Đức Phật dạy 5 lý do người Phật tử tại gia nên làm giàu

Đức Phật dạy rằng, người Phật tử làm giàu bằng cách chân chính sẽ giúp cho mọi người trong nhà được hạnh phúc.

Đỗ Thu Nga
16:00 06/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phật tử tại gia cũng cần làm kinh tế để nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình và làm nhiều việc ý nghĩa cho xã hội. Trong Kinh Tăng Chi Bộ II, phần Trở thành giàu, Đức Thế Tôn từng khuyến khích hàng đệ tử tại gia làm giàu, gây dựng tài sản chân chính.

Và trong khoa giảng về "Làm giàu", Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng từng chia sẻ rằng: "Người đệ tử Phật, nhất là người đệ tử tại gia, không những tu học mà còn xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, làm cho cuộc sống ngày càng phát triển, tốt đẹp hơn. Các thầy đi xuất gia thì khác, các Thầy chăm lo tu hành và hoằng truyền giáo Pháp. Còn bổn phận Phật tử tại gia là phải xây dựng, ngoại hộ cho chính Pháp. Mình phải làm việc, phải sản xuất, phải buôn bán để có tài sản. Tài sản đó mình không những nuôi sống gia đình, xây dựng xã hội mà còn ủng hộ cho Phật Pháp. Cho nên, người ta nói Phật Pháp hưng thịnh là do đàn na tín thí ủng hộ. Các Phật tử thấy nếu chùa mình không có các Phật tử ủng hộ thì làm sao có chùa khang trang thế này để chúng ta tu học yên ấm”.

Vi-sao-Duc-Phat-khuyen-khich-Phat-tu-tai-gia-lam-giau-9
Đức Phật luôn khuyến khích Phật tử tại gia làm giàu một cách chân chính

Trong bài giảng Làm Giàu, phẩm Làm Giàu - kinh Nikaya Giảng Giải, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã chia sẻ cho đại chúng câu chuyện trưởng giả Cấp Cô Độc đến đảnh lễ Phật và được Phật dạy về 5 lý do mà người Phật tử tại gia nên gây dựng tài sản:

1. Làm giàu chân chính để mình được vui vẻ và cha mẹ, vợ con được hạnh phúc.

Đức Phật dạy: "Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gây dựng tài sản".

Trong bài giảng của mình, Đại đức Trúc Thái Minh chia sẻ: Trước hết là mình kiếm tài sản chân chính mình vui. Sau nữa là mình làm cho cha mẹ, vợ con, cho người ăn, kẻ ở trong nhà mình được vui. 

Cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta biết làm giàu một cách chân chính. Khi chúng ta có kinh tế tốt, chúng ta sẽ làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn.

Vi-sao-Duc-Phat-khuyen-khich-Phat-tu-tai-gia-lam-giau-8

2. Làm giàu để giúp bạn bè, thân hữu

Đức Phật lại nói: "Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gây dựng tài sản".

Từ lời Phật dạy, Đại đức chia sẻ: Tài sản mình làm được, thứ nhất đem lại niềm vui cho mình, cho người thân trong gia đình. Thứ nữa sẽ là chia sẻ, giúp đỡ bạn bè thân hữu lúc khó khăn. 

Chúng ta nhìn thấy bạn bè, anh em nghèo khó rất thương nhưng mình không có tài sản, mình không giúp được. Vì vậy, khi chúng ta làm giàu thành công, chúng ta có tài sản tích lũy thì có thể dễ dàng giúp đỡ mọi người.

Từ lời dạy của Đại đức giúp ta hiểu rằng: Nếu dư dả tiền bạc, tài sản, không chỉ cuộc sống của ta đủ đầy mà còn có thể giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác chính là tích phước báu cho mình, cho thế hệ sau. 

3. Làm giàu để phòng trừ tai họa, biến cố

Phật dạy tiếp: "Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Các tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gây dựng tài sản".

Vi-sao-Duc-Phat-khuyen-khich-Phat-tu-tai-gia-lam-giau
Đức Phật dạy, Phật tử tại gia nên làm giàu để phòng biến cố như ốm đau, bệnh tật...

Từ lời Phật dạy, Đại đức giảng giải: Người có tài sản thì những tai ương giáng xuống gia đình nhà mình sẽ nhờ tài sản đó che chở. Ví dụ, đột nhiên bị bệnh, nếu không có tiền thì sẽ rất khổ. Nhưng khi có tài sản tích lũy, chúng ta có thể dùng nó để chạy chữa... 

Đây chính là lý do thứ 3 mà Đức Phật khuyên Phật tử tại gia nên làm giàu. Làm giàu chân chính lợi lạc cho mình, cho gia đình và xã hội. 

4. Làm giàu để hiến cúng cho vua, cho Chư Thiên, cho bà con, cho hương linh đã mất

Lý do thứ 4 mà Đức Phật khuyên Phật tử tại gia nên làm giàu: "Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn….Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gây dựng tài sản".

Nói về điều này, Đại đức giảng giải: Chúng ta có của, có tiền, chúng ta có thể hiến chúng cho mọi người, bố thí cho mọi người và chúng ta cúng cho các hương linh. Các Phật tử có thể dành tiền để mua đàn chẩn tế cúng các hương linh, cô hồn, họ đói, họ không thể ăn được nếu mình không cúng cho họ. Nhờ mình bố thí, mình cúng cho họ, nên họ được ăn. Hương linh đó có thể là thân nhân quyến thuộc của mình, họ nhờ đó, họ bớt khổ và họ tiến tu, họ thoát nghiệp ngã quỷ. 

Vi-sao-Duc-Phat-khuyen-khich-Phat-tu-tai-gia-lam-giau-7

Thứ nữa, họ có thể hỗ trợ cho mình, chính những hương linh này, các loài ngạ quỷ này mà mình bố thí cho họ thì họ lại ủng hộ cho mình. Cho nên, chính trong kinh Phật dạy, không những chúng ta hiến cúng cho bà con, anh em mà chúng ta còn có thể cúng cho các hương linh, những hương linh đã mất. Những người đã mất mà ta cúng cho họ, họ được phước báu. Chúng ta hiến cúng cho vua và cho cả chư Thiên, cúng cho chư Thiên họ cũng hộ trì cho mình.

Từ lời giảng của Đại đức có thể thấy, nếu có tiền của để cúng vua và chư Thiên, cho hương linh người thân đã mất thì không chỉ quyến thuộc được phước báu, no đủ mà bản thân mình cũng được lợi lạc, được các chúng hộ trì, giúp đỡ.

5. Làm giàu để cúng dường Tam Bảo

Lý do cuối cùng mà Đức Phật khuyến khích Phật tử tại gia làm giàu đó là: "Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Vị ấy tổ chức cúng dường các vị Sa Môn, Bà La Môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gây dựng tài sản".

Đại đức giảng giải: "Người này có của, có tài sản, đem của, đem tài sản này, cúng dường cho các vị Sa Môn, các vị Bà La Môn, những người xuất gia, những người tu hành thì sự cúng dường này là sự cúng dường rất cao quý, trong đây Phật gọi là cúng dường tối thượng. Sự cúng dường này sẽ đưa đến cho họ phước báu vô lượng ở cõi người và cõi trời”.

Đại đức cũng chia sẻ câu chuyện về ông Cấp Cô Độc, là người cư sĩ tại gia rất gần gũi với Đức Phật. Người này đã mua đất, dát vàng, xây Tịnh xá cúng dường Đức Phật và Tăng chúng. Không chỉ vậy, ông còn nấu cơm, nấu cháo phát cho người nghèo khó, cô độc. Cho nên, danh hiệu Cấp Cô độc cũng từ đó mà có, tên của ông gắn liền với hạnh bố thí. Bởi chăm làm những việc lành thiện nên khi bỏ báo thân, ông được sinh lên cõi trời Đao Lợi.

Xem thêm: Phật dạy: 9 cách cải biến vận mệnh, hóa giải bất hạnh, tìm lại bình yên

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận