Cách tỉa chân nhang cuối năm chuẩn nhất
Bát hương hay chân nhang có ảnh hưởng rất lớn đến tài lộc cũng như phúc hoạ của một gia đình nên việc lau dọn hay rút bớt chân nhang sẽ cần đặc biệt chú ý để tránh phạm phải những điều đại kỵ.
Tỉa chân nhang hay còn gọi là bao sái bát hương thường được làm khi dọn dẹp bàn thờ vào dịp cuối năm là một trong những tục lệ lâu đời của người Việt Nam. Bát hương hay chân nhang có ảnh hưởng rất lớn đến tài lộc cũng như phúc hoạ của một gia đình nên việc lau dọn hay rút bớt chân nhang sẽ cần đặc biệt chú ý để tránh phạm phải những điều đại kỵ.
Khi lau dọn bàn thờ, tỉa chân hương bạn cần nắm rõ những điều sau để thể hiện sự tôn kính với thần linh và gia tiên cũng như cầu cho một năm mới bình an và may mắn.
1. Tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo?
Bạn có thể tỉa chân nhang trước hoặc sau khi cúng lễ ông Công ông Táo, tuỳ thuộc vào quan niệm của gia đình, địa phương bạn sống. Lưu ý là khi thực hiện bạn nên chọn vào ngày Hoàng đạo và vào khung giờ tốt để mọi điều được thuận lợi và tốt đẹp.
2. Ai là người tỉa chân hương
Người dọn dẹp bàn thờ và tỉa chân nhang thường là đàn ông trụ cột trong nhà hoặc người đảm đương việc cúng lễ thường ngày như ông bà, bố mẹ. Trước khi tiến hành tỉa chân hương và lau dọn ban thờ thì người đó cần tắm giặt sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng, nghiêm chỉnh và đặc biệt 2 tay cũng phải rửa qua rượu gừng.
3. Cách thức tỉa chân nhang
Chuẩn bị: Rượu, gừng để vỏ giã nát, khăn sạch và chậu nước.
Lưu ý: Khăn, chậu phải là mới hoặc là đồ chuyên dùng cho bàn thờ. Ngâm khăn trong rượu gừng ít nhất 30 phút.
Bước 1: Thắp hương, khấn xin thần linh và gia tiên để được tỉa chân nhang theo bài văn khấn. Sau khi chờ hương cháy hết thì bắt đầu lau dọn.
Bước 2: Hạ các vật trên ban thờ xuống một cách cẩn thận và sếp ngay ngắn trên chiếc bàn phủ vải hoặc khăn đỏ. Dùng khăn ngâm rượu gừng để lau các đồ vật. Lưu ý cần phải lau cẩn thận, không được làm vội vàng qua loa.
Đối với bát hương thì tuyệt đối không được hạ hay di chuyển. Để tờ báo hoặc tấm vải xung quanh bát hương, một tay giữ bát hương, tay còn lại nhẹ nhàng rút tỉa từng chân hương và để cẩn thận trên báo/vải để không làm rơi tro ra khắp bàn thờ. Khi còn lại số chân hương lẻ như 3,5,7,9 trong bát hương thì bạn dừng lại.
Bước 3: Dùng khăn thấm rượu gừng, một tay giữ bát nhang, một tay cẩn thận lau sạch sẽ và lấy khăn khô lau lại lần nữa.
Bước 4: Chân hương đã rút ra được mang đi hóa thành tro và được thả ở nơi nước sông, suối sạch sẽ, không có rác hay bị ô uế. Không được bỏ tro vào thùng rác, để chung với những vật ô uế, không thanh tịnh.
4. Văn khấn lau dọn bàn thờ
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con xin tấu lạy Chín phương Trời, Mười phương chư Phật, chư Phật Mười phương
Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ, long mạch thổ, thần Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ con là:..................
Ngụ tại:......................
Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ dòng họ .... tại...... (địa chỉ nhà ở, quê).
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp năm ... ,con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ,đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ ... chấp thuận.
Bài viết trên đã hướng dẫn chi tiết cách tỉa chân nhang, hy vọng với hướng dẫn này bạn sẽ yên tâm để thực hiện nghi lễ mà không lo bị "phạm". Chúc bạn và gia đình đón tết ấm cúng và an toàn.
Xem thêm: Những điều kiêng kỵ trong tháng Chạp để không gặp vận hạn, mất tiền bạc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận