Lạm phát leo thang ở đất nước nhiều hoa hậu nhất thế giới: Tiền biến thành giấy gấp đồ thủ công, 15 triệu bolivar chỉ mua được 1 con gà
Venezuela đã trải qua lạm phát suốt 7 năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đồng bolivar rớt giá thảm hại, 15 triệu bolivar chỉ mua được 1 con gà.
Venezuela đi qua thời "vàng son" - dầu mỏ, vương miện hoa hậu
Venezuela là đất nước ở khu vực Nam Mỹ, tiếp giáp với Guyana về phía đông, tiếp giáp với Brazil về phía Nam, Colombia về phía Tây và biển Caribbean về phía Bắc. Đất nước này có diện tích 916.445km2 với dân số 28 triệu người.
Venezuela có vị trí địa lý đắc địa, thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt đẹp. Thậm chí đất nước này từng được miêu tả là "thiên đường của Trái đất". Và lâu nay, Venezuela vẫn được biết đến là "miền đất hứa" của những chiếc vương miện, của những mỏ dầu không bao giờ cạn.
Chỉ trong vòng 31 năm, nước này đã giành chiến thắng 25 lần trong các cuộc thi sắc đẹp uy tín nhất toàn cầu. Ở Miss World - Hoa hậu Thế giới, Venezuela đã có được 6 chiếc vương miện - hiện đang dẫn đầu cùng với Ấn Độ.
Tại Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ, Venezuela tạm xếp thứ nhì với 7 lần chiến thắng, chỉ xếp sau “mẹ đẻ” của cuộc thi là Mỹ. Đây cũng là quốc gia dẫn đầu về số lượng vương miện ở Miss International - Hoa hậu Quốc tế với con số 7.
Các cuộc thi hoa hậu ở đất nước này vô cùng hoành tráng và công phu, nhận được quan tâm lớn của công chúng. Venezuela thậm chí còn có cả "lò luyện hoa hậu" dành cho những bé gái, cô gái có ước mơ đổi đời. Người Venezuela nói chung cũng rất thích các cuộc thi về sắc đẹp.
Ngoài hoa hậu, Venezuela còn được biết đến như một mỏ dầu "khủng" bậc nhất thế giới. Cuối năm 2009, đất nước 28 triệu dân này chính thức trở thành quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ thứ 2 thế giới với sản lượng khai thác đạt 211,173 tỷ thùng, chỉ sau Saudi Arabia (266 tỷ thùng).
Đến năm 2010, trữ lượng dầu mỏ của đất nước này đạt 296,5 tỷ thùng, chính thức vượt qua Saudi Arabia (264,5 tỷ thùng) để trở thành nước có trữ lượng “vàng đen” lớn nhất thế giới.
Vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, nhờ sự giàu có của dầu mỏ, công nhân Venezuela được hưởng mức lương cao nhất ở Mỹ Latin. Nhưng cũng có thời điểm, dầu mỏ rớt giá khiến người dân rơi vào tình cảnh nghèo đói.
Lạm phát trầm trọng, tiền mất giá, người dân chìm trong nghèo khổ
Nổi tiếng với nhiều người đẹp nhưng người dân Venezuela đang chìm trong nghèo khổ vì siêu lạm phát nghiêm trọng. Nền kinh tế quốc gia này rơi vào tình trạng khó khăn suốt 7 năm qua. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm giá dầu dẫn đến tình trạng giảm nhập khẩu và thâm hụt hóa chênh lệch, khiến các ngân hàng trung ương phải in thêm đồng bolivar (đơn vị tiền tệ của Venezuela).
Tính đến tháng 1/2021, tỷ lệ lạm phát ở quốc gia này đã đạt đến 2.665%. Ngân hàng Trung ương Venezuela đã phải quyết định phát hành tờ tiền có mệnh giá cao nhất là 1 triệu bolivar (tương đương 95.000 đồng).
Vào ngày 5/3, hãng tin RT (Nga) đưa tin, Ngân hàng trung ương Venezuela thông báo rằng họ sẽ phát hành 3 tờ tiền mới có mệnh giá 200.000, 500.000 và 1 triệu Bolivar. Các mệnh giá tiền mới sẽ được lưu hành từ ngày 8/3. Cơ quan quản lý cho biết, những tờ tiền này nhằm "bổ sung và tối ưu hóa các mệnh giá hiện tại để đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế quốc gia".
Tuy nhiên, ngay cả khi cộng 3 mệnh giá tiền này lại với nhau thì giá trị của chúng thâp hơn 1 USD (khoảng 23.000 đồng) theo tỷ giá hối đoái hiện tại.
Tính đến ngày 5/3, 1 USD đổi được khoảng 1,889 triệu bolivar. Điều đó có nghĩa, 1 triệu bolivar chỉ có giá trị tương đương khoảng 52 xu. Siêu lạm phát kéo dài và sự xói mòn giá trị đồng bolivar đã khiến người dân Venezuela phải sử dụng tiền giấy USD cho nhiều giao dịch hàng ngày.
Lạm phát kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Nhờ chính sách trợ giá của nhà nước, đây là nơi có giá xăng dầu rẻ nhất thế giới, thậm chí nó gần như hoàn toàn miễn phí. Theo phân tích của trang globalpetrolpricers.com, giá xăng tại Venezuela là 0,01 USD/lít (khoảng 230 VNĐ). Khi tình hình lạm phát nghiêm trọng, người dân không dùng tiền để mua xăng nữa mà thay vào đó, họ "thanh toán" bằng các vật dụng hàng ngày từ thực phẩm như gạo, dầu ăn, thanh kẹo và thậm chí là 1 điếu thuốc lá.
Ở thời điểm hiện tại, 5 triệu bolivar (khoảng 480.000 đồng) ở Venezuela chỉ mua được 1kg cà chua; 15 triệu bolivar chỉ mua được 1 con gà và 8 triệu bolivar mới mua được 1 bịch bỉm cho trẻ em.
Khi đi mua đồ ở ngoài, người dân Venezuela không mang theo ví như nhiều quốc gia khác mà họ phải dùng bao tải hoặc thùng hàng để đựng tiền. Điều này cho thấy đồng tiền ở Venezuela mất giá trầm trọng đến mức độ nào.
Tại một số nơi ở quốc gia này, người dân không thể đếm tiền bằng tay mà phải chuyển qua hình thức cân tiền. Tại Venezuela, khi bạn cầm một chồng tiền ra chợ thì chỉ mua được 1 quả chuối tiêu.
Nền kinh tế Venezuela đang chịu nhiều sức ép nặng nề trong những năm gần đây, khi Mỹ giáng đòn trừng phạt. Nền kinh tế nước này vẫn tiếp tục rơi vào khủng hoảng, các dịch vụ cơ bản như vận tải, điện, nước sinh hoạt ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 đang hoành hành.
Năm 2020 là năm thứ 7 liên tiếp đất nước dầu mỏ này rơi vào suy thoái. Quốc gia này đang phải hứng chịu tình trạng lạm phát phi mã, theo báo cáo đã chạm mức 3.000% vào năm ngoái.
Cuối tháng 4/2020, Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã tăng 77,7% mức thu nhập tối thiểu cho người dân nước này, bao gồm cả lương cơ bản và gói trợ cấp lương thực. Song đến nay, khoản thu nhập này chỉ tương đương với khoảng 2,8 USD, không đủ để mua 1kg thịt lợn.
Mỗi gia đình 4 thành viên ở đất nước này cần mức thu nhập khoảng 200 USD để có thể chi phí cho tất cả các dịch vụ cơ bản.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận