Cách nấu chè cúng Rằm tháng 7 đơn giản nhất
Rằm tháng 7 trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là dịp lễ cúng vô cùng quan trọng bởi đây vừa là lễ Vu Lan báo hiếu vừa là dịp cúng chúng sinh lớn nhất trong năm. Được biết, các mâm cỗ chay trong dịp rằm tháng 7 chắc chắn sẽ không thể thiếu món chè. Cùng Sống đẹp học cách nấu chè đơn giản để cúng lễ 15/7 âm lịch sắp tới nhé!
Ý nghĩa mâm chè cúng rằm tháng 7
Hằng năm, dù là ai, đang ở bất cứ nơi đâu thì những người con Việt Nam cũng đều chuẩn bị những mâm cỗ tươm tất nhất để dâng lên cúng lễ vào dịp Rằm tháng 7.
Đối với mỗi mâm lễ ở từng vùng miền khác nhau, quan niệm về dùng xôi chè cúng rằm tháng 7 trong cách cúng cũng khác biệt.
Ví dụ, đối với mâm lễ Phật, lễ vật dâng lên phải hoàn toàn là đồ chay, xôi chè vì thế cũng được nấu theo cách chay hoàn toàn. Mâm cúng gia tiên và thần linh có thể lựa chọn chay mặn đều được, do đó loại chè nấu dựa vào đó mà sử dụng.
Còn đối với lễ cúng chúng sinh Rằm tháng 7, theo các chuyên gia phong thủy thì nên cúng chay hoàn toàn. Kiêng kị toàn bộ đồ mặn. Vì theo quan niệm dân gian, đồ mặn sẽ khơi gợi lên lòng sân si, tham lam, nóng giận không chỉ vong linh mà cả tinh thần đối với những người cúng nữa.
Bát chè trong mâm lễ cúng rằm tháng 7 là món lễ vật biểu tượng cho sự no đủ, đoàn viên cũng là thể nguyện mong cầu gia đình luôn được thuận hòa, ngọt ngào như những bát chè thanh mát được dâng lên trong lễ cúng.
Hướng dẫn cách nấu chè cúng rằm tháng 7
Để công việc chuẩn bị mâm cúng lễ được thuận lợi nhất, chúng tôi xin cập nhật các cách nấu chè cúng Rằm tháng 7 đơn giản nhất để áp dụng trong 3 lễ cúng nêu trên.
Cụ thể, 2 cách nấu chè cúng Rằm tháng 7 đơn giản nhất thường được sử dụng trong mâm cúng Rằm tháng 7 âm lịch như sau:
Làm chè trôi nước ngũ sắc
Nguyên liệu
Nguyên liệu làm phần vỏ trôi nước:
- 300g bột nếp
- 200ml nước đun sôi
- 1 xíu xiu muối
Nguyên liệu làm phần nhân chè:
- 150g đậu xanh không vỏ
- 1/4 muỗng cà phê muối
Nguyên liệu nước dùng kèm chè trôi nước
- 300g đường
- 200ml nước
- 1 nhánh gừng đã sơ chế
- 300ml nước cốt dừa
- 1 muỗng cà phê bột năng
- 2 lá dứa tươi
- 1/2 muỗng cà phê đường, 1 chút muối ăn
Cách làm
Bước 1: Cách làm phần vỏ chè trôi nước
Cho bột nếp vào âu lớn, đổ từ từ phần nước đã chuẩn bị vào. Lưu ý: bạn hãy dùng phới lồng để khuấy đều bột và nước để tránh bột bị vón cục nhé.
Nhồi bột khoảng 5 phút để bột tạo thành khối dẻo, mịn. Sau khi bột đạt yêu cầu, bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc kín bột lại và ủ khoảng 30 phút cho bột nở nhé.
Bột sau khi ủ đem ra nhồi thêm 1 lần nữa để bột được dẻo mịn nhất. Chia bột thành từng viên nhỏ để chuẩn bị bọc nhân nhé.
Bước 2: Chuẩn bị nhân chè trôi nước
Đậu xanh vo sạch đem hấp chín. Nếu bạn có thời gian, hãy ngâm đậu trước khoảng 1 tiếng cho đậu nhanh chín và được ngon hơn nhé.
Đậu sau khi được hấp chín, đem xay nhuyễn cùng 1/4 tsp muối. Đậu sau khi xay đem sên trên bếp với lửa thật nhỏ khoảng 10 phút để phần nhân được thơm ngon. Mẹo để nhân thơm ngon hơn là chuẩn bị một ít hành phi cho vào khi sên nhé, bảo đảm nhân bát chè cúng rằm của bạn sẽ rất tuyệt đó.
Nhân đậu xanh sau khi nguội, đem vo viên sao cho phù hợp với phần vỏ chè trôi nước. Vậy là chúng ta đã hoàn thành nhân của cách nấu chè trôi nước.
Bước 3: Chuẩn bị nước dùng kèm chè trôi nước
Nước đường: Cho đường vào nấu chung với 200ml nước lạnh đến khi sôi. Đun nước đường thêm khoảng 20 phút với lửa nhỏ để nước đường được dẻo và đậm vị. Đừng quên cho ít gừng và tí ti muối vào để giúp nước đường thơm đậm vị hơn.
Nước dừa: Đun nhỏ lửa hỗn hợp nước cốt dừa + 3 tsp đường + lá dứa đến khi sôi. Hòa bột năng cùng với nước rồi cho từ từ vào hỗn hợp nước dừa, nhớ khuấy đều tay và để lửa nhỏ thôi nhé. Hỗn hợp nước cốt dừa sánh và sôi lăn tăn trở lại là được.
Bước 4: Hoàn thiện cách nấu chè trôi nước
Vê tròn viên bột và ấn dẹt, cho nhân đã vo viên vào rồi bọc lại thật kín. Bước này bạn đừng ấn bột mỏng quá nếu không nhân sẽ bị dư ra ngoài khiến bánh lúc đem luộc sẽ bị vỡ, mất đẹp.
Viên chè sau khi hoàn thiện đem luộc với nước sôi. Sau khi viên chè nổi lên, bạn để thêm tầm 2 phút là chè đã chín rồi đó. Nhớ chuẩn bị sẵn một tô nước lạnh để thả chè vào giúp viên chè trắng, dẻo và không bị dính nhé. Sau khi luộc hết chè, bạn vớt chè cho vào nước đường đã nấu là hoàn thành cách nấu chè rồi.
Chè trôi nước cho ra bát và thêm 1 ít nước dừa lên để chuẩn bị thắp hương. Khi thụ lộc có thể thêm topping mè rang và dừa bào sợi hoặc dừa khô để giúp cho bát chè tăng phần thơm ngon.
.
Làm chè đậu xanh
Nguyên liệu
- 300g đậu xanh không vỏ
- 200ml nước
- 100g đường
- 2 ống tinh chất vani
Cách nấu
Bước 1: Sơ chế đậu xanh
Đậu xanh vo thật sạch với nước nhiều lần đến khi nước trong. Ngâm đậu khoảng 2 tiếng để giúp đậu nở và ngon hơn.
Bước 2: Hấp chín và tán nhuyễn đậu xanh
Đậu sau khi ngâm đem hấp đến khi đậu chín mềm. Xay nhuyễn đậu bằng máy xay, nếu không có máy xay bạn có thể dùng phới, đũa, muỗng, … tán đậu đến khi mịn là được.
Bước 3: Sên đậu
Đậu sau khi nhuyễn đem khuấy trên bếp lửa nhỏ cùng 200ml nước và 100g đường. Khuấy với lửa thật nhỏ đến khi đường tan hết và thấy đậu sôi lăn tăn là đã hoàn thành.
Cho thêm vani vừa đủ vào nồi để chè được thơm ngon và đận hương vị hơn.
Tiếp đến chúng ta sẽ bày ra các bát con để dâng lên mâm cúng Rằm tháng 7.
Trên đây là 2 cách nấu chè cúng Rằm tháng 7 đơn giản nhất thường được sử dụng khi làm mâm cỗ cúng dịp tháng 7 âm lịch hằng năm. Với các công thức này, Sống đẹp mong rằng những bàn tay khéo léo có thể nấu thành công mâm chè dâng lên cúng lễ trong dịp đặc biệt quan trọng này.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận