Phật dạy: Việc chúng ta làm trời xanh đều thấu tỏ, nhân quả báo ứng không chừa một ai
Lời Phật dạy, luật nhân quả không chừa một ai, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi. Những việc ta đã làm dù trải qua trăm ngàn kiếp cũng không mất đi, chỉ chờ đủ nhân duyên, cái quả ta sẽ tự nhận lấy.
Nhân quả xoay vần 3 đời không mất
Khi nói đến luật nhân quả, nhiều người sẽ cho rằng đây là một khái niệm mê tín. Cũng có người cho rằng nhân quả là khái niệm mơ hồ không có thật của Phật giáo. Với những người vô Thần, nhân quả báo ứng chỉ là điều viển vông.
Khái niệm "nhân quả" nghĩa là nghiệp nhân quả báo. "Nhân" tức là nguyên nhân, hay nhân duyên. "Quả" là kết quả, hay quả báo.
Trong kinh nhà Phật có nói: “Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”, tức những việc ta đã làm dù trải qua trăm ngàn kiếp cũng không mất đi, chỉ chờ đủ nhân duyên, cái quả ta sẽ tự nhận lấy.
Trong kinh Niết-bàn cũng có dạy: “Thiện ác chi báo như ảnh tùy hình; tam thế nhân quả tuần hoàn bất thất", nghĩa là: quả báo lành - dữ như bóng theo hình, nhân quả trong ba đời xoay vần không mất. Cách bạn đối xử với thế giới này ra sao, thế giới cũng sẽ hồi đáp lại bạn tương tự. Nhân quả là định luật căn bản xuyên suốt quá trình thành trụ hoại diệt của tất cả chúng sinh từ đời này sang đời khác, cho đến vũ trụ, vạn vật cũng không phải tuần hành, biến dịch một cách ngẫu nhiên, vô lý mà luôn tuân theo định luật nhân quả.
Mọi việc trên thế gian đều tồn tại nhân quả, tiền nhân hậu quả. Nhân quả không do bất cứ người nào, đấng thần linh nào quy định hay chế tạo ra, mà là một quy luật tồn tại khách quan, âm thầm, lặng lẽ, nhưng luôn đúng đắn, chính xác, hiệu quả vô cùng.
Đừng nghĩ rằng những việc mình đã làm không có ai chứng kiến thì thần không biết quỷ không hay, thực ra mỗi một việc thiện mà bạn làm, sẽ trở thành phúc báo sau này cho bạn; mỗi việc ác mà bạn làm, sẽ trở thành quả báo, nghiệp báo mà bạn phải gánh vác trong tương lai. Nhân quả không chừa một ai, chẳng người nào có thể tránh được nhân quả báo ứng. Mỗi một hành động của con người, cuối cùng đều sẽ gieo nhân nào gặp quả nấy.
Gieo nhân thiện ắt gặt quả thiện
Chuyện kể rằng, vào thời kỳ chiến quốc, trong những người thuộc hạ đi theo Mạnh Thường Quân có một người môn khách tên là Phùng Hoan. Người này bình thường không có tài gì nổi bật nhưng vốn tính trung hậu, đáng tin. Trong nhà Mạnh Thường Quân nuôi đến hàng ngàn môn khách, chi tiêu, ăn uống cũng là một vấn đề nên đành phải cho dân ở ấp Tiết (đất phong của mình) vay nợ lãi để lấy thêm thu nhập. Thấy quản gia dâng sổ sách lên báo với Mạnh Thường Quân rằng số tiền trong nhà chỉ còn đủ chi dùng trong 1 tháng. Mạnh Thường Quân gọi Phùng Hoan đến, giao cho đi lấy nợ lãi ở ấp Tiết. Khi đến nơi, thấy những người mắc nợ đều là dân nghèo, Phùng Hoan bèn ra lệnh đốt sạch sổ sách ghi nợ.
Ông cho gọi dân ấp Tiết đến và bố cáo rằng: “Mạnh Thường Quân cho vay nợ không phải vì lợi lộc mà muốn để mọi người mưu sinh, lập nghiệp. Mạnh Thường Quân có mấy ngàn khách ăn trong nhà, chi dùng không đủ nên bất đắc dĩ mới phải đòi nợ lãi để nuôi khách. Nay người có tiền đã lập văn tự hứa trả còn người nghèo khổ không thể trả thì miễn cho. Mạnh Thường Quân làm ơn cho dân ấp Tiết như thế quả là hậu!” Dân chúng nghe xong đều sụp xuống lạy tạ, tôn Mạnh Thường Quân như cha mẹ.
Biết chuyện Phùng Hoan tự tiện đốt văn tự ghi nợ, Mạnh Thường Quân giận lắm. Phùng Hoan mới nói: "Dân đất Tiết vốn khổ cực, thứ tôi thiêu hủy không phải các khoản nợ kia. Tuy tôi không đem tiền về cho ngài, nhưng tôi đem nhân nghĩa cho ngài. Tôi thấy trong nhà tiền bạc, mỹ nữ đều có đủ cả, chỉ thiếu nhân nghĩa mà thôi”.
Nghe Phùng Hoan nói vậy, Mạnh Thường Quân nín lặng đành bỏ qua nhưng trong lòng vẫn cảm thấy không thoải mái. Sau này, có người gièm pha Mạnh Thường Quân với vua Tề khiến ông bị thu ấn tướng quốc, chỉ cho về ấp Tiết ăn lộc. Các môn khách của Mạnh Thường Quân thấy vậy cũng tản mát đi thì chỉ có Phùng Hoan vẫn ở lại bên cạnh, cầm cương đánh xe cho chủ nhân. Khi vừa trở về ấp Tiết, dân chúng không quản ngại, lặn lội ra ngoài trăm dặm đón Mạnh Thường Quân, lại còn dâng cơm rượu, chúc tụng, nhắc đến chuyện nhân nghĩa xưa kia. Mạnh Thường Quân khi ấy mới hiểu được điều mà Phùng Hoan làm ngày trước, quay lại nói: “Ta thực quá hồ đồ, khi xưa còn trách móc ông. Giờ mới hiểu được nhân nghĩa mà ông mua cho ta nghĩa là thế nào”.
Hiểu luật nhân quả để tu dưỡng hàng ngày
Không phải một cách ngẫu nhiên mà đức Từ phụ Thích-ca Mâu-ni lại dạy về luật nhân quả trong hầu hết các kinh điển. Mỗi lời dạy của Ngài đều hàm chứa vô số ý nghĩa, song cũng không ngoài mục làm cho tất cả chúng sinh đều nhận ra được mối quan hệ giữa nhân duyên đời trước và quả báo đời sau của mình.
Lời Phật dạy về nhân quả rằng, Nhân quả vốn chẳng chừa bất cứ ai. Nếu bạn sống cay nghiệt, người khác nhất định đối xử hà khắc với bạn. Nếu bạn hào phóng, người khác chắc chắn chẳng so đo, toan tính với bạn là bao. Nếu bạn hiền lành khoan dung, chân thành với mọi người, tất sẽ có người sẵn sàng ở bên bạn chung hoạn nạn. Còn nếu bạn vì lợi ích cá nhân, sống giả dối hai mặt, chẳng ai muốn đến gần một người gian xảo như vậy cả.
Có những người coi thường nhân quả, lòng tràn đầy ba cái xấu xa tham - sân - si, nói lời khẩu nghiệp. Để rồi đến khi quả báo xảy tới, có hối hận cũng muộn rồi. Nhiều người làm việc ác bất chấp thủ đoạn, là do không tin vào nhân quả báo ứng. Chỉ người biết sợ nhân quả, hiểu rằng nhân quả không chừa một ai thì mới có thể tích phúc tích đức, vinh hoa phú quý cả đời. Khi đã hiểu được ý nghĩa lời Phật dạy về luật nhân quả, thì dù chúng ta làm việc gì, nói lời gì, cũng đều sẽ phải nghĩ đến kết quả tốt hay xấu mà nó mang lại. Điều này giúp mỗi người tránh được việc làm liều, nói ẩu, để rồi phải chịu hậu quả đau khổ trong hiện tại và tương lai.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận