:

Ngày 19/2 âm lịch là ngày Quán Thế Âm đản sinh.

Ngày 19/6 âm lịch là ngày Quán Thế Âm thành đạo.

Ngày 19/9 âm lịch là ngày Quán Thế Âm xuất gia.

Năm nay lễ Kỷ niệm ngày Thành đạo của Quán Thế Âm Bồ Tát 19/6/2021 âm lịch nhằm ngày 28/7/2021 dương lịch.

Quán Thế Âm Bồ Tát là ai?

Quán Thế Âm Bồ Tát xuất hiện khá nhiều trong các kinh điển Đại thừa như Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã Tâm Kinh, Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Đại Từ Đà La Ni, Chuẩn Đề Đà La Ni… và rất nhiều các ký, sớ, giải, luận về Bồ Tát. 

Ý nghĩa của tên gọi Quán Thế Âm Bồ Tát như sau:

Quán là chỉ về sự quan sát, tìm hiểu, biết rõ ràng về đối phương

Thế là thế gian, cuộc đời, suộc sống trong nhân gian

Âm là tiếng kêu cứu, thỉnh cầu của những chúng sinh đang đau khổ

Bồ Tát là độ thoát, cứu độ cho chúng sanh, giúp họ có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Quán Thế Âm Bồ Tát là người luôn quan sát, lắng nghe tiếng kêu cứu khổ từ chúng sinh trong nhân gian để đến cứu. 

Ngài được xem là vị Đại bi (trong Kinh Pháp Hoa) nguyện cứu độ tất cả chúng sinh và Đại Trí (trong Bát Nhã Tâm Kinh) liễu ngộ năm uẩn đều là không.

ngay-via-quan-the-am-bo-tat-thanh-dao-19-6-2021-am-lich-1

Các kinh điển trên đều nói đến Quán Thế Âm Bồ Tát với hình tượng nam tính, nam giới chứ không phải nữ giới. 

Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, nêu rất rõ và rất ấn tượng về ý nghĩa cứu khổ cứu nạn vẫn được coi là tượng trưng cho hạnh nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát.

Kinh cho ta thấy Quán Thế Âm Bồ Tát là hình tượng nổi bật nhất của Đại Từ bi; những hóa thân của ngài gồm 33 hay 35 hình tướng để có thể thuận tiện cứu khổ cho chúng sinh. Lòng Đại từ bi ấy có thể xem như lòng mẹ đối với con cái, lại phù hợp với truyền thống của nhiều tôn giáo có một vị nữ được ví như là Mẹ của tất cả: Đức mẹ Kali, Đức mẹ Maria, Đức Mẫu… 

Mặc dù Quán Thế Âm Bồ Tát có thể hóa thân thành Phật, Bích chi, Thanh văn, Phạm vương, Tự tại thiên, Đại Tự tại thiên, Đại tướng quân, Tỳ sa môn Thiên vương… Tiểu vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn, nam nữ Tỳ kheo... nét nổi bật nhất của hóa thân ngài vẫn là hình ảnh phụ nữ, hình ảnh mẹ hiền.

Kinh điển Đại thừa, đặc biệt là Kinh Pháp Hoa, được truyền sang Trung Quốc, các bản dịch chính kinh và phụ kinh của kinh này được phổ biến khá rộng từ năm 255 đến năm 601. Và quan niệm Quán Thế Âm Bồ Tát mang hình tướng nữ giới được hình thành dần dần, đến đời Đường (618-907) thì hình tướng này hình như hoàn toàn phổ biến, nhất là trong giới bình dân, tạo thành một tín ngưỡng quan trọng.

Tông chỉ của Quán Thế Âm Bồ Tát

Để biết đường lối thực hành theo Tông chỉ Quán Thế Âm Bồ Tát, mời quý Phật tử tham khảo bài yếu chỉ Phẩm Phổ Môn, phẩm thứ 25, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Thiền sư Thích Duy Lực biên soạn.

Phẩm Phổ Môn Thứ Hai mươi Lăm

Phổ Môn là phổ biến thị hiện sức dụng thần thông của Tự tánh.

Vô Tận Ý Bồ Tát hỏi Phật: "Quán Thế Âm Bồ Tát vì nhân duyên gì tên là Quán Thế Âm?"

Phật bảo: "Nếu có vô lượng chúng sanh chịu các khổ não, nhứt tâm xưng danh (nhứt tâm là chẳng có niệm nào khác) thì sức dụng Tự tánh Quán Thế Âm hiện ra, tất cả đều được giải thoát nên gọi là Quán Thế Âm, cũng gọi là Tự tánh tự độ".

Sức dụng của Tự tánh được hiện ra thì vào lửa chẳng cháy, xuống nước chẳng chìm, dao chém chẳng đứt, thuốc độc chẳng giết được, ác quỉ chẳng hại được, lìa được tất cả tham sân si và tà kiến.

ngay-via-quan-the-am-bo-tat-thanh-dao-19-6-2021-am-lich-2

Về phương tiện tu hành của Quán Thế Âm có 5 thứ quán

1. Chơn quán: là lập Chơn để phá Vọng. Trước tiên phải xoay cái Tánh nghe trở về Tự tánh, thoát lìa âm thanh (sở nghe). Sở nghe đã tiêu thì Năng nghe cũng hết. Nên hai tướng động tịnh chẳng sanh, do đó sự dụng của lục căn (sáu giác quan) dung thông lẫn nhau gọi là nhĩ căn viên thông cũng gọi là "phản văn văn Tự tánh".

2. Thanh tịnh quán: là dùng thanh tịnh để đối trị sự ô nhiễm của năng sở. Năng nghe Sở nghe đã hết mà chẳng trụ nơi hết. Luôn cả tri giải về sự chẳng trụ cũng không.

3. Từ quán: là độ cho chúng sanh được vui mà chẳng có năng độ gọi là Vô Duyên Từ.

4. Bi quán: là độ cho chúng sanh lìa khổ mà chẳng có sở độ gọi là Đồng Thể Bi.

Khi Từ bi thể hiện thì ngã chấp (cái tôi ích kỷ) đều sạch. Tình cảm thương mến phát huy đến cùng tột, cũng như ánh sáng chiếu khắp mọi chúng sanh trong pháp giới vũ trụ, chẳng có thiếu sót. Như vậy được Hòa Quang Đồng Một (Nhiều đèn cùng chung một ánh sáng) Nên năng - sở đều diệt.

5. Quảng đại trí huệ quán: là trí huệ chiếu khắp pháp giới, quảng đại siêu việt số lượng. Tất cả năng sở, sinh diệt đều diệt thì tịch diệt hiện tiền, đây là thực tướng vĩnh viễn tồn tại cũng như phẩm Phương Tiện đã nói : "Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng" vậy.

Phẩm này chỉ rõ sự diệu dụng của Tự tánh tự độ

"Quán Âm Diệu Trí Lực (diệu dụng của Tự tánh)

Năng cứu thế gian khổ"

Là nghĩa này vậy.

(Trích Yếu chỉ Kinh Pháp Hoa của Thiền sư Thích Duy Lực)

Ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo nên làm gì?

Quán Thế Âm Bồ Tát tượng trưng cho sự yêu thương, cho sự đại từ, đại bi. Ở nơi đâu có khổ đau, có khó khăn thì ngài luôn xuất hiện ở đó, giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn của mình. Vậy nên trong những ngày vía của ngài, Phật tử nên thể hiện lòng tôn kính của mình với Quán Thế Âm Bồ Tát bằng nhiều cách khác nhau.

Có rất nhiều Phật tử phát nguyện ăn chay, có người lên chùa. Cũng có Phật tử nguyện trì tụng Chú Đại Bi, có người vì tưởng nhớ đến công đức của Bồ Tát mà in ấn kinh, làm từ thiện, phóng sinh để tạo thêm phước lành. Những việc làm trên đều rất tốt.

Nếu như không có điều kiện và không biết làm gì thì bạn cũng chỉ cần không tạo thêm tội, giữ tâm ý trong sạch, không nói điều ác, không làm điều ác, tha thứ bao dùng cho tất cả mọi người. 

ngay-via-quan-the-am-bo-tat-thanh-dao-19-6-2021-am-lich-3

Hay cũng có thể chắp tay thề nguyện 3 điều sau:

Xin nguyện yêu thương bản thân

Thương yêu bản thân là mình thương hết toàn thân tâm của mình, luôn chấp nhận con người thật, kể cả điều xấu lẫn điều tốt. Khi yêu thương bản thân mình thì bạn sẽ có thể giúp cho chính mình có cơ hội phát huy, bổ sung, hoàn thiện bản thân hướng đến những điều tốt đẹp.

Từ yêu thương bản thân bạn sẽ nghĩ đến tất cả những người xung quanh mình. Từ đó sẽ luôn yêu thương họ, quan tâm họ, bao dung với họ nhiều hơn, rồi dần dần sẽ bỏ những điều không tốt, thói quen xấu của chính mình làm cho mọi người không phải lo lắng đến ta. Chính điều đó thôi, bạn đã làm được một việc rất tốt.

Yêu thương bản thân mình giúp ta sửa chữa những điểm yếu, phát triển những điểm mạnh, quan tâm và giúp đỡ những người xung quanh. làm được như vậy chính là ta đang theo đại nguyện lớn của Quán Thế Âm Bồ Tát

Xin nguyện nhẫn nhục trước mọi thuận cảnh và nghịch duyên

Nhờ vào tâm nhẫn nhục mà Bồ Tát đã vượt qua bao kiếp nạn. Thực tập tính nhẫn nhục của Ngài cũng là một chuyện rất tốt. Nhẫn nhịn giúp ta giữ được tâm điềm tĩnh trong mọi hoàn cảnh kể cả khi thuận cảnh và nghịch duyên.  Nó không làm ta trở nên kiêu ngạo khi có người dành lời khen cho mình, tâng bốc mình. Và nó cũng không làm ta phải buồn phiền, đau khổ khi mọi điều không may xảy ra.

Tuy nhiên chúng ta nhẫn nhịn để tâm ta được thanh nhàn chứ không nên nhẫn nhịn để nghĩ cách trả thù. Điều đó lại không phải là điều mà Bồ Tát muốn chúng ta làm vậy.

Xin nguyện lắng nghe sâu sắc nỗi thống khổ của mọi người xung quanh

Việc lắng nghe rất tốt, nó không chỉ giúp ta hiểu rõ hơn về những nỗi thống khổ, buồn phiền của những người xung quanh ta giúp ta hiểu họ hơn mà nó còn giúp ta phát sinh tâm từ bi. Nhờ vậy, mà ta có thể giúp đỡ họ, xoa dịu những khúc mắc mà họ đang đeo mang hay ít nhất ta có thể giúp họ cảm thấy thoải mái khi được giải bày những chất chứa trong tâm hồn.

Cách thờ Quán Thế Âm Bồ Tát tại nhà chuẩn nhất

Hiện nay, những người theo đạo Phật và thờ Quán Thế Âm Bồ Tát ngày càng nhiều. Họ luôn mong muốn Bồ Tát có thể phù hộ cho gia đình của họ được bình yên, hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa có sự hiểu rõ về các cách thức thờ Quán Thế Âm Bồ Tát tại nhà.

Cách bày trí bàn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát

Phật tử lưu ý, tối kỵ đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tát chung với các tượng thần khác. Điều đó sẽ có thể không tốt và không may mắn. Sở dĩ, vì do Phật bà vốn thanh tịnh, tinh khiết, ăn chay, khi đặt chung với các tượng thần khác sẽ không tốt khi cúng đồ ăn mặn.

Nên đặt bàn thờ theo hướng “tọa Tây hướng Đông”. Tránh tuyệt đối không được quay tượng Quan Âm vào các hướng có nhà vệ sinh, cửa phòng ngủ và phòng ăn.

Tượng được đặt nên tránh hướng cửa và hành lang để tránh xung khí.

Không để bàn thờ Phật ngang hoặc dưới bàn thờ gia tiên.

Cách trình bày: Trên bàn thờ chính giữa là tượng Phật và bát hương thờ dưới chân phật. Hai bên là hai cây đèn, hay bên đèn là hai ly nước. Hai bên phía sau là 2 bình hoa và 2 đĩa hoa quả.

ngay-via-quan-the-am-bo-tat-thanh-dao-19-6-2021-am-lich-4

Lưu ý khi đặt bàn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát tại nhà

Hai ly nước nên được thay hằng ngày. Nước nên là nước tinh khiết, nước lọc.

Nhang cần được thay hằng ngày.

Không để bàn thờ bụi bẩn.

Cách sắm lễ cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát tại nhà

Sắm các lễ chay như hương, hoa tươi, quả chín, đèn, oản phẩm, xôi chè. Không nên cúng dường các đồ ăn mặn như thịt, các món có tỏi, hành,...

Hoa tươi lễ Phật như hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu,... Không nên chọn các loại hoa dại, hoa tạp.

Không nên bày bàn cỗ như yến tiệc để cúng dường Phật, ta chỉ cần hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái ngọt, nước trong là đủ.

Tuy nhiên, nếu không có điều kiện chúng ta chỉ cần thành tâm hướng về ngài bởi Phật là ở trong tâm của mỗi chúng ta.

Ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo tụng kinh gì?

Vào ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo, quý Phật tử nên tụng niệm 12 lời nguyện lớn của ngài:

1. Nam Mô hiệu Viên-Thông, danh Tự Tại, Quan-Âm Như Lai quảng-phát hoằng thệ nguyện.

2. Nam-mô nhất niệm tâm vô quái ngại, Quan-Âm Như Lai thường cư Nam Hải nguyện.

3. Nam-mô trú Ta-Bà U-Minh giới Quan Âm Như-Lai tầm thanh cứu khổ nguyện.

4. Nam-mô hàng tà ma, trừ yêu quái Quan Âm Như-Lai năng trừ nguy hiểm nguyện.

5. Nam-mô thanh tịnh bình thùy dương liễu, Quan Âm Như-Lai cam-lộ sái tâm nguyện.

6. Nam-mô Đại-Từ bi năng hỉ xả, Quan Âm Như-Lai thường hành bình đẳng nguyện.

7. Nam-mô trú dạ tuần vô tổn hoại, Quan Âm Như-Lai thệ diệt tam đồ nguyện.

8. Nam-mô vọng Nam nham cầu lễ bái, Quan Âm Như-Lai, già tỏa giải thoát nguyện.

9. Nam-mô tạo pháp-thuyền du khổ hải, Quan Âm Như-Lai độ tận chúng sanh nguyện.

10. Nam-mô tiền tràng phan, hậu bảo cái, Quan Âm Như-Lai tiếp dẫn Tây Phương nguyện.

11. Nam-mô Vô Lượng Thọ Phật cảnh giới, Quan Âm Như-Lai Di Đà thọ ký nguyện.

12. Nam-mô đoan nghiêm thân vô tỉ trại, Quan Âm Như-Lai quả tu thập nhị nguyện.

Xem thêm: Tụng Chú Dược Sư tại nhà: Tiêu trừ bệnh tật, cầu bình an, tăng phúc đức

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận