Những điều cần biết về Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nam Định
Phù sa màu mỡ từ sông Hồng đã tạo nên khu đất ngập nước với đa dạng sinh học. Đây là địa điểm thăm quan, trải nghiệm nổi tiếng ở tỉnh Nam Định.
- Vườn quốc gia Xuân Thủy ở đâu?
- Nhiệm vụ chính của Vườn quốc gia Xuân Thủy là gì?
- Vườn quốc gia Xuân Thủy có những bãi bồi nào?
- Vườn quốc gia Xuân Thủy là nơi cư ngụ của bao nhiêu loài chim?
- Ngoài chim quý, Vườn quốc gia Xuân Thủy còn có gì đặc biệt?
- Vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy có gì đặc sắc?
- Đến Vườn quốc gia Xuân Thủy được trải nghiệm những gì?
- Một số lưu ý khi tham quan Vườn quốc gia Xuân Thủy
Khoảng 12h30 ngày 20/5, chính quyền huyện Giao Thủy (Nam Định) thông báo một tin rất buồn: Tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy đã xảy ra vụ đuối nước khiến 2 người tử vong.
Cụ thể, đoàn khách khoảng 50 người gồm phụ huynh và học sinh 1 lớp của trường tư thục (Tây Mỗ, Hà Nội) về tham quan, trải nghiệm tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Trong hành trình trải nghiệm, tàu đưa đoàn ra bãi cát ở mom giữa sông Hồng và sông Trà để các em học sinh trải nghiệm bắt ngao, vạng. Thời điểm học sinh xuống trải nghiệm nước cạn.
Nhưng trong khi học sinh đang trải nghiệm thì nước dâng, thay đổi dòng chảy nên cả bãi cát - nơi nhiều học sinh trải nghiệm bị sụt và bị cuốn theo dòng nước. Sự việc khiến 1 học sinh và 1 phụ huynh tử vong.
Sau khi sự việc này xảy ra, các thông tin về Vườn quốc gia Xuân Thủy được tìm kiếm rất nhiều. Và dưới đây là một số thông tin cơ bản.
Vườn quốc gia Xuân Thủy ở đâu?
Vườn quốc gia Xuân Thủy thuộc xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Vườn quốc gia Xuân Thủy là một vùng bãi bồi rộng nằm ở phía Nam cửa sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 150km về hướng Đông Nam.
Vườn quốc gia Xuân Thủy có diện tích tự nhiên là 7.100ha. Phù sa màu mỡ từ sông Hồng và biển đã tạo nên khu đất ngập nước đa dạng sinh học. Đây là nơi nhiều loài động vật hoang dã và các loài chim quý hiếm đến trú ngụ.
Theo thông tin từ website của Vườn quốc gia Xuân Thủy: Vùng đất ngập nước ở cửa sông ven biển thuộc Vườn quốc gia có lịch sử hình thành từ các quá trình bồi tụ phù sa của sông Hồng và Biển Đông. Vùng đất này nằm trong đê Ngự Hàn thuộc các xã vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy được khai hoang lập ấp từ khoảng 170 năm về trước (theo lịch sử của xã Giao Hải mốc thời gian khai khẩn ở địa bàn bắt đầu từ năm 1840 do cụ Đinh Khắc Chu, quê ở Kiên Lao, Xuân Trường và cụ Nguyễn Duy Hàm, quê ở làng Hành Thiện, Xuân Trường chủ trì để hình thành xã Kiên Hành - là Giao Long và Giao Hải ngày nay).
Sau quá trình lập ấp, các công trình quai đê lấn biển theo truyền thống: "Lúa lấn cói, cói lấn vẹt và vẹt lấn biển".
Vườn quốc gia Xuân Thủy được đánh giá là một trong các khu rừng ngập nước quan trọng của Việt Nam. Nơi đây được xem là "sân ga" của nhiều loài chim di cư quý, trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách.
Tháng 1/1898 Xuân Thủy đã là vùng đất ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế RAMSAR (Công ước bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của những loài chim nước - Ramsar, Iran, 1971).
Tháng 1/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg chính thức nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Tháng 12/2004, UNESCO tiếp tục công nhận Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ Sông Hồng.
Nhiệm vụ chính của Vườn quốc gia Xuân Thủy là gì?
Căn cứ vào Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 02 tháng 1 năm 2003 thì mục tiêu nhiệm vụ chính của Vườn quốc gia Xuân Thủy là:
Thứ nhất, bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, các loài động vật, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập mặn, đặc biệt là các loài thủy sinh và các loài chim nước, chim di trú.
Thứ hai, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục, môi trường và phát triển du lịch sinh thái.
Thứ ba, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương.
Vườn quốc gia Xuân Thủy có những bãi bồi nào?
Vườn quốc gia Xuân Thủy được biết đến là khu bảo tồn đất ngập nước ven biển nơi sông Hồng đổ bộ ra biển gọi là cửa Ba Lạt và có ranh giới phía Nam là sông Vọt. Với diện tích lõi đến 7.100ha, vườn quốc gia có những bãi bồ như: Cồn Ngạn, Cồn Lu, Cồn Xanh và vùng đệm rộn 8.000ha trong đó có 3.000ha rừng ngập mặn.
Cồn Ngạn là nơi lớn nhất của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Nơi đây có các đầm nuôi trồng thủy hải sản và được bao phủ hầu hết rừng ngập mặn.
Cồn Lu gồm các bãi cát rộng và những bãi bồi lây có diện tích nhỏ hơn so với Cồn Ngạn.
Cồn Xanh có diện tích nhỏ nhất và được bồi đắp phù sa bởi sông Hồng.
Cồn Xanh và Cồn Lu là nơi bị ngập khi thủy triều lên.
Vườn quốc gia Xuân Thủy là nơi cư ngụ của bao nhiêu loài chim?
Vườn quốc gia Xuân Thủy được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng với hơn 200 loài. Trong đó, gần hơn 50 loài chim nước và 100 loài chim di cư.
Có nhiều loài chim cư ngụ ở đây có tên trong sách đỏ quốc tế. Có những thời điểm, Vườn quốc gia Xuân Thủy là nơi cư trú của hơn 40 ngàn loài chim. Ngoài ra, khu rừng sú vẹt Xuân Thủy là nơi cư ngụ của nhiều loại chim, mèo biển, cáo biển, rái cá... Dưới nước là các loài tôm, cá, cua, rắn, ngao, sò... Đây có lẽ là lý do vì sao các loài chim tụ tập về đây bởi có nguồn thức ăn phong phú dồi dào.
Được biết, từ tháng 11 đến tháng 3,4 của năm sau là thời điểm có hàng chục ngàn cá thể chim di cư tránh rét từ phương Bắc về đây, tạo nên khung cảnh độc đáo hiếm có cho vườn quốc gia. Và thời điểm này được gọi là mùa chim di cư.
Vào mùa hè và mùa thu đến Vườn quốc gia Xuân Thủy, du khách có thể tận hưởng những cơn gió biển mát rượu và ngắm những loài chim di trú tránh nóng từ Nam Bộ và Campuchia như Giang Sen, Bồ nông…và những loài chim bản địa như: vịt trời, chèo bẻo, bói cá, bìm bịp...hay những loài chim sặc sỡ như: đuôi cụt bụng đỏ, sẻ đồng ngực vàng.
Ngoài chim quý, Vườn quốc gia Xuân Thủy còn có gì đặc biệt?
Trong khu vực Vườn quốc Xuân Thủy, nơi cao nhất chỉ 3m, mực nước sâu nhất khoảng 6m. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sinh có giá trị cao, cùng các loài động thực vật hoang dã.
Thực vật ưu thế trong rừng quốc gia Xuân Thủy là cây Trang, Bần, Tra và Ô rô mọc tự nhiên rải rác khắp khu vực. Riêng trên Cồn Lu, cây Phi lao được trồng với diện tích lớn, đây là sinh cảnh quan trọng cho các loài chim rừng di cư. Ngoài ra, các loài rong thuộc 2 ngành rong đỏ và rong xanh có giá trị kinh tế cao, nhất là loài rong câu vòng.
Thời gian qua, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã đưa các kế sinh nhai mới như trồng nấm, nuôi ong, nuôi ngao... để tạo làn gió mới cho kinh tế kết hợp với bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn. Với nghề sản xuất mật ong từ rừng sú vẹt, hàng năm có khoảng 6000 đến 8000 đàn ong được mang vào vườn để thu hoạch mật hoa sú, vẹt. Vì thế người dân thường gọi mật ong nơi đây là “mật của biển”.
Vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy có gì đặc sắc?
Trải qua quá trình phát triển lâu đời, cộng đồng địa phương sinh sống ở vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy đã tạo lập nên các làng quê ven biển trù phú, những công trình kiến trúc độc đáo. Có thể kể đến như nhà Bổi, nhà Thờ, chùa chiền... pha trộn hài hòa giữa kiến thức truyền thống và hiện đại. Trong đó, hệ thống các nhà thờ được xây dựng nguy nga và bề thế, bởi ở đây có khá đông người dân theo đạo thiên chúa.
Ở khu vực cửa sông Ba Lạt tiêu biểu cho nền văn hóa mở đất của cư dân ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng, với tập quán nuôi trồng, khai thác quảng canh nguồn lợi thủy sản, phát triển các đầm nuôi tôm, vây rạng rộng hàng hàng hecta.
Những nét văn hóa dân gian đặc sắc có thể kể đến như: chèo cổ, chầu văn, bơi chải, múa lân, chọi gà, đấu vật... trong các dịp lễ hội, cùng với sinh hoạt cộng đồng đã gắn kết mọi người với nhau trong mối quan hệ thân thiết “tình làng nghĩa xóm”.
Đến Vườn quốc gia Xuân Thủy được trải nghiệm những gì?
Như đã chia sẻ, đến thăm Vườn quốc gia Xuân Thủy mùa đẹp nhất là từ tháng 10 - tháng 11 cho đến tháng 3 - tháng 4 năm sau. Đây là thời điểm nhiều loài chim quý di cưa về tránh rét và tìm kiếm thức ăn.
Đến tham quan Vườn quốc gia Xuân Thủy, du khách có thể có được một số trải nghiệm thú vị sau:
- Đi thuyền tham quan vườn quốc gia.
- Đón bình minh ở cánh đồng ngao
- Tham quan các công trình kiến trúc - văn hóa bản địa.
Một số lưu ý khi tham quan Vườn quốc gia Xuân Thủy
- Nếu bạn trải nghiệm ngủ qua đêm bên rừng thông thì cần thuê sẵn lều mang đi cắm trại và các vật dụng cần thiết như áo khoác, chăn mỏng, thuốc chống muỗi.
- Di chuyển bằng xe máy thì cần chuẩn bị đủ giấy tờ, đồ bảo hộ...
- Đặc biệt, tham gia trải nghiệm bắt ngao, vạng thì cần có người thông thạo địa bàn hướng dẫn, cần mang áo phao để phòng trường hợp nước lên bất ngờ...
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận