Y Phương - Viết văn như một cuộc chơi đầy hứng khởi

Mặc dù văn chương là thứ chơi, nhưng lẽ tồn tại đích thực của văn chương là vì con người, và qua chất nghệ thuật để phục vụ cho con người. 

Đỗ Thu Nga
12:00 28/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cao Bằng - quê hương Y Phương - xưa kia vào thế kỉ XV là kinh thành của nhà Mạc. Đây là vùng đất kì lạ, các ngọn núi từ thấp đến cao đều lao vút lên, nhọn hoắt. Theo Tạ Duy Anh nơi đó “giữa bình minh và hoàng hôn là cuộc sống sôi sục. Nó vừa bí ẩn, buồn chết đi được, vừa đầy cám dỗ. Có một chất thơ dịu ngọt cứ thấm dần vào tâm hồn bạn - bất cứ ai sinh ra ở đấy đều ít nhiều là một nhà thơ”. Nhập ngũ từ năm 1968, Y Phương là một chiến sĩ đặc công.

Con đường đến với thơ ca của ông thật ngẫu nhiên. Từng thể nghiệm qua nhiều nghề, nhưng cuối cùng: “Tất cả sự thể nghiệm ấy chỉ cho ông câu trả lời diễu cợt: nếu không trở thành nhà thơ thì ông sẽ chẳng thành gì hết!” . Và từ đó, Y Phương ở hẳn lại với thơ. Y Phương là một nhà thơ có phong cách riêng bởi khi sáng tác ông luôn đi tìm cái mới, cái độc đáo. Thực tế, trong văn chương nghệ thuật không mới, không độc đáo thì khó lòng tạo được ấn tượng, thu hút được độc giả và không có chỗ đứng trong thế giới nghệ thuật.

Văn chương theo Y Phương là tác phẩm nghệ thuật ngôn từ bằng thơ. Ông tìm đến thơ để thể hiện những tâm tư, nỗi lòng, những điều mắt thấy, tai nghe. Với Y Phương, văn chương – thơ là một thứ chơi. Trò chơi ngôn ngữ ấy Y Phương đưa ra yêu cầu bản thân ông phải thích và người khác cũng phải thích. “Người khác thích” chính là việc Y Phương quan tâm đến độc giả: “giữa nhà văn, nhà thơ với độc giả chỉ là những người bạn - thông tin với nhau về tâm hồn, thông qua hình tượng nghệ thuật - nhà văn và bạn đọc không hề có khoảng cách - Và coi họ như những người bạn thì mới có thể bộc bạch hết lòng mình”. Khi ví văn chương với trò chơi “là phải thấy hết sự tự nguyện, đam mê, không vụ lợi; chơi được cho mình thích và người khác thích thì đã hàm chứa những điều cao cả và tốt đẹp trong đó rồi”.

y-phuong--viet-van-nhu-mot-cuoc-choi-day-hung-khoi-0
Nhà thơ Y Phương

Để trở thành một nhà thơ có phong cách riêng, tạo dấu ấn trong lòng độc giả thì bản thân Y Phương đã không ngừng trau dồi tư tưởng, tình cảm, vốn sống, nhân cách sống, vốn văn hóa, nghệ thuật viết…. Theo Y Phương, độc giả trình độ ngày càng cao vì thế bản thân nhà thơ phải thường xuyên trau dồi kiến thức để theo kịp độc giả, và “nhà văn nào có ý định răn dạy người đời là một sai lầm lớn”. Hơn nữa, sáng tác cũng như thưởng thức nghệ thuật đều nhằm thỏa mãn nhu cầu được giao tiếp. Vì thế “trong sáng tác, dù ít dù nhiều, tác giả cũng phải đứng về phía người đọc mà viết, cho nên trong ngôn ngữ của tác giả đã có ngôn ngữ của người đọc”.

Mặc dù văn chương là thứ chơi, nhưng lẽ tồn tại đích thực của văn chương là vì con người, và qua chất nghệ thuật để phục vụ cho con người. Cũng giống như những người nghệ sĩ tài ba khác, trước sau ông vẫn nhất quán một xác tín nghề nghiệp:

Cao hơn cơm là nước

Cao hơn nước là khí trời

Cao hơn khí trời là em bồ-câu-lơ-mơ-thơ của ta.

(Bồ câu)

Y Phương hiểu rõ “không quan tâm tới khía cạnh giải trí là bỏ sót một khả năng tác động và tự giới hạn tầm ảnh hưởng của văn học trong đời sống thực tiễn" [52, 59]. Thơ Y Phương thường ngắn gọn mà xúc tích, thông qua con chữ, nhà thơ muốn nói với bạn đọc thật nhiều điều. Bài thơ “Chơi râu” là một minh chứng - “Buộc nhiều người phải giật mình”:

Trời bảo:

Ứ thèm chơi với ta đâu.

Tùy thôi.

Trời bảo:

Ta là đồ linh tinh, đồ dở hơi.

Tùy thôi.

Trời không chơi thì ta ngồi ta chơi râu ta.

(Chơi râu)

Nói tóm lại, Y Phương cũng như bao nghệ sĩ khác “là người cho đứa con tinh thần của mình một cuộc đời. Nhưng cuộc đời ấy ngắn ngủi hay dài lâu, anh ta không định đoạt được. Quyền năng ấy thuộc về công chúng”.

Xem thêm: Viết về những lần "chạy trốn" trong văn chương

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận