Chuyện Tướng quân Cao Lỗ và cây "nỏ thần" huyền thoại thời An Dương Vương

Tướng quân Cao Lỗ không chỉ là linh hồn của sự đoàn kết thống nhất các bộ tộc người Việt để mở mang bờ cõi, mà còn tạo ra sức mạnh để chống lại các cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Sự đồng tâm nhất trí của cả dân tộc đã làm nên một Loa thành huyền thoại và sức mạnh của "nỏ thần" chiến thắng quân xâm lược.

Đỗ Thu Nga
10:31 05/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đôi nét về sự nghiệp cầm binh của Tướng quân Cao Lỗ

Cao Lỗ (277 TCN - 179 TCN), còn gọi là Cao Thông, Đô Lỗ, Thạch Thần hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần. Ông là một vị tướng tài thời Thục Phán An Dương Vương. Quê ông ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (ngày nay). 

Tướng quân Cao Lỗ từng làm bộ hạ của Hùng Vương thứ 18, nhưng không được trọng dụng. Khi Âu Việt xâm lược Văn Lang, phò mã Nguyễn Tuấn từ trận, vua Hùng phải tự tử. Ông chán nản bỏ vào rừng sống ẩn dật.

Sau này Thục Phán An Dương Vương giết được danh tướng Đồ Thư, đánh bại 50 vạn quân Tần, ông mới vì cảm phục mà xuất sơn ra phụ giúp An Dương Vương. 

Về phần mình, An Dương Vương cũng vô cùng coi trọng tài năng của Cao Lỗ. Hình tượng Cao Lỗ chính là sự huyền thoại hóa sức mạnh tồn tại và phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ dựng nước và giữ nước.

Cao Lỗ được trao quyền phụ trách huấn luyện đội quân cung nỏ của triều đình. Hàng vạn quân sĩ Âu Lạc, dưới sự chỉ đạo của ông đã ngày đêm luyện tập, làm vũ khí mới, lợi hại hơn. Sau dịp ngự lãm tướng sĩ luyện tập cung nỏ, An Dương Vương mãn ý, trao cho Cao Lỗ làm tướng quân giữ trọng trách trấn giữ cửa Bắc - cửa xung yếu nhất của kinh thành Cổ Loa.

Chính đội quân cung nỏ thiện chiến của tướng quân Cao Lỗ đã làm khiếp đảm những cánh quân của Triệu Đà khi xâm phạm vào Cổ Loa.

Tuong-quan-Cao-Lo-va-cay-no-than-huyen-thoai-thoi-An-Duong-Vuong
Thành Cổ Loa

Khi Triệu Đà dùng mưu chước cầu hôn, xin cho con trai sang ở rể, nhiều người trong đó có Cao Lỗ đã nhìn rõ quỷ kế này của Đà và dũng cảm can An Dương Vương: “Nó mượn cớ cầu hòa, kết hôn để dùng mưu cướp nước ta!”.

An Dương Vương không nghe lời phải. Cao Lỗ đã cử người giám sát chặt chẽ Trọng Thủy. Nhưng viên Lạc hầu giữ của Đông ghen tài Cao Lỗ, nhận tiền mua chuộc của cha con Triệu Đà, đã gièm pha, xúc xiểm Cao Lỗ với An Dương Vương. Từ đó vương ngày một đối xử bạc bẽo với Cao Lỗ. Chẳng còn con đường nào khắc để mang tâm huyết tài trí giúp dập, bảo vệ triều đình, đất nước, Cao Lỗ đành phải rời bỏ triều đình. Trước khi đi, Cao Lỗ nói với vua: “Giữ được nỏ thần thì giữ được nước, mất nỏ thần thì mất nước”.

Hay tin quân Triệu Đà tấn công kinh thành, Cao Lỗ đã quay về Cổ Loa để bảo vệ vua, bảo vệ thành. Sức yếu, thân cô, cố sức xông pha trận mạc để mở đường cho An Dương Vương, Ông đã gục ngã  trên chính mảnh đất Cổ Loa.

Tấm bia Thần tích bi ký được lập vào năm Khải Định 6 (1921) tại làng Tiên Hội (Đông Anh, Hà Nội) còn cho biết thêm Cao Lỗ là vị tướng có tài được An Dương Vương phong làm thống lĩnh toàn quân và đóng đại bản doanh tại Vũ Ninh. Một ngày kia, khi hành quân qua đây, được dân làng cung kính nghênh bái. Nhân thấy phong cảnh nên thơ, hình thế đất đẹp bèn dừng chân hạ trại, lập hành cung và tỏ ý sau này thác đi dùng làm nơi an nghỉ.

Tương truyền, điếm xóm Chùa thuộc xã Cổ Loa hiện nay trước kia là một trạm gác, có thể được xây dựng cùng thời với đình Ngự triều di quy. Sau  khi tướng Cao Lỗ chết, do có công chế tạo nỏ thần nên ông được xóm Chùa thờ làm thành ông hoàng và thờ  tại điếm ấy. Có ý kiến cho rằng ngôi miếu cửa Bắc mới được xây dựng lại, nằm trên vòng Thành Trung đoạn phía Bắc, giáp giới giữa xóm Bãi và xóm Thượng, cạnh con đường nhựa từ Cổ Loa lên Uy Nỗ là nơi thờ Cao Lỗ.

Ông không chỉ là linh hồn của sự đoàn kết thống nhất các bộ tộc người Việt để mở mang đất nước mà còn để tạo ra sức mạnh đủ để chống lại các cuộc xâm lăng từ phương bắc. Sự đồng tâm nhất trí của cả dân tộc đã làm nên một Loa thành huyền thoại và sức mạnh của “nỏ thần” chiến thắng quân xâm lược.

Huyền sử vẫn lung linh

Dù cho thời dựng kinh đô Cổ Loa của Âu Lạc chưa được ghi chép lại bằng văn bản nhưng nhân dân vẫn nhớ đến tướng tài Cao Lỗ qua Huyền thoại nỏ thần lung linh trong tâm thức mỗi người Việt từ thủa ấu thơ. Tướng quân Cao Lỗ và cây “nỏ thần” huyền thoại đã “bước dần” ra từ vùng huyền sử để trở thành một biểu tượng khẳng định những giá trị trường tồn của truyền thống, tinh thần, văn hóa dân tộc.

Quốc gia Âu Lạc ra đời (cuối thế kỷ III trước Công nguyên) là kết quả của quá trình dung hợp hòa bình Lạc Việt và một phần Tây Âu. Cư dân của hai tộc này đã cùng giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết chống lại sự uy hiếp mạnh mẽ của thế lực ngoại bang.

TrongTrong 30 năm, kinh tế Âu Lạc nhanh chóng phát triển, lúa nước được trồng trên diện tích rộng lớn ở châu thổ sông Hồng và sông Mã, đem lại số lương thực dự trữ dồi dào.

Tuong-quan-Cao-Lo-va-cay-no-than-huyen-thoai-thoi-An-Duong-Vuong -7

Âu Lạc lại có vũ khí hiện đại đương thời. Tất cả đặt trên một văn hóa bản địa Đông Sơn rực rỡ. Ở khu vực Cổ Loa các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều loại công cụ lao động và vũ khí thuộc thời đại Đông Sơn, trong đó trống đồng là hiện vật tiêu biểu.

Người Âu Lạc đã lựa chọn được một thủ lĩnh tài ba của mình là Thục Phán – An Dương Vương. Sát cánh trợ giúp đắc lực cho An Dương Vương trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước Âu Lạc là tướng quân Cao Lỗ với cây “nỏ thần” huyền thoại. Thứ vũ khí thần diệu này tương truyền được làm từ móng rùa thần.

Sách Lĩnh Nam chích quái ghi : “Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt làm lẫy”. Còn theo Việt sử lược : Cao Lỗ “làm được nỏ liễu, mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên”. Hàng ngày Cao Lỗ huấn luyện cho binh sĩ tập bắn nỏ. Ông “dạy được một vạn quân lính”. Nơi An Dương Vương xưa thường xem tập bắn nay còn dấu tích Ngự xạ đài.

Cao Lỗ - Thần tướng của tri thức Việt

Cao Lỗ là ai mà được An Dương Vương giao trọng trách chế tạo loại vũ khí đặc biệt này và chịu trách nhiệm huấn luyện quân sĩ ? Theo Thần tích làng Đại Than (nay thuộc huyện Gia Bình, Bắc Ninh): Quê ông ở làng Đại Than, châu Vũ Ninh, Khi An Dương Vương dựng nước Âu Lạc, Cao Lỗ từ biệt cha mẹ, làng quê thân yêu, mang tài năng ra giúp nước.

An Dương Vương cùng Cao Lỗ chọn Cổ Loa làm nơi định kinh đô. Nhà vua tin tưởng giao cho Cao Lỗ toàn quyền chỉ huy quân đội và chỉ huy công việc xây đắp thành lũy. Thành xây xong, Cao Lỗ lại được vua “giao nhiệm vụ” chế “nỏ thần”. Nỏ “thần” được chế thành công và người chế nó cũng được phong “thần”. Theo Việt sử lược:

“Lúc đó An Dương Vương có người thần tên là Cao Lỗ, làm được nỏ liễu, mỗi lần giương bắn ra được mười mũi tên”. Các sách khác còn phóng đại uy lực của “nỏ thần” Cổ Loa lên nhiều lần : Giao Châu ngoại vực ký của Trung Quốc ghi : “Mỗi phát giết được ba trăm người”; sách Nam việt chí thì viết: “Bắn một phát giết chết quân Nam Việt hàng vạn người, bắn ba phát giết ba vạn người”; còn sách Việt kiệu thư lại ghi là: “Mỗi phát tên xuyên qua hơn chục người”.

Sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Cứ đem nỏ thần chĩa vào giặc là chúng không dám đến gần”. Ở Trung Quốc cũng có nỏ máy của Khổng Minh trong trận chiến với Mạnh Hoạch nhưng những cỗ máy bắn tên này chỉ nổi tiếng sau “nỏ thần” Cổ Loa hơn 400 năm…

Nỏ thần ... “đi” dần ra từ huyền thoại..

Sự tích Loa thành - An Dương Vương gắn liền với truyền thuyết về nỏ thần với chiếc lẫy nỏ linh nghiệm. Hôm nay đến Cổ Loa vẫn có thể “nhìn” thấy những ảnh xạ của truyền thống thiện chiến thạo dùng cung nỏ qua di tích, qua địa danh... có thể “sờ” thấy hệ thống vũ khí và “binh công xưởng” đã dần phát lộ tại công trường khai quật của các nhà khảo cổ học...

Tuong-quan-Cao-Lo-va-cay-no-than-huyen-thoai-thoi-An-Duong-Vuong -6

TS Lại Văn Tới (Trung tâm nghiên cứu kinh thành) cho biết: “Từ năm 1959 ở Cổ Loa đã phát hiện được kho tên đồng hàng vạn mũi tại khu vực Cầu Vực. Nhưng phải tính từ cuộc khai quật Đền Thượng năm 2005 phát hiện di tích lò đúc mũi tên đồng cùng các khuôn đúc mũi tên ba cạnh thì truyền thống “nỏ thần” mới dần dần được chứng minh bằng những hiện vật, bằng những luận cứ khoa học xác đáng ...”. Những gì đã phát hiện cho phép xác định rằng khu vực tây nam thành Trong xưa là một “binh công xưởng” - có thể không phải duy nhất - làm nhiệm vụ đúc mũi tên trang bị cho quân đội của An Dương Vương.

Khu vực Đền Thượng đã được khai quật ba lần liên tiếp trong ba năm (2005, 2006, 2007) để nghiên cứu và bảo tồn tại chỗ di tích đặc sắc này. Cây nỏ linh thiêng có sức mạnh vô địch “chỉ sông sông cạn, chỉ ngàn ngàn tan” đã đậm nét trong truyền thuyết đang được các nhà khoa học “đưa dần ra ánh sáng” dù huyền sương lịch sử đã xa xăm. Du khách đến đây sẽ được xem tận mắt dấu vết của lò đúc, những phần còn lại của khuôn đúc, những mũi tên đồng ba cạnh đặc trưng Cổ Loa - sản phẩm mang “thương hiệu Việt” đã từng nhiều lần gây kinh hoàng cho quân xâm lược. Có thể khẳng định rằng: Người Việt đã đúc được mũi tên bằng “công nghệ cao”. Người đứng đầu “dây truyền công nghệ cao” đó chính là tướng quân Cao Lỗ. Các thế hệ sau hoàn toàn có thể tôn vinh Cao Lỗ là vị Tổ sư của ngành quân khí Việt Nam.

Dạo bước trong thành Cổ Loa thành hôm nay vẫn còn gặp nhiều địa danh gắn liền với truyền thống thiện chiến sử dụng cung nỏ thời An Dương Vương: gò Đống Bắn, Ngự xạ đài, Cường Nỗ, Uy Nỗ, Kính Nỗ... (nỗ = nỏ), Cổng Gỗ - tương truyền là nơi đặt lò đúc mũi tên, Cầu Dâu - nơi vua thường cho chở đồng đến,v.v. 10 trong số 85 địa danh ở vùng Cổ Loa được thống kê và phân tích có liên quan đến cung nỏ là con số không hề nhỏ. Chưa (và khó có thể) có số liệu chính xác về quân số quân đội thời Cổ Loa nhưng với số lượng lớn mũi tên cùng với quy mô “khu binh công xưởng” được phát hiện có thể đoán định rằng quân đội của An Dương Vương tập trung với số lượng lớn, được trang bị và huấn luyện tốt.

(Theo Báo Nhân Dân)

Xem thêm: Thành Cổ Loa - Dấu vết lịch sử và những câu chuyện xoay quanh tòa thành "bất khả xâm phạm" của An Dương Vương

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận