Hiệu ứng Mozart là gì: Liệu nó có thực sự giúp em bé thông minh hơn?
Đối với các mẹ bầu hoặc các bà mẹ bỉm sữa chắc chắn đã không ít lần nghe được lời khuyên rằng nên cho con nghe nhạc từ trong thai kì để kích thích sự phát triển não bộ và giúp trẻ sinh ra được thông minh, lanh lợi hơn. Điều này xuất phát từ "hiệu ứng Mozart", một thuật ngữ dùng để chỉ việc cho trẻ nhỏ học âm nhạc từ sớm để tăng cùng IQ.
Mozart là ai?
Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791) tên đầy đủ là Johannes Chrysostomus Wolfgangus Theophilus Mozart, ông là một thiên tài âm nhạc, sinh ra trong thời kỳ Baroque, tại Áo.
Dù chỉ có 35 năm tuổi đời nhưng Mozart đã để lại một kho tàng âm nhạc cho nhân loại với con số tác phẩm lên tới khoảng 1.000 cả sáng tác ngắn và dài.
Không chỉ gây ấn tượng bởi số bản nhạc được tạo ra ở tuổi đời không dài mà các tác phẩm của Mozart đã tạo nên sự ảnh hưởng vô cùng to lớn đến âm nhạc cổ điển châu Âu.
Các nguyên tắc âm nhạc của ông được thế hệ sau trân trọng, học hỏi và phát triển. Nhưng tại thời đại của mình nhạc của Mozart có nhiều nhận xét trái chiều, nhiều người chê bai và khinh thường, mãi sau khi ông qua đời chúng mới được công nhận và trở thành kinh điển.
Mozart tiếp xúc với âm nhạc từ khi còn rất nhỏ và sớm được phát hiện là một thần đồng. Năm 3 tuổi trong một lần tình cờ nghe mẹ đánh đàn Mozart đã lập tức có thể đàn lại bản nhạc đó một cách thuần thuật cứ như đã được tập luyện từ trước. Lên 5 tuổi, ông chơi vĩ cầm và Harpsichord một cách điêu luyện. Và 6 tuổi thì trở thành nhạc công trẻ tuổi nhất của Hoàng Gia, biểu diễn trước Vua, Hoàng hậu và giới quý tộc.
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, việc được học âm nhạc từ lúc 4 tuổi đã giúp Mozart phát triển trí thông minh và tài năng âm nhạc của mình. Do vậy, ngày nay trên thế giới, có rất nhiều bậc phụ huynh cho con tiếp xúc sớm với âm nhạc, thậm chí là cho con nghe nhạc Mozart từ khi còn đang chỉ là thai nhi với mong muốn con sẽ trở nên thông minh hơn. Điều này được người ta nhắc đến nhiều thông qua thuật ngữ "hiệu ứng Mozart".
Vậy, liệu hiện tượng Mozart có thật không? Việc cho trẻ tiếp xúc sớm với âm nhạc sẽ giúp cải thiện chỉ số IQ có chính xác không? Cùng tìm hiểu với Sống đẹp nhé!
Sự ra đời của thuật ngữ "hiệu ứng Mozart"
"Hiệu ứng Mozart" được nhắc đến lần đầu vào năm 1993. Cụ thể, tại thời điểm này, giáo sư tâm lý học Francis Rauscher lần đầu tiên đưa ra tuyên bố rằng, nghe nhạc của nhà soạn nhạc Mozart có thể giúp tăng chỉ số IQ kèm với đó là thuật ngữ "The Mozart Effect".
Trước khi đưa ra tuyên bố này, mùa xuân năm 1993 bà Rauscher đã cùng nhà khoa học Gorden Shaw và nhà khoa học Catherine Ky tập hợp một nhóm các sinh viên và mở cho họ nghe 10 phút đầu của bản sonata K. 448 - một tác phẩm chơi trên piano, được Mozart sáng tác vào năm 1781, khi ông 25 tuổi.
Sau quá trình trên, Rauscher cho các sinh viên thực hiện các bài kiểm tra đánh giá bằng cách cho các sinh viên vào phòng nghe nhạc Mozart và thực hiện các bài kiểm tra IQ yêu cầu tính tư duy và suy luận cao. Sau đó lần lượt là cho các sinh viên ngồi vào phòng không có tiếng động gì và làm lại các câu tương tự đề bài vừa nãy. Tiếp tục sau khi làm xong các sinh viên lại vào 1 căn phòng khác với âm thanh là 1 giọng nói không có cường điệu hóa.
Kết quả của các bài kiểm tra này cho thấy, điểm IQ trung bình của các thí sinh sau khi nghe nhạc cao hơn từ 8 - 9 điểm so với 2 hình thức còn lại. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đính chính luôn rằng hiệu quả tăng cường IQ của âm nhạc đối với các sinh viên tham gia bài test chỉ kéo dài không quá 10-15 phút.
Hiệu ứng Mozart có hiệu quả như lời đồn?
Theo kết quả nghiên cứu, việc nghe nhạc chỉ giúp hiệu quả làm việc trí não của các sinh viên tăng nhẹ trong khoảng thời gian ngắn. Các phát biểu công khai sau này của các nhóm nghiên cứu cũng liên tục khẳng định hiệu quả của nhạc Mozart đối với con người chỉ mang tính nhất thời và hầu như không tạo nên được 'phép màu' nào nếu như người nghe không có sẵn kiến thức trong đầu.
Như vậy, những đồn thổi về hiệu ứng Mozart trên thực tế đều là những lời thổi phồng.
Nguồn cơn khiến cho sự thật một nửa này thực sự trở thành điều đáng tin và được nhiều bậc phụ huynh tin tưởng làm theo chính là do báo chí thời ấy đã liên tục o bế nó với các tiêu đề báo hướng tới nội dung "Nghe nhạc Mozart sẽ khiến bạn thông minh hơn" khiến người đọc bị đánh lạc hướng.
"Hiệu ứng Mozart" thậm chí đã thúc đẩy cả một ngành công nghiệp gồm các sản phẩm "trẻ em thông minh" và những món đồ chơi phát triển. Những sản phẩm này dựa vào quan niệm "tăng IQ" khi được nghe nhạc của Mozart, đã trở nên cực kỳ phổ biến trong những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Mặc dù "hiệu ứng Mozart" không hề thần thánh hóa như những gì chúng ta đang nghĩ, tuy nhiên, với tác động của truyền thông, chúng ta hầu hết đã bị đánh lạc hướng và tư tưởng cho trẻ nghe nhạc từ sớm nhằm cải thiện chỉ số IQ cũng gây ảnh hưởng sâu sắc tới suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh qua nhiều thế hệ, thậm chí, ngày nay, điều này vẫn còn gây ảnh hưởng sâu đậm.
Những phát hiện ban đầu của Rauscher do đó cũng chịu nhiều lời chỉ trích. Sau này, nhiều nghiên cứu cũng được thực hiện nhằm phản biện hiệu ứng Mozart.
Cụ thể, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1996 đã chỉ định ngẫu nhiên một số học viên nghe Mozart và những người khác nghe nhạc của Blur - một nhóm nhạc rock nổi tiếng thời bấy giờ thực hiện các bài kiểm tra tương tự như các nhóm của bà Rauscher đã làm trước đó.
Kết quả, sau 10 phút nghe nhạc, nhóm nghe nhạc Blur đạt kết quả tốt hơn so với những người được nghe nhạc Mozart trong các bài kiểm tra liên quan tới thị giác và không gian.
Điều này cho thấy "trí thông minh tạm thời" giống như một sự phấn khích do
hoóc môn của cơ thể tạo nên. Ngoài ra, hiệu quả của nó dường như phụ thuộc vào loại nhạc mà bạn thích, chứ không phải chỉ riêng của Mozart.
Năm 1999, nghiên cứu của Nantais và Schellenberg mở ra thêm một cải thiện nữa, đó là khi ứng viên nghe một câu chuyện ngắn của nhà văn Stephen King, họ cũng đạt những kết quả tốt hơn kỳ vọng.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy từng cá nhân sẽ có thành tích tốt hơn khi họ được nghe bất kỳ thứ gì mình thích, có thể là một bài hát, một mẩu chuyện, hoặc giọng của một ai đó.
Như vậy, thay vì gọi là "hiệu ứng Mozart" hay "hiệu ứng âm nhạc dễ chịu", cách giải nghĩa chính xác của hiện tượng con người thông minh đột xuất có thể là "hiệu ứng trải nghiệm sự dễ chịu mà cơ thể bạn mong muốn".
Hiệu ứng này được chứng minh sẽ giúp bạn có được những kết quả tích cực trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nó không phải là phương pháp giúp nâng cao trí thông minh, hay chỉ số IQ nói chung như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Đâu mới là yếu tố thực sự giúp cải thiện IQ cho trẻ nhỏ?
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 của các nhà khoa học tại Đại học Queensland (Úc), tới 40% trí thông minh của một đứa trẻ được di truyền lại từ bố mẹ. Ngoài ra, sự quan tâm mà phụ huynh giành cho con trẻ cũng sẽ góp phần nâng cao chỉ số IQ của chúng.
Một nghiên cứu khác gần đây được công bố trên tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health lại chỉ ra rằng ba yếu tố chính trong lối sống và sinh hoạt của trẻ, bao gồm ngủ, hoạt động thể chất và giới hạn thời gian xem màn hình được kết hợp và điều chỉnh một cách hài hòa, trẻ em sẽ có được những lợi ích đáng kể về mặt nhận thức.
Như vậy, để trẻ trở thành một người có trí tuệ tốt, các phụ huynh cần rèn cho con thói quen sinh hoạt và học tập khoa học, thuận tiện cho con học hỏi, tích lũy kiến thức đồng thời nâng cao năng lực học tập, ứng dụng thực tiễn cho con.
Trên đây là các thông tin giải đáp về hiệu ứng Mozart và những sự thật xoay quanh việc cho trẻ nghe nhạc Mozart để nâng cao trí thông minh. Mong rằng, với những nội dung trên, các bậc phụ huynh sẽ có nhận thức đúng đắn và tìm được hướng đi chuẩn xác để nuôi dạy con thông minh.
Xem thêm: Nếu thấy con mình có 3 đặc điểm này trên gương mặt thì tương lai chắc chắn rực rỡ "như hoa như ngọc"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận