Câu chuyện buồn của chú chó Laika và hành trình "một đi không trở lại", bay quanh quỹ đạo Trái Đất

Từ một con chó hoang, chú chó Laika đã trở thành sinh vật sống đầu tiên được chọn để bay quanh quỹ đạo Trái Đất, mở ra kỷ nguyên mới cho những sứ mệnh không gian về sau do con người thực hiện.

Hoa Nguyễn
14:00 26/06/2022 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vào ngày 4/10/1957, tại Liên Xô, tàu vũ trụ Sputnik 1 đã trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên bay trên quỹ đạo Trái Đất. Sau đó, các kỹ sư đã tiến hành chế tạo ra Sputnik 2 đặc biệt hơn với một khoang điều áp dành cho chó. Khi ấy, Sputnik 2 có trọng tải 508 kg, nặng gấp 6 lần Sputnik 1 và thực hiện sứ mệnh đưa sinh vật sống đầu tiên bay quanh quỹ đạo Trái Đất.

chu-cho-laika-va-chuyen-bay-mot-chieu-vao-vu-tru-5

Ngày 3/11/1957, Liên Xô tiếp tục phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik 2 vào quỹ đạo Trái Đất. Nhưng chuyến đi này đặc biệt hơn khi có sự tham gia của chú chó Laika - giống chó lai giữa husky và spitz được lựa chọn để thực hiện sứ mệnh bay vào không gian.

Mục đích của lần phóng vệ tinh này nhằm thăm dò sự an toàn cho những chuyến du hành vũ trụ sau này của con người. Tuy nhiên, do khoa học kĩ thuật thời ấy chưa phát triển nên đã biến chuyến đi của chú chó Laika thành chuyến bay một chiều vào không gian. 

Công cuộc tìm kiếm sinh vật sống cho sứ mệnh lịch sử

Laika được lựa chọn bởi vì đó là một chú chó lang thang, không chủ nên cũng chịu được những khắc nghiệt nhất của nhiệt độ và việc thiếu thốn thức ăn. Ngoài ra, Laika là giống cái nên kích thước nhỏ và hiền lành hơn so với các con giống đực cùng loài khác.

Trước tiên để được lựa chọn, những chú chó phải trải qua huấn luyện tinh thần và thể trạng trước chuyến bay. Vì vậy, các nhà khoa học đã lựa chọn nhiều "ứng cử viên" cùng lúc sau đó đưa ra các bài test kiểm tra đánh giá về  mức độ thuần phục và vâng lời của chúng.

chu-cho-laika-va-chuyen-bay-mot-chieu-vao-vu-tru-1

Sau khi đạt những yêu cầu trong bước 1, những chú chó sẽ bước vào giai đoạn thử thách cực kỳ khắt khe đó là sống trong cái lồng chật hẹp (hộp kháng áp) từ vài ngày đến vài tuần. Trong thời gian này những chú chó phải làm quen với vị giác bằng việc chỉ ăn một loại thức ăn dạng lỏng.

Tiếp đến các bác sĩ sẽ kiểm tra phản ứng của những chú chó khi thay đổi đột ngột áp suất không khí và tiếng ồn lớn, đồng thời có cả việc bị nhấc bổng lên không khí đột ngột. Cuối cùng, chỉ có Laika và Albina là hoàn thành thử thách.

Tấm vé du hành vũ trụ "một chiều"

Trước khi phóng vào vũ trụ 3 ngày, Laika phải bước vào khu vực giới hạn chỉ di chuyển được vài inch (1 inch bằng khoảng 2,5 cm). Khi ấy chú chó đã được tắm sạch sẽ, trang bị cảm biến, thiết bị vệ sinh và mặc bộ đồ vũ trụ.

Con tàu Sputnik II mang theo Laika đã được phóng lên quỹ đạo Trái Đất vào 5h30 sáng. Trong 103 phút đầu tiên khi quỹ đạo bay vòng quanh Trái Đất, Laika vẫn còn sống. Tuy nhiên, tấm chắn nhiệt bị mất khiến nhiệt độ trong khoang tăng cao ngoài dự đoán.

Cathleen Lewis, người phụ trách các chương trình không gian quốc tế và bộ đồ vũ trụ tại Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Smithsonian, cho biết: "Sau vòng quỹ đạo thứ 4 mức nhiệt bên trong tàu vũ trụ đã đạt trên 90 độ. Laika thực sự không thể vượt qua được thêm một hay hai vòng quỹ đạo nữa". Thật đáng thương khi Laika phải chịu đau đớn trong khoảng thời gian ấy và ra đi trong sự cô đơn.

Tuy nhiên, cái chết của Laika cũng là bằng chứng cho chúng ta thấy không gian là nơi có thể sống được.

Sức ảnh hưởng của Laika

Sự ra đi của Laika làm cho tất cả những người yêu mến động vật cảm thấy căm phẫn và không thể tha thứ được. Một trong những nhà khoa học đứng đầu chương trình sử dụng chó trong các cuộc thử nghiệm không gian, Oleg Gazenko cũng thừa nhận rằng: "Thời gian trôi qua tôi càng cảm thấy ân hận về việc mình đã làm. Lẽ ra chúng tôi không nên làm như vậy".

chu-cho-laika-va-chuyen-bay-mot-chieu-vao-vu-tru-2
Chó Laika trên một con tem của tiểu vương quốc Ajman

Không lâu sau đó, xưởng đúc tiền ở Liên Xô đã chế tạo một mẫu ghim cài tráng men mang hình ảnh Laika để kỷ niệm "Hành khách đầu tiên trong không gian". Một số nước khi đó là đồng minh của Liên Xô như Romania, Albania, Ba Lan, cũng phát hành tem Laika vào giai đoạn 1957 - 1987.

Vào tháng 3/2005, trong nhiệm vụ thám hiểm sao Hỏa Opportunity, NASA đặt tên cho một vị trí trong hố trũng trên hành tinh này là Laika. Một bức tượng tưởng niệm Laika được dựng vào năm 2015 trên một tên lửa tại cơ sở nghiên cứu quân sự ở Moskva.

Laika đã trở thành một phần của lịch sử với tư cách là sinh vật sống đầu tiên bay quanh quỹ đạo Trái Đất. Chú chó ấy là "biểu tượng trường tồn về sự hy sinh và thành tựu của con người".

Xem thêm: Bí ẩn vũ trụ: Trung Quốc xây dựng kính viễn vọng với tham vọng sẽ tìm ra "kho báu" vũ trụ

Từ khoá:
chó Laika
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận