Lý giải nụ cười đầy hoan hỷ của tượng Bồ Tát Di Lặc 

Chốn tôn nghiêm nơi cửa Phật luôn sáng bừng bởi một nụ cười. Chủ nhân của nụ cười bất tử ấy là Bồ Tát Di Lặc. Vậy Ngài là ai và vì sao Ngài luôn vui vẻ đến vậy?

Hoa Nguyễn
08:02 02/11/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chắc hẳn trong chúng ta, những người đã từng đặt chân đến chốn cửa Phật tôn nghiêm đều cảm nhận được hình ảnh Phật bỗng như sáng bừng bởi một nụ cười. Nụ cười biểu trưng cho lòng từ bi và sự hoan hỷ để quên đi những sầu não trong cuộc đời. Chủ nhân của nụ cười bất tử ấy là Bồ Tát Di Lặc. Vậy Ngài là ai và vì sao Ngài luôn cười vui đến vậy?

Vị Bồ Tát đặc biệt

Theo kinh sách, Di Lặc là một vị Bồ Tát và cũng là vị Phật cuối cùng xuất hiện trên thế gian. Ngài là vị Bồ tát duy nhất được các tông phái Phật giáo, từ Tiểu thừa, Đại thừa và Mật tông tôn kính. 

Theo truyền thuyết, Bồ tát di lặc xuất thân trong dòng Bà la môn Ấn Độ, xuất gia theo Phật, sau đó trở về cõi giáo hóa của Bồ Tát là cung trời Đâu Suất. Ở đây, Ngài tiếp tục tu tập, thuyết giảng giáo pháp rồi sẽ hạ sinh trở lại nhân gian thành Phật để kế tục sự nghiệp truyền bá chánh pháp của Phật Thích Ca ở cõi Ta bà này trong khoảng 30.000 năm nữa.

tuong phat di lac 1

Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, Bồ tát Di Lặc có một vị trí khá quan trọng, Ngài được tôn thờ thời Lý cho đến ngày nay đã hơn nghìn năm dù mỗi vùng mỗi khác. 

Ở chùa miền Bắc, tượng của Ngài được thờ ở đại điện. Có chùa tôn trí Ngài ở giữa, hai bên là Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền làm thị giả. Có chùa lại tôn trí Ngài ngồi giữa và có Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hai bên. Miền trung như chùa Thiên Mụ ở Huế thờ Ngài bên ngoài phía trước điện Phật. Còn các chùa ở thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam có khuynh hướng thờ Ngài ở mặt tiền của chánh điện, thờ ở một bên, hoặc tôn trí lộ thiên. 

Nói chung, tùy theo không gian của chùa và sự tôn trí của các vị trụ trì đương nhiệm, tượng Bồ tát Di Lặc được sắp xếp không theo hệ thống cố định nào cả.

Vì sao Di Lặc cười ?

Đối với Phật tử Việt Nam, Bồ Tát Di Lặc được tạo hình luôn luôn hoan hỷ tươi cười, vui vẻ. Về mặt ngoại tướng, Ngài có thân hình thấp, mập, bụng bự và một tư thế ngồi vô tư thoải mái, đó là biểu tượng cho sự an nhiên, tự tại, hoan hỷ. 

Về mặt nội tâm, Ngài tượng trưng cho sự sung túc, giàu có, ăn nên làm ra, phúc đức đầy nhà, lộc trời sung mãn. 

Xét về mặt tôn giáo, Ngài không bị hệ lụy của trần gian khổ đau, của “lục căn, lục trần” làm phiền não. 

tuong phat di lac 5

Di Lặc tiếng Sanskrit là Maitreya, có nghĩa là Từ, là tình thương không giới hạn, là tâm rộng lượng bao dung, là người đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con người. Trong Tứ vô lượng tâm “từ, bi, hỷ, xả”, thì “từ” đứng đầu trong bốn tâm cao thượng nhiệm màu của đạo Phật. 

Phật tử Việt Nam thường cho rằng Bồ tát Quán Thế Âm là biểu trưng cho từ bi, còn Bồ Tát Di Lặc là hình ảnh của sự hỷ xả. Nhưng theo nguyên nghĩa của chữ Phạn, Maitreya - Hán dịch nghĩa là “Từ Thị” hay “Từ bi” là bản chất của Bồ Tát Di Lặc.

Nguyên nghĩa này cũng bắt nguồn từ hạnh Bồ Tát của Ngài là không giết hại một loài nào, mà lại thương yêu tất cả mọi loài. Đệ tử và những người tu theo hạnh của Ngài phải nguyện ăn chay, phóng sinh, luôn đem lại niềm vui, điều hoan hỷ cho nhiều người. Nụ cười cả Di Lặc cũng bắt nguồn từ đây, Ngài là biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc.

Hãy buông bỏ để cười

Trong nền văn hóa Phật giáo Việt Nam, Ngài Di Lặc biểu trưng cho niềm vui, cho sự từ bi và hỷ xả, cho may mắn, cho phúc lộc và thịnh vượng. Vì vậy mà các chùa thường gọi ngày Mồng Một Tết Nguyên đán là ngày lễ vía Di Lặc, là ngày Phật Di Lặc hạ sinh hay còn gọi là lễ sinh nhật của Ngài. 

Nụ cười của Bồ tát Di Lặc là nụ cười hoan hỷ bất diệt xuất phát từ tâm hồn bao dung, vị tha. Vì thế mỗi khi nhìn vào hình tượng của Ngài ta luôn cảm thấy tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản. Đây cũng chính là mong ước và tâm tư của đạo Phật trong việc đem nụ cười vào trong cuộc đời của mỗi con người.

tuong phat di lac 3

Cuộc đời càng nhiều đau khổ thì càng cần đến những nụ cười. Bởi nụ cười khiến cho con người xích lại gần nhau; làm ấm lại một tâm hồn đang bơ vơ lạc lõng. Nó còn làm giảm bớt sự căng thẳng của cuộc sống, vơi đi nỗi bực dọc, đau khổ trong tâm hồn. 

Giáo lý nhà Phật dạy rằng, khi con người biết buông bỏ tất cả những muộn phiền, hờn giận trong tâm hồn; khi ta biết cười cho hạnh phúc của người khác; và khi ta biết cười được những việc khó có thể cười trong cuộc sống. Bồ Tát Di Lặc là người có nụ cười như vậy, Ngài là biểu hiện cho tâm hồn hoan hỷ, bao dung của con người. Mỗi khi bước vào chùa, ngẩng đầu lên và nhìn thật sâu vào nụ cười của Bồ Tát Di Lặc ta sẽ thấy rằng: Đời người chẳng có bao nhiêu, vì vậy hãy sống cho có ý nghĩa. Và trước tiên chúng ta phải biết cười và biết trao nụ cười cho người khác, bởi lẽ nụ cười là chất liệu của yêu thương, là mùa xuân bất diệt của nhân loại.

Xem thêm: Cách hành trì 42 Thủ Nhãn ấn pháp theo chú đại bi để đạt được ý nguyện

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận