Lời dặn dò cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết bàn

Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn vào ngày Rằm tháng Hai năm 544 TCN. Trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật đã có lời dặn dò cuối cùng quý báu đối với các đệ tử và tín đồ Phật giáo.

Loan Nguyễn
16:44 04/06/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lời dặn dò cuối cùng của Đức Phật

Trong kinh điển Pali, Đức Phật Thích Ca tại thế tám mươi năm. Tuy trải qua suốt phần đời còn lại - 49 năm đi giảng dạy, nhưng Ngài lại lưu ý với các đệ tử rằng: Đối với chân lý, Như Lai chưa từng nói lời nào.

Ý nghĩa của câu này là giáo pháp của Như lai là một phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại. Giáo pháp của ông là chỉ dẫn để nhận thức chân lý chứ không phải là chân lý để cất giữ mà thờ phụng và ca ngợi. Chân lý rất vi diệu, không thể dùng lời nói để diễn tả mà phải tự mình chứng đắc, những lời dạy của Như Lai chỉ là phương tiện để giúp người tu hành tự mình đạt tới chân lý mà thôi. Như Lai xem những bài thuyết pháp của ông cũng như ngón tay chỉ trăng chứ không phải là mặt trăng. Người ta phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng còn nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không bao giờ thấy được mặt trăng. Như Lai chỉ cho người khác cách tìm chân lý, mỗi người phải tự tìm chân lý cho mình.

Theo kinh Đại bát-niết-bàn, vào mùa mưa năm 80 tuổi, Đức Phật Thích Ca đã dự đoán trước rằng Ngài sẽ nhập diệt sau 3 tháng nữa. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba La Nại chừng 120 dặm. Một hôm, Ngài gọi ông A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Ngài đến và phán bảo:  

-"A Nan! Ðạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ bốn hạng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe pháp, và đạo ta cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các ngươi mà ra đi. Thân hình ta, theo luật vô thường, bây giờ như một cổ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở pháp, nay xe đã vừa mòn mà pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy ta còn mến tiếc làm gì cái thân tiều tụy này nữa? A Nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn".  

loi-dan-do-cuoi-cung-cua-duc-phat-truoc-khi-nhap-niet-ban-1

3 tháng cuối cùng trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo. Một hôm, Ngài đi thuyết pháp ngang qua một khu rừng, gặp một người làm nghề đốt than, ông Thuần Đà, thỉnh Ngài về nhà để thọ trai. Ngài im lặng cùng các đệ tử đi theo ông. Đến nhà, ông Thuần Đà dọn ra cúng dường Ngài một bát cháo nấm.

Sau khi thụ trai, Phật cùng các đệ tử lại từ giã ông Thuần Đà ra đi. Được một khoảng đường, Ngài giao bình bát cho ông A Nan và truyền treo võng lên trong rừng cây Sa La để Ngài nằm nghỉ. Ngài nằm xuống võng giữa hai cây Sa La, đầu trở về hướng Bắc, mình nghiêng về phía tay phải, mặt xây về phía mặt trời lặn, hai chân tréo vào nhau.

Dân chúng quanh vùng nghe tin Ngài sắp nhập Niết bàn nên đến kính viếng rất đông. Trong số đó có một ông già tên Tu Bạt Đà La đã ngoài tám mươi tuổi đến xin xuất gia. Đức Phật hoan hỷ nhận lời và đây là người đệ tử cuối cùng trong đời Ngài.

Biết tin đức Phật sắp vào Niết bàn, các đệ tử của Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, lục tục trở về để cùng đấng Giác Ngộ chia ly lần cuối, chỉ trừ ông Ca Diếp vì đi thuyết pháp xa, chưa về kịp. 

Trước khi qua đời, Đức Phật tạo điều kiện cho các tỳ-kheo cơ hội cuối cùng để chất vấn hay hỏi đáp nếu như có những vấn đề hay những điểm nào còn chưa sáng tỏ có thể đưa đến các kiến giải khác nhau về sau, các vị đã im lặng vì thương Thế Tôn đang rất yếu.

Lời cuối cùng Đức Phật dặn dò tất cả đệ tử và tín đồ:

a) Y, bát của Ngài sẽ truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp.  

b) Các đệ tử phải lấy Giới luật làm Thầy.  

c) Ở đầu các Kinh phải nên nêu 4 chữ: "Như thị ngã văn".  

d) Xá lợi của Ngài sẽ chia làm ba phần:  

- Một phần cho Thiên cung,  

- Một phần cho Long cung,  

- Một phần chia cho 8 vị Quốc vương ở Ấn Độ  

Sau đây là lời vàng ngọc mà Ngài đã để lại trong giờ phút cuối cùng.  

- "Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!..".   

- "Này! Các người đừng vì dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quí giá. Chỉ có chân lý của đạo ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tiến lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta!".  

Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai Âm lịch (theo giáo sử Trung hoa).  

Theo các Phật tử, Ngài đã nhập Niết-bàn thông qua các mức thiền định, một trạng thái giải thoát hoàn toàn khổ đau của cuộc sống.

loi-dan-do-cuoi-cung-cua-duc-phat-truoc-khi-nhap-niet-ban-2

Trưởng lão tỷ-kheo Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) nói pháp thoại ca ngợi công hạnh của Ðức Phật, rồi kết luận: Thế Tôn cũng là một con người như chúng ta, nhưng nhờ phát đại nguyện cứu khổ chúng sanh, rồi dũng mãnh tinh tấn tu Bát Chánh Ðạo, thực tập thiền quán mà trở thành bậc Ðại Giác, có đầy đủ trí huệ rộng lớn, đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, có đầy đủ phương tiện thiện xảo chỉ dạy và hướng dẫn chúng sanh hết mê được ngộ, thoát khổ được vui, biết phương pháp tu tập để tự giải thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi, vào cảnh niết-bàn an lạc thanh tịnh. Này các huynh đệ, để đền đáp ơn Thế Tôn, chúng ta hãy nương theo lời giáo huấn của Thế Tôn và noi theo gương sáng của Thế Tôn mà tinh tấn tu tập Bát Chánh Ðạo, cố đạt cho kỳ được mục tiêu giải thoát.

Các đệ tử tẩn liệm xác Ngài vào trong kim quan và 7 ngày sau, đua kim quan Ngài vào thành Câu thi để tại chùa Thiện Quang và làm lễ trà tỳ (lễ hỏa thiêu). 

Tương truyền rằng trong buổi trà tỳ kim thân Phật có nhiều hiện tượng lạ xảy ra: hoa mạn đà la bay đầy trời (do các chư thiên cúng dường), và người ta không thể thắp ngọn lửa thiêu xác cho tới khi trưởng lão Tỷ-kheo Maha Kassapa (Ma-Ha Ca-Diếp, một trong các vị học trò Tối thắng của Phật, người đã được Phật truyền lại y bát) tới nơi để làm lễ. 

Tám vị Quốc vương lớn ở Ấn Độ kéo binh hùng tương dũng đến toan tranh dành Xá lợi. Nhưng ông Hương Tích y theo di chúc của Phật, đứng ra điều đình, và nhờ thế việc phân chia Xá lợi đều được ổn thỏa.  

Ý nghĩa của ngày Phật nhập Niết bàn

Đức Phật đã nhập Niết bàn, nhưng gương sáng của đời Ngài vẫn còn chiếu sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt 49 năm hoằng pháp, không một lúc nào Ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sinh đang trầm luân trong bể khổ. Khi còn tại gia, Ngài là người ở trong địa vị có diễm phúc nhất, cao nhất của người đời, thế mà Ngài vẫn không màng tưởng đến.

Khi vào trong đạo, Ngài là người ở trong địa vị cao chót vót của Đạo, thế mà Ngài vẫn không chịu ở yên trong địa vị ấy, lại vất vả trên mọi nẻo đường bụi bặm, gai góc để đưa dắt chúng sinh lên con đường hạnh phúc an vui và giải thoát hoàn toàn. Lòng thương của Phật thật là vô lượng, ân đức của Phật thật vô biên.

Mỗi năm đến ngày Rằm tháng Hai thì Phật tử ở khắp mọi nơi trên thế giới lại thành tâm làm lễ kỷ niệm ngày Nhập Diệt của Đức Từ Phụ. Việc cử hành lễ nhằm nhắc lại, tán thán công đức cũng như hạnh nguyện tu hành của Phật. Điều này giúp cho chúng ta noi theo gương sáng của Ngài, thực hiện lời phó chúc và nhận thức sâu sắc hơn các vấn đề sau đây:

Thân ngũ uẩn chỉ là vô thường

Trong kinh Kim Cang, Phật dạy nếu ai nhìn Phật qua 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp thì sẽ không bao giờ thấy được Phật mà phải nhìn qua Pháp thân thì mới thấy được Phật. Trong các kinh Nikaya Phật cũng dạy rằng: “Ai thấy duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật” (Trung Bộ Kinh I, số 28; Tương Ưng III, tr. 144 và Tiểu Bộ I, tr. 48).

Quy luật vô thường tất yếu của cuộc sống: Hễ có sinh là có diệt. Ngay cả Kim thân ngũ uẩn của Đức Bổn Sư vẫn phải tuân theo quy luật này, huống chi là cái thân ngũ uẩn đầy bất tịnh của người bình thường. 

Con người nếu dính mắc vào cái thân ngũ uẩn sẽ bị cái ngã chấp làm đau khổ phiến não. Nhưng nếu biết buông xả chúng thì sẽ an vui tự tại như tinh thần của Tâm kinh đã dạy: “Ngũ uẩn giai không qua hết khổ ách”

Thật ra, nếu ai nhìn Phật qua hình dáng của Thái tử Tất Đạt Đa thì thấy Phật có sinh có diệt, có Đản sinh có Niết Bàn. Nếu ai nhìn thân Phật qua Pháp thân thì rõ ràng Ngài không có sinh diệt. 

Lòng từ bi của Phật vô cùng bao la rộng lớn

Dù thân mang bệnh nhưng Phật vẫn nhận lời xuất gia cho vị đệ tử cuối cùng là ông Tu Bạt Đà La. Sau đó, Phật lại nhiều lần hỏi các đệ tử rằng có còn vấn đề gì cần hỏi nữa không để Phật giải thích luôn. Điều này cho thấy lòng từ của Phật vô cùng vĩ đại, dù đau đớn bởi thân thể nhưng vẫn luôn lo lắng cho mọi người.

Nhìn vào điểm này chúng ta học được ở Phật hai điều. Một là phải khởi lòng từ bi đến các loài chúng sanh trong mọi hoàn cảnh. Thật vậy, lòng từ là điều không thể thiếu đối với người tu theo Phật. Cũng chính vì lòng từ mà suốt 49 năm hoằng pháp, không một lúc nào Phật xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ. 

Hai là phải biết kiểm soát giữa thân và tâm sao cho thân bệnh, thân đau đớn, nhưng tâm vẫn an lạc. Nếu thực hành thiền thì chúng ta sẽ thấy được danh (tâm) và sắc (thân) là hai phần rõ rệt. Nếu tách rời được danh và sắc thì khi thân bệnh nhưng tâm sẽ không bệnh. Đó là những thông điệp mà Đức Phật muốn gửi gắm cho người đời sau.

loi-dan-do-cuoi-cung-cua-duc-phat-truoc-khi-nhap-niet-ban-3

Tự hào khi là những người con Phật

Bởi lẽ không có vị Giáo chủ nào lại từ bỏ thân mạng một cách êm dịu và đẹp đẽ như Phật. Ngài vào định Sơ thiền, rồi định Nhị thiền, định Tam thiền, định Tứ thiền, định Không Vô Biên Xứ, định Thức Vô Biên Xứ, định Vô sở Hữu Xứ, định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Sau đó, bắt đầu ngược lại, tức là từ định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xuống định Tứ thiền, xuống định Sơ thiền. Rồi Ngài lại từ định Sơ thiền lên đinh Tứ thiền rồi Đức Phật nhập Niết Bàn. 

Như vậy, dù sắp từ bỏ thân mạng nhưng Ngài vẫn tự tại ra vào trong Thiền định. Ngài không bị sanh tử nhận chìm mà Ngài đang cưỡi trên ngọn sóng sanh tử. Là người con Phật chúng ta phải hiểu điểm này. Tuy không ra vào trong Thiền định như Phật nhưng chúng ta phải cố gắng học Phật ở chỗ tự tại trong sanh tử, đừng để cho sanh tử nhận chìm.

Tấm gương sáng cho đời

Cho dù chúng ta nhìn Phật ở góc độ nào, Pháp thân hay Kim thân ngũ uẩn, có nhập diệt hay không nhập diệt thì suốt 49 năm hoằng pháp độ sinh không mệt mỏi, Ngài vẫn là tâm gương sáng về lòng từ bi và trí tuệ cho đời. Sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ sáng suốt, ý chí dũng mãnh của Ngài không những là gương sáng cho đệ tử Phật mà còn cho tất cả mọi người. 

Những ai muốn có sự an lạc thật sự ở ngay trong đời này và giải thoát trong đời sau thì phải tu theo giáo pháp của Ngài. Đó là con đường Bát Chính Đạo, con đường Giới Định Tuệ. Nếu tu giống Phật thì sẽ thành Phật. Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng mình tu giống Phật chưa? Phật từ bỏ tất cả, còn mình đã bỏ được chưa hay là dính mắc quá nhiều thứ trên đời. Phật từ bi vô lượng vô biên còn chúng ta từ bi được mấy phần?…Đó là những câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra để soi rọi nơi tự thân mình.

Thực hiện lời Phó chúc

Ân đức sâu dày của Phật không dễ gì báo đáp được, chỉ có xuất gia đứng trong hàng ngũ Tăng đoàn, tinh tấn tu học y như lời phó chúc của Ngài thì mới mong báo đáp phần nào ân đức này.

Hãy luôn luôn ghi nhớ những lời dạy sau cùng của Phật là phải lấy giới luật làm thầy, tự thắp đuốc lên mà đi, hãy lấy Pháp của Phật làm đuốc, hãy theo Pháp của Phật mà tự giải thoát, đừng tìm sự giải thoát ở một ai khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài chính mình, mọi vật ở đời không có gì quý giá, thân thể rồi sẽ tan rã, chỉ có đạo Phật là quý báu, chỉ có chân lý của đạo Phật là bất di, bất dịch, hãy tinh tấn lên để giải thoát.

Xem thêm: Người có 4 đặc điểm này càng sống phúc càng mỏng, không sớm thay đổi sẽ chỉ gặp tai ương

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận