Câu văn là một bộ phận tạo nên đoạn văn, từ đó xây dựng nên cả một văn bản. Chính vì thế, muốn viết một bài văn hay, đoạn văn ấn tượng thì chúng ta cần rèn luyện cách viết câu văn hay để sự diễn đạt trở nên sinh động, cụ thể, tạo nên dư âm, thu hút người đọc.
1. Muốn viết được câu văn hay, đầu tiên nó phải được viết đúng ngữ pháp Tiếng Việt. Chúng mình đừng vội vàng nghĩ đến những câu văn bay bổng mà quên đi những thành phần quan trọng bậc nhất để tạo nên một câu đúng, đủ nghĩa. Một câu văn đúng bao gồm đầy đủ chủ ngữ- vị ngữ, diễn đạt ý trọn vẹn, có dấu phẩy để ngắt ý và cuối câu có dấu chấm hết khi muốn kết thúc câu.
2. Các bạn cần viết câu linh hoạt, không theo công thức đơn điệu (Chủ ngữ - vị ngữ hoặc trạng ngữ - chủ ngữ - vị ngữ) nên thay đổi cấu tạo của câu. Ví dụ: Đối với câu “Trên sân trường, hoa cúc vàng rực.” Có thể viết: “Hoa cúc khoe màu vàng rực rỡ trong sân trường.” hoặc “Sân trường vàng rực màu hoa cúc”.
3. Để câu văn có hình ảnh, các bạn cần lưu ý sử dụng các từ ngữ gợi tả, gợi cảm và các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hoá, điệp ngữ, đảo ngữ… Các hình thức nghệ thuật này sẽ làm cho câu văn trở nên sinh động hơn rất nhiều. Ví dụ: “Những bông hoa hồng rất đẹp.” chúng ta viết thành “Trong khu vườn nhỏ, khi bác Mặt Trời thức dậy chiếu những tia nắng đầu tiên, những nàng Hồng vươn mình khoe sắc giống như những nàng công chúa.”. Câu văn trên ngoài chủ ngữ, vị ngữ còn có thêm trạng ngữ chỉ địa điểm (trong khu vườn nhỏ”, phép nhân hóa (bác Mặt Trời, nàng Hồng) và phép so sánh (giống như những nàng công chúa). Việc sử dụng thêm các thành tố này khiến câu văn mượt mà, bay bổng, tạo cho người đọc sự liên tưởng, tưởng tượng mình như đang ngắm một nàng công chúa vào một buổi sớm mai chứ không phải là một bông hoa.
4. Có thể diễn đạt bằng nhiều cách, cùng với một nội dung có thể viết diễn đạt bằng các câu khác nhau. Ví dụ với nội dung: “Con sông chảy qua một cánh đồng”, ta có thể diễn tả bằng nhiều cách như sau:
– Con sông nằm uốn khúc giữa cánh đồng xanh mướt lúa khoai. (Vẻ đẹp thuần tuý).
– Con sông khoan thai nằm phơi mình trên cánh đồng xanh mướt lúa khoai. (Vẻ đẹp khoẻ khoắn).
– Con sông hiền hoà chảy qua cánh đồng xanh mướt lúa khoai.( Vẻ đẹp hiền hoà).
– Con sông lặng lẽ giấu mình giữa cánh đồng xanh mướt lúa khoai.(Vẻ đẹp trầm tư).
– Con sông mềm như một dải lụa vắt ngang qua cánh đồng xanh mướt lúa khoai.(Vẻ đẹp thơ mộng)
Như vậy, ý của câu văn hoàn toàn phụ thuộc vào ngụ ý của người viết .Với mỗi một cách diễn đạt khác nhau lại cho một giá trị biểu cảm khác nhau.
5. Sử dụng từ nối một cách hợp lí sẽ khiến lời văn được diễn tả hết ý hay ngắt ý đúng nơi, đúng chỗ tạo thiện cảm cho người đọc. Từ nối có vai trò nối các từ, vế câu và các câu lại với nhau tạo thành những câu ghép, câu nhiều thành phần. Từ nối cũng liên kết các đoạn văn trong một bài tập làm văn lại với nhau, khiến toàn bài có sự liên kết chặt chẽ và logic. Người đọc dễ nắm bắt và hiểu được ý triển khai của người viết. Một số từ nối khi sử dụng khiến bài văn mềm mại, nhịp nhàng hơn như: “và”, “bên cạnh đó”, các cặp quan hệ từ “tuy… nhưng…”, “nếu… thì…”.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: “Đừng sống theo điều ta ước muốn. Hãy sống theo điều ta có thể”