Cá voi lưng gù - "thần hộ mệnh" có trái tim thuần khiết, dám đại chiến với "hung thần" đại dương để bảo vệ các loài khác
Cá voi lưng gù sống giữa lòng đại dương với quan niệm "thà cứu nhầm còn hơn bỏ sót". Đã không ít lần chúng sẵn sàng đối đầu với "hung thần" đại dương - cá voi sát thủ để bảo vệ hải cẩu, cá mặt trăng và nhiều loài khác.
Cá voi lưng gù (tên khoa học là Megaptera Novaeangliae) được phát hiện lần đầu vào năm 1756 bởi nhà khoa học Mathurin Jacques Brisso. Năm 1804, dòng cá này chính thức được xếp vào chi Balaenidae và được đổi tên thành B.Jubartes. Năm 1932, nhà khoa học Kellogg chính thức đổi thành tên cá thành Megaptera Novaeangliae và được sử dụng đến ngày nay.
Cá voi lưng gù có kích thước khổng lồ, nếu không muốn nói là to nhất nhì đại dương. Cá trưởng thành nặng 30 - 36 tấn, chiều cao cơ thể từ 12 - 16 mét. Cá voi lưng gù là loài sinh vật vô cùng đáng yêu của đại dương, chúng làm tất cả mọi điều có thể để bảo vệ những loài sinh vật bé nhỏ sống quanh mình trước "hung thần" đại dương - cá voi sát thủ.
Cặp "kỳ phùng địch thủ" của đại dương
Vào tháng 5/2012, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một bầy cá voi sát thủ tấn công một con cá voi xám và con của nó ở khu vực Vịnh Monterey, California (Mỹ). Sau một hồi vật lộn, con cá voi không qua khỏi. Song điều xảy ra tiếp theo mới làm họ thấy hết sức bất ngờ.
Hai con cá voi lưng gù đã có mặt tại "hiện trường" khi cá voi sát thủ tấn công hai mẹ con cá voi xám. Nhưng sau khi con con bị hại, khoảng 14 con cá voi lưng gù khác xuất hiện. Đây dường như là một đội quân "chi viện" nhằm ngăn các "hung thần" đại dương ăn thịt con cá voi non.
Alisa Schulman-Janiger, một nhà nghiên cứu cá voi tại Dự án Cá voi Sát thủ California miêu tả lại tình huống lúc đó: "Một con cá voi lưng gù giữ nguyên vị trí bên cạnh thi thể con cá voi non, đầu hướng về nó, đứng cách chỉ một thân cá, kêu lớn và đập đuôi mỗi lần có một con orca tiếp cận nhằm ăn mồi".
Trong vòng hơn 6 tiếng đồng hồ, những con cá voi lưng gù đã kiên trì "trấn giữ" và xua đuổi đám cá voi sát thủ bằng vây chèo và đuôi của nó. Kể cả khi những đàn nhuyễn thể dày đặc xuất hiện ở gần đó - món ăn khoái khẩu của cá voi lưng gù - chúng vẫn không từ bỏ nỗ lực hay hạ thấp cảnh giác.
Các nhà khoa học không hiểu vì sao cá voi lưng gù lại sẵn sàng đối diện với nguy hiểm và tiêu tốn quá nhiều năng lượng để vệ một loài khác. Tuy nhiên, từ năm 1954 đến 2016, đã có 115 trường hợp chạm trán được ghi nhận giữa cá voi lưng gù và người họ hàng của nó là cá voi sát thủ, theo nghiên cứu được đăng trên báo Marine Mammal Science.
Theo Schulman-Janiger, hành vi bảo vệ trên đã lặp lại ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới nhưng màn đối đầu năm 2012 có lẽ là căng thẳng nhất từng thấy.
Cá voi lưng gù - "thần hộ mệnh" của đại dương
Có không ít nghiên cứu về lý do cá voi lưng gù sẵn sàng bảo vệ các loài khác trong đại dương. Nhưng cách giải thích hợp lý nhất về mặt sinh học đó là, cá voi lưng gù nhận được 1 lợi ích nào đó. Các nhà khoa học cho biết, mặc dù có quan hệ sinh học khá gần gũi, cá voi sát thủ lại rất ưa thích việc săn cá voi lưng gù.
Tuy nhiên, cơ may của các "hung thần" đại dương chỉ tồn tại khi loài vật khổng lồ kia còn nhỏ. Một khi đã trưởng thành, cá voi lưng gù có thể áp chế cả một đàn cá voi sát thủ với kích cỡ và sức mạnh vượt trội.
Chính vì thế, hành động bảo vệ của chúng có thể bắt nguồn từ bản năng giúp đỡ các con non tồn tại qua giai đoạn yếu đuối nhất. Đôi khi, cá voi lưng gù sẽ bảo vệ các con non cùng loài bởi lẽ chúng có tập tính sống gần nhau nếu có quan hệ huyết thống - cá voi con trưởng thành thường ở gần nơi sinh sống của mẹ nó.
Nhưng vấn đề là, trong số các cuộc chạm trán với "hung thần" đại dương trong 5 thập kỷ qua, chỉ có 11% số lần là để bảo vệ các con cá voi lưng gù con. 89% còn lại, chúng hóa thân thành "thần hộ mệnh" của đại dương để bảo vệ hải cẩu, sư tử biển, cá heo chuột và nhiều loài động vật khác. Thậm chí còn có trường hợp cá voi lưng gù cố gắng cứu một cặp cá mặt trăng khỏi trở thành "bữa khai vị" cho bầy cá voi sát thủ.
Tuy nhiên, Schulman-Janiger chỉ ra một dấu hiệu vô cùng thú vị. Không phải mọi cá voi lưng gù đều can thiệp vào công việc săn mồi của cá voi sát thủ. Nhưng những con có làm thế thì rất nhiều con có mang sẹo từ thời bé - khi chúng phải chống lại orca để sinh tồn. Phải chăng có một yếu tố tâm lý nào đó ở đây khiến chúng "không ưa" những kẻ khát máu và chọn đứng về phe yếu?
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những con cá voi lưng gù này phản ứng với tiếng gọi bầy của cá voi sát thủ và lao đến can thiệp; nhiều khi, chúng không biết nạn nhân là loài nào sau khi đã dành rất nhiều năng lượng bơi đến giải cứu. Có vẻ như cá voi lưng gù tin rằng "thà cứu nhầm còn hơn bỏ sót", nếu nạn nhân được giải cứu là con non của nó thì càng tốt, không thì cũng chẳng sao cả.
Cá voi lưng gù - "cứu hộ viên" của con người giữa đại dương
Không chỉ bảo vệ các loài sinh vật trong lòng đại dương, cá voi lưng gù còn bảo vệ con người. Cách đây vài năm, bà Nan Hauser - nhà sinh vật học có đam mê vô tận với đại dương đã được cá voi lưng gù cứu.
Khi đang ở Nam Thái Bình Dương cùng đội thám hiểm, bà thấy cá voi lưng gù lại gần. Ban đầu, Hauser tỏ ra khá hào hứng, nhưng sau đó cô bắt đầu nhận thấy có gì đó bất ổn, con cá voi lưng gù ngày càng tiến gần hơn vào người cô khiến Hauser lo lắng cho sự sống của mình có thể bị đe dọa. Khi ấy các đồng nghiệp đứng trên thuyền nghiên cứu gần đó cũng tỏ ra rất sợ hãi. Họ đã dừng tất cả các cảnh quay bằng flycam lại vì không muốn quay lại cái chết của đồng nghiệp mình.
“Tôi đã cố gắng tránh xa con cá voi vì sợ rằng nếu nó đâm vào tôi quá mạnh, hoặc đập vào tôi bằng vây và đuôi của nó thì chắc chắn xương và nội tạng của tôi sẽ bị vỡ ngay. Còn nếu nó giữ tôi dưới vây của nó thì tôi sẽ bị chết đuối. Tôi cố kiềm lại để không thể hiện nỗi sợ của mình vì tôi hiểu rằng nó sẽ biết điều đó. Tôi luôn cảm thấy có mối quan hệ rất gần gũi với động vật, vì vậy mặc dù rất lo lắng, nhưng tôi vẫn cố giữ bình tĩnh và tìm cách thoát khỏi nó”, Hauser tường thuật lại khoảnh khắc đáng sợ đó.
Nhưng mặc kệ mọi sự cố gắng của Hauser, con cá voi vẫn không ngừng đẩy và không để cô thoát. Phải mất hơn 10 phút căng thẳng như thế, con cá voi này mới bắt đầu dừng lại. Khi đó bà mới phát hiện rằng, hóa ra không phải chỉ mình cá voi lưng gù đang có mặt ở đó. Cách một đoạn không xa, một con cá mập hổ dài khoảng 4,57 mét cũng đang ẩn nấp. Nếu bị nó tấn công, chắc chắn Hauser sẽ không thể sống sót.
Hauser nhận ra rằng con cá voi khổng lồ này thực chất đang cố bảo vệ cô khỏi bị cá mập tấn công. Ngoài ra, còn một con cá voi khác đang tát nước bằng đuôi để cố gắng chuyển hướng cá mập tránh xa khu vực có Hauser.
“Tôi đã trải qua 28 năm dưới nước với cá voi, và chưa bao giờ có một con cá voi nào cứ khăng khăng đòi đặt tôi lên đầu, bụng, lưng và cố gắng nhét tôi dưới vây ngực khổng lồ của nó".
Thậm chí đến khi Hauser an toàn trở lại thuyền của mình, cá voi vẫn liếc nhìn trên mặt nước để dõi theo Hauser, có lẽ chúng muốn đảm bảo rằng cô ấy đã có thể an toàn thật sự.
Cá voi lưng gù - một "trái tim thuần khiết" của đại dương
Một số chuyên gia về cá voi tin rằng, động cơ của chúng có phần phức tạp, liên quan đến lòng vị tha. Cụ thể, Lori Marino, một chuyên gia về trí thông minh của bộ Cá voi nói: "Mặc dù hành động này rất thú vị, tôi không nghĩ việc một thành viên bộ Cá voi giúp đỡ một loài khác là điều gì quá bất ngờ".
Nhà nghiên cứu này cũng cho biết, cá voi lưng gù là loài vô cùng thông minh, có khả năng tư duy phức tạp, ra quyết định, giải quyết vấn đề và giao tiếp. Nên bà luận giải rằng, trí thông minh như vậy đủ khiến chúng có những phản ứng bác ái với các loài khác.
Điều này được củng cố bởi sự thật là loài cá voi lưng gù không phải động vật thông minh duy nhất làm "thần hộ mệnh" cho các loài khác. Cá heo cũng nhiều lần được báo cáo là đã hỗ trợ chó, cá voi và thậm chí cả người khỏi hiểm nguy.
Dù cá voi lưng gù có trở thành "hộ mệnh" đơn giản vì lợi ích sinh học hay vì trí thông minh và trái tim thuần khiết thì một điều quan trọng là chúng ta vẫn cần học hỏi, nghiên cứu thêm rất nhiều về những sinh vật diệu kỳ này của đại dương.
Cá voi lưng gù - "ca sĩ" của đại dương
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland (Úc) tin rằng cá voi có khả năng học các bài hát phức tạp từ các vùng khác nhau. Chỉ những con cá voi đực mới hát và chúng có các giai điệu hát khác biệt thay đổi hằng năm, theo đài ABC của Úc.
Có khoảng 40.000 con cá voi lưng gù di cư hàng năm dọc theo bờ biển phía đông của Úc. Cô Jacinta Shackleton - hướng dẫn viên về rạn san hô của đảo Lady Elliot nói rằng, chúng ta chỉ cần áp nhẹ nhàng tai của mình xuống mặt nước thì sẽ nghe thấy chúng hát.
Các bài hát của cá voi lưng gù thay đổi hằng năm. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland, bao gồm cả trưởng nhóm nghiên cứu, cô Jenny Allen, đã phát hiện ra các quần thể cá voi lân cận đang học các giai điệu riêng biệt của nhau.
Nghiên cứu đã kiểm tra các bài hát của cá voi lưng gù đực từ miền đông nước Úc và New Caledonia từ năm 2009 đến năm 2015 để giải mã cách thức truyền tải văn hóa giữa các quần thể.
Tiến sĩ Allen cho biết những con cá voi học hỏi nhanh chóng và có độ chính xác đáng kể. "Cả hai quần thể đều có chung một tuyến đường di cư đi qua New Zealand trên đường đến Nam Cực, nơi kiếm ăn của chúng".
Tiến sĩ Allen cho biết có một số nơi giọng hát của chúng rất dễ nghe. "Khi cá voi đến khu vực sinh sản của chúng, xung quanh khu vực quần đảo Whitsundays, đó là nơi chúng sẽ hát nhiều nhất", cô nói.
Vịnh Hervey cũng là một điểm dừng chân quan trọng cho các "cá mẹ và cá con" trong chuyến hành trình trở về phía nam.
Tiến sĩ Allen cho biết: "Nếu bạn nhúng đầu mình xuống nước ở vịnh Hervey, bạn sẽ có cơ hội nghe được tiếng hát của cá voi. Mùa cao điểm ngắm cá voi là từ tháng 7 đến tháng 10.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết tại sao cá voi lại hát, nhưng họ tin rằng nó có thể liên quan đến giao phối và sinh sản.
"Con cái sẽ tạo ra âm thanh, nhưng chúng không hát, chỉ có những con đực mới hát", tiến sĩ Allen nói.
Cô Allen cho biết nghiên cứu đã giúp hiểu được cách các quần thể cá voi này tương tác và làm thế nào để bảo vệ chúng tốt hơn.
Xem thêm: Kình lạc - sự ra đi lãng mạn nhất thế gian: Không ngờ cái chết của cá voi lại ý nghĩa đến thế!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận