- Đừng cố làm hài lòng người khác
- Chúng ta quyết định tâm thái của mình
- Trong họa có phúc, trong phúc có họa
- Biết trân trọng bản thân mình
- Điều mình không muốn, chớ làm cho người khác
- Trong công việc, dùng lý trí
- Luôn để lại cho mình đường lui
- Mỗi người một cách sống
- Làm người thì phải có lòng biết ơn
- Người biết đủ luôn hạnh phúc
Đừng cố làm hài lòng người khác
Đến một ngày bạn sẽ nhận ra, việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người là điều không thể và cũng không cần thiết. Cố lấy lòng người khác không những không mang lại kết quả tốt đẹp mà ngược lại còn khiến họ coi thường và chán ghét bạn. Thời gian để lấy lòng người khác hãy dành để làm tốt việc của bản thân. Chỉ có dựa vào thực lực của bản thân mới có thể thực hiện mục tiêu cuộc đời mình.
Chúng ta quyết định tâm thái của mình
Sống ở đời, ta chẳng thể nào thay đổi được cách nhìn của người khác về mình. Điều mà ta có thể thay đổi chính là chính mình mà thôi. Cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn hay không, không phải do người khác quyết định, mà do chính bạn biết buông bỏ những oán hận trong lòng.
Trong họa có phúc, trong phúc có họa
Cuộc đời có được có mất, vạn vật trên đời cũng luôn tương sinh tương khắc, họa là căn nguyên của hạnh phúc, và phúc cũng chính là mầm mống tạo lên tai họa. Chính vì thế, khi hạnh phúc cũng chớ quên đi tu sửa chính mình. Gặp tai ương hoạn nạn cũng đừng chán chường buông bỏ, bởi sau điều tai họa ắt là điều hạnh phúc.
Biết trân trọng bản thân mình
Đôi khi hiểu được chính mình còn khó hơn hiểu được người khác. Trân trọng chính mình khó hơn trân trọng người khác. Thế nhưng, muốn sống an yên ở đời, phải biết thấu hiểu, trân trọng và yêu thương bản thân. Không vì những mê hoặc bề ngoài của xã hội mà mất đi bản thân, không vì khó khăn nhất thời mà phủ định chính mình ấy mới là điều trân quý.
Điều mình không muốn, chớ làm cho người khác
Khổng Tử nói: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân", nghĩa là: Điều gì bản thân mình không muốn thì chớ làm cho người khác. Người quân tử chính là như vậy, không ép buộc, cưỡng chế người khác, chỉ một lòng lấy thiện đãi người.
Trong công việc, dùng lý trí
Xử lý công việc nếu dựa vào tình cảm ắt sẽ gặp phiền phức. Chỉ khi một người khi có thể dùng lý trí mà làm việc mới có thể tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc xảy ra. Xử lý công việc một cách có lý trí mới giúp ta không phải ôm hận và nuối tiếc.
Luôn để lại cho mình đường lui
Trong đạo lý đối nhân xử thế ở đời, khi nhìn thấu lòng người cũng không cần nói ra hết, chừa cho họ một con đường, chừa cho mình chút khẩu đức. Trách người không cần hà khắc đến tàn nhẫn, chừa cho họ chút mặt mũi, giữ cho mình chút độ lương. Hiểu hết lý lẽ cũng không cần tranh cãi đến cùng, mở đường cho người khác, giữ khoan dung cho mình.
Mỗi người một cách sống
Đời này vui buồn sướng khổ tự mình cảm nhận. Biết đâu trong mắt ta nó là địa ngục, mắt người khác lại là chốn thiên đường. Và cũng đôi khi trong mắt mình là thiên đường mộng ước, mắt người khác lại địa ngục trần ai. Cuộc sống chính là như vậy, thế nên đừng để tuổi xuân của chính mình phụ thuộc vào người khác, đừng để cuộc đời lên xuống bởi định kiến người đời.
Làm người thì phải có lòng biết ơn
Người vô ơn bội nghĩa, khi có việc thì thề non hẹn biển, lúc xong rồi thì thì trở mặt làm ngơ. Kiểu người này sẽ khiến cho bạn bè tổn thương, người thân đau khổ, mọi người xa lánh, loại người này thường có biểu hiện tranh công, đoạt lợi, ham muốn những cái lợi trước mắt. Vậy nên cuối cùng họ chỉ được cái nhất thời mà mất đi cái bền vững. Sau này, có khó khăn sẽ chẳng có ai ra tay tương trợ.
Người biết đủ luôn hạnh phúc
Con người ta mải kiếm tìm những thứ được cho là hạnh phúc mà quên mất rằng, hạnh phúc thực ra chỉ là những điều giản đơn. Đôi khi chỉ là một buổi sớm mai thức giấc được ngồi nhâm nhi ly cà phê một mình trong không gian tĩnh lặng. Hoặc, được chuẩn bị bữa sáng cho người mình thương yêu... Cuộc sống là như vậy, người biết đủ thì sẽ luôn hạnh phúc, người không biết đủ thì hạnh phúc mãi chỉ là điều xa quá tầm với của họ.
Xem thêm: Cổ nhân dạy: Khi thuận lợi đối đãi tốt với người, gặp nghịch cảnh đối xử tốt với chính mình