Về Hưng Yên ngắm vẻ đẹp thanh bình ở làng nghề tương Bần nổi tiếng trăm năm
Làng nghề tương bần ở Hưng Yên giờ đây vẫn lưu giữ được những nét truyền thống, giá trị văn hóa trăm năm của người Việt.
Từ xa xưa, tương Bần vốn là một đặc sản để tiến vua. Trong mâm cơm của các nhà quyền quý miền Bắc, tương bần là một thứ gia vị "thần thánh" để bữa cơm thêm tròn vị.
Tương ngon nhất, đậm vị nhất là phải là tương được người dân ở làng Bần (thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) làm. Tương Bần ở làng này nổi tiếng hàng trăm năm nay và từng đi vào văn thơ như:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Hay:
Em đi trăm quán ngàn cầu
Hải vị cũng thuộc, sơn hào cũng quen
Mà sao em vẫn cứ thèm
Đĩa rau muống luộc, lại thêm tương Bần
Theo những vị cao niên trong làng, tương Bần đã có từ lâu đời, nhưng không ai biết là người nào đã đưa tương Bần về với làng Bần.
Họ chỉ kể rằng: "Ngày xưa làng Bần thuần nông, nghèo lắm. Vào mùa hoa mướp, nhà nào cũng làm vài chùm tương Bần để dành ăn cả năm. Sau đó, đường quốc lộ 5 được mở ra, họ bắt đầu làm tương Bần để bán cho khách qua đường. Từ đó, người dân gần xa đều biết đến tiếng của tương Bần.
Hiện nay, làng nghề tương Bần Hưng Yên có khoảng 300 lao động theo nghề. Người dân làm nghề bây giờ đã áp dụng máy móc công nghiệp để tăng năng suất và chất lượng. Nghề làm tương tại Mỹ Hào đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người.
Đặt chân đến làng nghề truyền thống này, du khách sẽ bắt gặp cả dãy phố bán tương. Có nhiều quầy bán ngay tại nhà, có quầy thuê mặt bằng lớn. Tương Bần ở đây được các hộ gia đình có truyền thống làm nghề vài đời sản xuất.
Thời gian trung bình để nấu được một mẻ tương mất tầm 1 - 2 tháng. Thời gian tương bần đạt độ chín nhanh hay lâu còn tùy thuộc vào thời tiết. Nấu tương bần gồm 3 công đoạn chính là cho xôi lên mốc, ngả đỗ và ủ tương.
- Đầu tiên, người nấu sẽ cho nếp ngâm sạch rồi đem nấu chín thành xôi dẻo. Khi xôi chín thì xới ra nong, nia để 2 ngày e đêm cho đến khi mốc vàng. Nhiều hộ còn ủ xôi trong lá nhãn giúp nếp dậy mùi thơm.
- Tiếp đó sẽ lấy đỗ đi rang vàng. Ngày trước công đoạn này làm thủ công. Nhưng giờ có máy móc hiện đại thì làm dễ dàng hơn. Khi rang xong đỗ tương thì xay nhỏ rồi ngâm trong chum sành ngập nước trong khoảng 7 đến 10 ngày. Khi đỗ ngả sang màu vàng đỏ là được.
- Lấy nước đỗ tương ngâm trong chum sành tưới lên phần xôi nếp đã mốc thật đều rồi để 1 ngày 1 đêm. Đủ thời gian thì cho nếp vào chum đỗ cùng muối tinh và mang đi phơi nắng.
Nắng là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến mùi vị thơm ngon của tương làng Bần. Nắng càng to thì tương chín càng vàng, sánh. Nếu nắng yếu ớt sẽ bị xỉn màu, mùi thơm ít hơn và lâu ngấu. Vậy nên, mùa hè là thời gian vàng để làm tương Bần.
Tương Bần sẽ được phơi nắng khoảng 1 tháng. Trong thời gian này, người làm nghề phải theo dõi thường xuyên, hàng ngày phải mở nắp để khuấy đều và đổ thêm nước. Nếu trời mưa thì phải che lại để tránh nước mưa lọt vào trong.
Khi tương ngấu, người dân đem đóng chai, mang đi phân phối khắp năm châu bốn bể.
Xem thêm: Khoảnh khắc chiều tà đẹp như tranh vẽ ở ngôi chùa "dát vàng" Phúc Lâm, Hưng Yên
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận