Kỳ thú vùng đất mang tên “đám lá tối trời” ở miền Tây Nam Bộ

Cả 4 tỉnh của miềnTây Nam Bộ có địa danh nổi tiếng nhất là Đám lá tối trời. Địa danh này gắn liền với Anh hùng dân tộc Trương Định – thủ lĩnh phong trào chống Pháp thế kỷ XIX.

Hoa Nguyễn
10:43 02/11/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vùng miền Tây Nam Bộ của nước ta có rất địa danh mang tên khá kỳ lạ, mang đặc trưng xứ sở thuở xa xưa, một trong số đó là cái tên “ Đám lá tối trời”. Điều thú vị là ít nhất có 4 tỉnh có địa danh trên, trong đó nổi tiếng nhất là Đám lá tối trời ở vùng Gò Công Đông, Tiền Giang, nơi gắn liền với Anh hùng dân tộc Trương Định – thủ lĩnh phong trào chống Pháp thế kỷ XIX.

Khu rừng tối Trương Định ẩn binh

Địa danh Đám lá tối trời nổi tiếng nhất thuộc vùng đất xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) là vùng ruộng đồng mênh mông và đông đúc dân cư. Nhưng khoảng chừng 200 năm trước, nơi đây chỉ là một vùng sình lầy hoang vu, cây cối um tùm, đầy rắn rết và dã thú.Vùng đất này gắn liền với người anh hùng dân tộc Trương Định (hay Trương Công Định, Trương Đăng Định). Ông sinh năm 1820, ở phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 24 tuổi, ông theo cha là Trương Cầm, người giữ chức Trưởng lý Thủy sư, vào Gia Định.

dam la toi troi 2

Năm 1850, Trương Định đã chiêu mộ khoảng 500 dân nghèo khai hoang lập ấp ở Gò Công, Gia Định để hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đình. Nhờ đó, ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm.

Vào năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông đem nghĩa binh chiến đấu, thu hút đại bộ phận nhân dân tham gia và lập được nhiều chiến công. Năm 1862, Trương Định được phong chức phó lãnh binh tỉnh Gia Định. 

Ngày 5/6/1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp và ra lệnh tất cả các lực lượng chống Pháp phải bãi binh. Tuy nhiên, Trương Định kháng mệnh vua, rút quân về Gò Công, đóng quân tại Đám lá tối trời, xưng là Trung thiên Tướng quân và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục lãnh đạo phong trào kháng Pháp. 

Ngày 19/8/1864, Huỳnh Công Tấn là một thuộc hạ dưới trướng của Trương Định đã phản bội, dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp khiến bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, các nghĩa quân bị giặc Pháp tàn sát. Trương Định bị trọng thương và rút gươm tự sát vào rạng sáng ngày hôm sau, khi ấy ông 44 tuổi.

Chuyện oan hồn binh sĩ chờ ngày phục hận

Sau ngày bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, khu rừng vốn dĩ đã u ám lại càng trở nên hoang vắng, thê lương. Cũng từ đây, những câu chuyện kỳ quái, ma mị về chốn đầm hoang rừng vắng này được lưu truyền. 

Chuyện kể rằng, nghĩa quân bị đánh úp bởi những kẻ phản bội cùng màu da giống nòi dẫn đến kết cục thảm bại. Những quân lính chết trận trở thành những oan hồn mang mối hận thù không thể siêu thoát.

Người dân xung quanh nơi đây đồn rằng cứ vào ban đêm, ở Đám lá tối trời lại nghe tiếng gào thét, tiếng binh đao, có khi lại nghe tiếng chân đi rầm rập như thiên binh vạn mã rần rộ kéo đi hoặc tiếng ngựa hí người la và tiếng trống trận. 

Đã có rất nhiều người gan dạ, dũng cảm rủ nhau đi xuồng nhỏ, vào gần Đám lá tối trời ở lại thử một đêm nhưng ngày hôm sau họ trở về dù có ai hỏi gì cũng chỉ im lặng, buồn bã và lắc đầu…

dam la toi troi 3

Theo thời gian, qua bao nhiêu cuộc cầu siêu oán khí của nơi này dần tiêu tan và không còn nghe thấy những chuyện ma quái nữa. Thế nhưng người dân vẫn kiêng dè đặt chân đến đây, đặc biệt là sau giờ xế bóng. Sau này hòa bình lập lại, khung cảnh rừng vắng âm u dần được thay thế bằng ruộng đồng tốt tươi trù phú, dân cư ngày một đông đúc.

Ngày nay, những công lao của các anh hùng dân tộc qua bao thế hệ vẫn được nhân dân khắc ghi, trong đó có thủ lĩnh Trương Định và những người nghĩa quân chống Pháp năm xưa. Anh hùng Trương Định được người thân và nhân dân lập mộ và đền thờ tại thị xã Gò Công, đền thờ tại xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông, nơi “Đám lá tối trời”. Năm 2007, trên quê hương ông ở xã Tịnh Khê, tỉnh Quảng Ngãi, đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định được hoàn thành.

Năm 2004, chuỗi địa danh liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định, như di tích “Ao Dinh”, “Đám lá tối trời”, “Đền thờ Trương Định”… ở huyện Gò Công Đông đã được công nhận di tích cấp quốc gia.

Xem thêm: Xuýt xoa trước bộ sưu tập những bức hình để đời của minh tinh Thẩm Thúy Hằng - Đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận