Vì sao chùa Ngọc Hoàng là nơi cầu con, cầu duyên linh thiêng nhất Sài Gòn?

Chùa Ngọc Hoàng (hay chùa Phước Hải Tự) là ngôi chùa mang kiến trúc Trung Hoa vô cùng linh thiêng cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Rất nhiều người đến đây cầu tự, cầu duyên đã linh ứng.

Đỗ Thu Nga
23:22 04/01/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chùa Ngọc Hoàng tọa lạc ở đâu?

Chùa Ngọc Hoàng tọa lạc ở số 73, đường Mai Thị Lựu (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ở thế kỷ trước, người Pháp gọi chùa Ngọc Hoàng là "chùa Đa Kao" nhưng đến năm 1984 thì đổi thành "Phước Hải tự". Song cái tên chùa Ngọc Hoàng vẫn được người dân trong nội thành sử dụng. 

Chùa Ngọc Hoàng nằm ở trung tâm quận 1 nên thu hút rất đông phật tử về dâng hương cũng như du khách trong và ngoài nước. Chùa Ngọc Hoàng mở cửa mỗi ngày để đón du khách, Phật tử. Mặc dù nằm ở trung tâm Sài Gòn nhưng chùa luôn giữ được vẻ trầm tư, yên tĩnh, không vướng bụi trần. 

vi-sao-chua-ngoc-hoang-linh-thieng-nhat-sai-gon
Bên ngoài chùa Ngọc Hoàng ở quận 1, TP Hồ Chí Minh

Theo sử sách, chùa Ngọc Hoàng được xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Ngôi chùa này do một người Trung Quốc thiết kế và xây dựng theo phong cách kiến trúc Trung Quốc. Đây là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất tại TP Hồ Chí Minh. 

Trải qua hơn 1 thế kỷ, chùa Ngọc Hoàng vẫn giữ được vẻ trầm mặc của mình. Cho đến nay, chùa đã được Nhà nước công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. 

Theo người quản lý, ngôi chùa có tổng diện tích 2.300m2. Chùa được xây bằng gạch nung, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Phía trước cửa chùa là cổng tam quan với đường nét uốn lượn hình sóng nước hai con rồng theo thế "tranh châu".

vi-sao-chua-ngoc-hoang-linh-thieng-nhat-sai-gon
Một phần kiến trúc của chùa Ngọc Hoàng

Ở giữa sân chùa là một bể cá rộng khoảng 50m2 với nhiều loại cá khác nhau. Bên trong bể là rùa được người đến khấn nguyện thả vào. Bên trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật như tranh thờ, tượng thờ, hương án... làm bằng gỗ và gốm rất độc đáo. Cũng theo người quản lý, đây là ngôi chùa duy nhất tại Việt Nam sở hữu các bức tượng giấy bồi thể hiện các cuộc họp mặt của các vị thánh thần về chầu Ngọc Hoàng. 

Trong 300 bức tượng trong chùa thì có đến gần 100 bức tượng được làm hoàn toàn từ giấy bồi. Chỉ với giấy bồi và nan tre, các nghệ nhân đã đắp thành những bức tượng sống động, oai nghiêm nhưng không kém phần hiền hòa, an yên. Trải qua bao nhiêu năm nhưng những bức tượng không hề in dấu thời gian, vẫn nguyên vẹn như ngày mới được đắp. 

Phần chính điện của chùa Ngọc Hoàng thờ Ngọc Hoàng thượng đến với các thiên binh, thiên tướng; Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ tát. Ngoài ra còn có một số tượng là những nhân vật huyền thoại trong Kinh Phật như: Môn quan (thần cửa), thần Thổ địa, Phật Mẫu, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Di Lặc, Phật Dược Sư, Phật Như Lai, Ông Bắc Đế, Thiên Lôi...

vi-sao-chua-ngoc-hoang-linh-thieng-nhat-sai-gon
Chim bồ câu trong chùa Ngọc Hoàng

Chùa Ngọc Hoàng còn thờ Thành hoàng, Khán Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), Kim Hoa Thánh Mẫu, 12 bà mụ. Các pho tượng thờ trong điện thờ Ngọc Hoàng cũng là những tác phẩm điêu khắc gỗ đẹp.

Nhìn từ bên ngoài, chùa Ngọc Hoàng được bao bọc dưới tán lá của cây đa cổ thụ trăm tuổi, tạo nên vẻ cổ kính, thanh tịnh giữa lòng thành phố phồn hoa. Hiện nay, chùa Ngọc Hoàng không chỉ đón khách trong nước mà còn đón khách nước ngoài. Cách đây không lâu, chùa được cựu Tổng thống mỹ Obama đến thăm. 

Truyền thuyết về ngày Thánh Đản ở chùa Ngọc Hoàng

Theo truyền thuyết, ngày 9/1 Âm lịch là ngày Thánh Đản, Ngọc Hoàng tự thân giáng hạ nhân gian. Theo hầu có nhiều vị thần tiên, Kim Đồng Ngọc Nữ và 7 vạn thiên binh thiên tướng, Thần Tài, Văn Xương, Tử Vi Đại Đế, Nam Tào Bắc Đầu, Thái Ất Chân Nhân, Chú Sinh Nương Nương, Phúc Lộc Thọ….Các vị thần tiên đang cai quản dưới hạ giới như : Thổ Công Táo Quân, Địa Phủ, Thành Hoàng, Thổ Địa, các vị thần sông, thần núi, thần đường, thần giếng, thần của, vua bếp, thần cây…. đều chờ đón để nghinh thỉnh Ngọc Hoàng hạ phàm đầu năm định xét phúc tội.

Theo lệnh của Ngọc Hoàng, các vị thần tiên sẽ xá tội, ban phúc cho 10 phương, 6 cõi, nên tất cả nhân gian trong Tam giới làm lễ nghinh thỉnh Ngọc Hoàng và cầu phúc. Chính vì lẽ đó mà các Đền, Miếu, Quán, Thành Hoàng các nơi dâng 18 món ăn và tấu sớ cầu mong Ngọc Hoàng xá tội, ban phúc. 

vi-sao-chua-ngoc-hoang-li
Thánh Đản là một trong những ngày lễ quan trọng của chùa Ngọc Hoàng

Những nhà có người thân mới mất có nhiều oan trái, chết giữa đường giữa chợ, chết nơi đất khách quê người hoặc nhà tổ tiên nghiệp nặng thì sẽ dâng sớ làm lễ cầu xin Ngọc Hoàng xá tội, ban phúc. Phù cho tất cả mọi sinh linh đang sinh sống trên nhân gian được an khang, đò đầy mãn quả.

Khi đạo Cao Đài đang trong giai đoạn hình thành, chùa Ngọc Hoàng đã được xem là một trong những đàn cơ phổ độ quan trọng. Có tài liệu nói rằng, bài kinh Ngọc Hoàng hay Đại La Thiên Đế được thịnh từ nơi này. 

Một số thông tin cho rằng, sau khi người Hoa bỏ dần Ngọc Hoàng Điện thì các nhà sư Phật giáo sử dụng chùa Ngọc Hoàng làm nơi tế tự. Sau đó, Ngọc Hoàng Điện gia nhập vào hệ thống chùa Phật giáo.

Đến năm 1984, Ngọc Hoàng Điện được đổi thành chùa Phước Hải Tự. Tuy nhiên, người dân vẫn gọi chùa là chùa Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng Điện được xem là một trong những di tích thời khai đạo của đạo Cao Đài mặc dù nó vẫn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý.

Vì sao chùa Ngọc Hoàng là nơi cầu con, cầu duyên linh thiêng nhất Sài Gòn?

Chùa Ngọc Hoàng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn. Tất nhiên, chùa Ngọc Hoàng không phải được xây dựng để cầu tự, cầu duyên. Nhưng thực tế cho thấy, có người có con, có người yêu sau khi cầu khấn tại chùa Ngọc Hoàng. Và không biết tự bao giờ chùa Ngọc Hoàng đã trở thành chốn linh thiêng về cầu tự, cầu duyên.

Cầu tự tại chùa Ngọc Hoàng thiêng thế nào?

Rất nhiều các cặp vợ chồng hiếm muộn đã đến chùa Ngọc Hoàng để cầu tự (cầu con). Các cặp vợ chồng sẽ chuẩn bị lễ, sớ đến đền thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ.

Kim Hoa Thánh Mẫu theo quan niệm dân gian là vụ thần coi sóc việc sinh con đẻ cái trên dương thế. Các cặp vợ chồng đến chùa Ngọc Hoàng cầu con được đeo vào cổ tay một sợi chỉ màu đỏ. Nếu cầu con trai thì khấn nguyện xong treo vòng chỉ vào các bức tượng bên phải, cầu con gái thì treo bên trái.

Sau đó xoa vào bụng của bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng của mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng tượng trẻ con dưới chân bà mụ 3 cái, rồi xoa vào bụng mình 3 cái.

Nếu khấn vái đạt được mong ước thì sau đó mua trái cây, nhang đền, hoa tươi đến cúng tạ lễ Mẹ. Khi con đầy tháng thì mang xôi chè đến cúng lần nữa. 

vi-sao-chua-ngoc-hoang-linh-thieng-nhat-sai-gon
Điện Kim Hoa - nơi thờ tự Thánh Mẫu và 12 bà mụ

Văn khấn cầu tự tại chùa Ngọc Hoàng:

“Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật

Kính lạy đức Ngọc Hoàng Thượng Đế

Kính lạy đức Cửu trùng Thanh Vân lục cung Công chúa

Kính lạy đức Thiên tiên Quỳnh Hoa Mẫu Liễu Hạnh

Kính lạy đức Đệ Nhị Bà Chúa Sơn Lâm Mẫu Thượng Ngàn

Kính lạy đức Đệ Tam Mẫu Thoải

Con tên là:…………………….Ngụ tại:………………………………..

Hôm nay là ngày (Theo âm lịch):…………………………………. Con đến chùa (hoặc đề, phủ…):……… thành tâm kính lễ cầu xin Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải xót thương cho con vì nay nhân duyên cho hôn nhân trăm năm chưa đến mà ban cho con duyên lành như ý nguyện trong nay mai, để rồi cho con được sinh trai, sinh gái đầy nhà vui vẻ khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, mãi mãi bình an khang thái.

Con nay lễ bạc tâm thành trước các Mẫu, cúi xin được phù hộ độ trì để có nhân duyên như sở nguyện.

Nam mô A di đà Phật.

Cẩn cáo”

Chùa Ngọc Hoàng cầu duyên linh thiêng thế nào?

Rất nhiều các bạn trẻ ở khắp mọi miền tổ quốc đã về chùa Ngọc Hoàng cầu duyên. Và theo tín ngưỡng dân gian, chỉ cần  thành tâm thắp hương, khấn tên mình, sau đó tên "người trong mộng" rồi sờ vào tượng ông Tơ, bà Nguyệt, Thánh mẫu để ông Tơ, bà Nguyệt se duyên là được.

vi-sao-chua-ngoc-hoang-linh-thieng-nhat-sai-gon
Giới trẻ Sài Gòn đi cầu duyên tại chùa Ngọc Hoàng

Văn khấn cầu duyên tại chùa Ngọc Hoàng:

“Nam mô A di đà Phật (3 lần), con xin cúi lạy Ngọc Hoàng Thượng Đế, lạy đức Thiên tiên Quỳnh Hoa Mẫu Liễu Hạnh, đức Cửu trùng Thanh Vân lục cung Công chúa, kính lạy đức Đệ Tam Mẫu Thoải.

Tín chủ con là (nêu họ tên) hiện ngụ tại (nêu rõ địa chỉ), hôm nay là ngày, tháng, năm (âm lịch). Nay con tới chùa( đền, phủ) cầu xin các mẫu thương xót. Nhân duyên con hiện chưa tới, mong các mẫu ban cho con duyên lành như ước nguyện. Ban cho con mối lương duyên, thiện duyên tốt lành. Để rồi sinh con trai, gái đầy nhà, bình an mãi mãi.

Con xin dâng lễ bạc kính mong các Mẫu chứng giám và phù hộ độ trì để có nhân duyên như sở nguyện.

Nam mô A di đà Phật

Cẩn cáo”

Ngoài cầu tự, cầu duyên, chùa Ngọc Hoàng còn là điện thờ Phật Dược Sư để khách đến cầu sức khỏe, điện Thần Tài để cầu tài, lộc và điện Đức Quan Thế Âm được đặt trên lầu.

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận