Giải mã lý do ngành Tang Lễ thu hút giới trẻ: Cơ hội việc làm trọn đời, lương cao, cả nước chỉ có 5 trường đào tạo
Ở Trung Quốc, trước đây nhân sự ngành tang lễ hầu hết là người lớn tuổi. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nghề này cực thịnh hành, giới trẻ cực yêu thích. Bởi nó mang lại cơ hội việc làm ổn định, trọn đời.
Chuyện cô gái trẻ trúng tuyển ngành Tang Lễ bị bố mẹ phản đối
Trang Zhihu từng đưa tin, một cô gái trẻ tên Hứa Ngôn đã cảm thấy vô cùng bối rối khi nhận được tin trúng tuyển ngành Tang Lễ. Thông tin này còn khiến hai bên nội ngoại nổi giận, phản đối gay gắt.
Bởi cho đến thời điểm hiện tại, ở Trung Quốc, Tang Lễ vẫn là một ngành học vô cùng kỳ quái và nó gắn liền với sự xui xẻo. Dẫu vậy, Hứa Ngôn vẫn quyết định đến trường Cao đẳng Kỹ thuật và Nghề dân sự Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) để làm thủ tục nhập học.
Chuyên ngành tang lễ gồm bốn phần chính: dịch vụ, thiết bị, bảo quản thi hài và nghĩa trang.
Hứa Ngôn đăng ký muộn nên lớp dịch vụ tang lễ, bảo quản thi hài đã đủ sinh viên, chỉ còn lớp thiết bị và nghĩa trang. Theo gợi ý của giáo viên, một cô gái nhỏ nhắn như Hứa Ngôn không phù hợp với ngành thiết bị. Bởi nghề này không chỉ bấm nút hỏa táng mà còn phải tháo lắp, sửa chữa máy móc.
Sau khi suy nghĩ kỹ càng, Hứa Ngôn quyết định đăng ký vào lớp nghĩa trang, học thiết kế và quản lý những việc như thiết kế bia mộ, lập kế hoạch và kinh doanh.
Tuy nhiên, những gì Hứa Ngôn học không chỉ liên quan đến nghĩa trang. Nghiêm Phi - bạn học của Hứa Ngôn đã từng đăng tải thời khóa biểu lên trang cá nhân, trong đó có những môn học như: Quy định về tang lễ, giới thiệu dịch vụ và quản lý, nghi thức hay quảng cáo dịch vụ...
Được biết, các lớp học này dày đặc học viên từ năm thứ 2. Các học viên như Nghiêm Phi rất chú ý lắng nghe thầy cô giảng. Cô hiểu, chỉ ở đây mới được học về nghi thức trong 1 đám tang hiện đại. Ví dụ như cách đối đãi với người thân, bạn bè của người quá cố. Hay như công nghệ ướp xác hiện đại, làm sạch thi thể cho người đã khuất.
Những sinh viên trong ngành Tang Lễ luôn cảm thấy mình giống như một bác sĩ pháp y. Họ được sát trùng bề mặt, sát trùng cơ thể người quá cố.
Người qua đời vì tuổi sẽ có cách xử lý hài cốt đơn giản nhất. Sợ nhất là người gặp tai nạn qua đời. "Chẳng ai muốn thức dậy lúc nửa đêm để xử lý nạn nhân trong vụ tai nạn xe hơi", Nghiêm Phi nói.
"Hãy phục vụ chúng sinh và từ bi", Nghiêm Phi luôn ghi nhớ phương châm này, từ cô giáo mình.
Ngành Tang Lễ ở Trung Quốc được đào tạo thế nào?
Ngành Tang lễ bắt đầu ra đời từ năm 1995. Theo báo cáo từ Xinhua, từ năm 2009, ngành Tang lễ của Trường Cao đẳng Kỹ thuật và nghề dân sự tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã có tỷ lệ về thí sinh đạt kỷ lục, đó là 5:1. Trong những năm qua, ngôi trường này đã cung cấp gần 5.000 sinh viên tốt nghiệp cho ngành Tang lễ trên toàn Trung Quốc.
Theo một thống kê khác từ trang The Paper, Trung Quốc hiện chỉ có 5 trường đào tạo chuyên ngành "Công nghệ và Quản lý Tang lễ hiện đại". Trong những năm gần đây, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành này của các trường nêu trên chỉ khoảng 500 đến 600 sinh viên.
Theo đề cương của Bộ Giáo dục Trung Quốc xây dựng cho chuyên ngành này thì: Thời gian học là 3 năm; để tốt nghiệp được chuyên ngành Tang Lễ, các sinh viên cần phải học tập thường xuyên và hoàn tất 4 phần chính là thiết bị, dịch vụ, bảo quản thi hài và nghĩa trang.
Các môn học liên quan đến ngành này giúp sinh viên có thể học và hiểu được nghi thức trong các đám tang hiện đại. Sinh viên học ngành này không những có thể vận hành một nhà hỏa táng, trang điểm cho người đã khuất mà còn biết cách đối đãi, điều hòa cảm xúc với người thân và bạn bè quá cố.
"Nghề xui xẻo nhưng lương cao"
Ngành học này được gọi là "nghề xui xẻo nhưng lương cao". Các bạn trẻ, nhất là những người đam mê kiếm tiền sẽ bị thu hút một cách tuyệt đối bởi vế "lương cao". Họ luôn nghĩ về ngày tốt nghiệp, được đi làm với mức lương mà nhiều ngành không khác không thể sánh được.
Thực tế cho thấy, nhu cầu về nhân lực ngành Tang lễ ở Trung Quốc khá lớn, lên đến 10.000 người/năm. Nhưng số người được đào tạo chỉ bằng 1/20. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng ngành này sau khi ra trường sẽ có cơ hội làm việc cực lớn.
Hầu hết các công ty mai táng đều nghỉ 4 ngày một tháng, có nơi nghỉ đến 6 ngày. Song nhân viên có thể phải sẵn sàng làm việc bất kể giờ nào, dù là đêm hay ngày. Với nhiều người trong ngành, mức lương của họ bị bên ngoài phóng đại.
Bộ Dân chính Trung Quốc từng tiết lộ, mức lương của nhân viên nhà tang lễ trung bình khoảng 6.000 tệ/tháng (hơn 21 triệu đồng), mức cao hơn cũng chỉ từ 7.000-8.000 tệ (24-28 triệu đồng). Mức lương hàng chục nghìn tệ tương đối hiếm. Trong khi khối lượng công việc lại nhiều.
Tuy nhiên, công việc này thường đi kèm các phúc lợi khác như: được đăng ký tham gia chương trình bảo hiểm quốc gia, được trợ cấp nhà ở và bữa ăn. Và điều quan trọng nhất là họ sẽ có việc làm ổn định suốt đời.
Nhiều người trẻ ở Trung Quốc cảm thấy bị mệt mỏi khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường việc làm, bị đẩy ra ngoài khi đã ngoài 35 tuổi. Thực tế chứng minh, công việc trong nhà xác ít cạnh tranh hơn nhiều so với các công việc khác.
Có thuận lợi thì cũng có thách thức
Dù ngành Tang Lễ đang có sự phát triển nhanh chóng và được nhiều bạn trẻ săn đón, nhưng ngành học này cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.
Cụ thể, công việc của những người làm trong ngành rất nặng nhọc. Trong đó, có một số công việc phải tiếp xúc với xác chết như vận chuyển quan tài, trang điểm, hỏa táng... Thậm chí, khi tiếp xúc với xác chết họ có thể mắc bệnh truyền nhiễm từ tử thi.
Trương Vũ - sinh viên tốt nghiệp ngành Tang Lễ ở tỉnh Hồ Nam cho biết: Ban đầu, ngoài nỗi sợ khi chạm vào xác người đã khuất, điều khiến anh lo lắng chính là thái độ của người xung quanh. Tuy nhiên, Trương Vũ cho biết, anh không cảm thấy có sự khác biệt giữa sinh viên học Tang Lễ với các chuyên ngành khác.
Trương Vũ chia sẻ rằng "sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật chung của con người, vậy nên cần có những người làm công việc này.
Có thể thấy, mức lương ngành Tang Lễ cao hơn hẳn so với mặt bằng chung, nhưng không phải là ngành nghề được trả lương cao nhất. Song hàng năm, sinh viên tốt nghiệp ngành này luôn trong tình trạng cung không đủ cầu của thị trường lao động.
Tờ China News Weekly cho biết, trong một cơ sở như nhà tang lễ, mức lương hàng tháng của sinh viên đi làm dưới một năm chủ yếu là từ 4.000 – 8.000 NDT. nHưng tùy từng công việc sẽ có mức lương khác nhau. Công việc càng tiếp xúc gần thi hài người quá cố thì thu nhập càng cao, ví dụ như người vận chuyển thi hài, trang điểm...
Lưu Manh Manh (SN 1999) chọn học chuyên ngành Tang Lễ vì lý do đơn giản. Năm 2018, do không đạt thành tích tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học nên cô đã đăng ký học chuyên ngành này dưới sự gợi ý của người thân. "Tôi nghe nói ngành Tang lễ có xuất xứ từ Nhật Bản nên tôi đã đăng ký theo học", Lưu Manh Manh cho biết.
Manh Manh cho biết, trong lớp của cô có nhiều bạn nữ hơn nam, chiếm khoảng 70%. Sau khi tốt nghiệp, có một người bạn cùng phòng với Lưu Manh Manh đã đi làm công việc trang điểm cho người chết.
Công việc này đôi khi người làm nghề này còn phải trang điểm cho những người chết do tai nạn hoặc đã chết từ lâu nhưng sau đó mới được phát hiện, nên ban đầu hơi sốc. "Ban đầu tôi không thể chấp nhận được. Nhưng sau một thời gian, thấy người nhà của những người quá cố rất cảm kích công việc "tu sửa" của mình nên tôi thấy đây là một công việc có ý nghĩa và vẫn kiên trì thực hiện", Lưu Manh Manh cho biết.
Manh Manh hiện hài lòng với công việc của mình vì nó có thể giúp cô chi trả tiền ăn, ở, được đi làm sớm, ổn định và quan trọng nhất là giúp đỡ được người khác. Đối với cô gái trẻ này, việc học và làm trong ngành Tang lễ rất có ý nghĩa.
Xem thêm: Nghề lạ đặt tên cho trẻ sơ sinh giúp 8x kiếm bộn tiền vì phụ huynh sẵn sàng chi tiền khủng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận