Các địa danh trên lãnh thổ Việt Nam đã thay đổi ra sao bởi tục kiêng húy vua chúa thời xưa?

Triều Nguyễn và các triều đại trước đó đều có quy định cấm tên đất, tên người trùng với chữ húy (thường tên húy của vua chúa). Vì thế mà nhiều địa danh trên cả nước từng bị đổi tên... 

Các địa danh trên lãnh thổ Việt Nam đã thay đổi ra sao bởi tục kiêng húy vua chúa thời xưa?

Triều Nguyễn và các triều đại trước đó đều có quy định cấm tên đất, tên người trùng với chữ húy (thường tên húy của vua chúa). Vì thế mà nhiều địa danh trên cả nước từng bị đổi tên... 

Đôi nét về luật lệ kiêng húy

Kiêng húy có nguồn gốc từ tiếng Hán, được du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc. Từ "kiêng" của tiếng Việt bắt nguồn từ "kinh" (Hán), có nghĩa là sợ hãi. Nhưng sang tiếng Việt thì chuyển nghĩa thành tránh (do sợ hãi mà phải tránh). 

Tục kiêng húy bắt đầu từ thời nhà Chu (1066 - 771 trước CN), đến thời Chiến quốc (476 - 255 trước CN) đã trở thành phổ biến. Thời bấy giờ, đã có những quy ước được xã hội thừa nhận như “Kiêng tên không kiêng họ, họ thì nhiều người giống nhau, còn tên là riêng của từng người”.

Từ thời Tần Thuỷ Hoàng (221 - 207 trước CN), lệ kiêng huý được chính thức quy định  bằng luật pháp của nhà nước. Tần Thuỷ Hoàng họ Doanh tên là Chính, nên cấm dân chúng dùng chữ Chính. Ví dụ: Chính nguyệt, là tháng giêng được đổi gọi là Đoan nguyệt (thay từ chính bằng từ đồng nghĩa là đoan); Tần Tương Vương, cha của Tần Thuỷ Hoàng tên là Tử Sở, vì kiêng huý chữ Sở nên đất Sở được đổi gọi là Kinh.

Húy có hai loại: Công húy (hay quốc húy) và tư húy. Theo nhà Hán học Ngô Đức Thọ, quốc húy bao gồm ngự danh (tức tên húy của vua, hoàng hậu đương triều) và miếu húy (gồm tên húy của những người đời trước như ông, bà, cha mẹ, và những người thân thích khác của vua). 

Tư húy gồm gia húy (tên của những người trong gia đình), tộc húy (tên của những người trong dòng họ) và hương húy (tên của các thành hoàng được dân chúng các xã lập đền thờ cúng).

Trong đó, quốc húy là do nhà vua quy định, ban bố bằng các văn bản có hiệu lực pháp lý cao như luật, lệnh, chỉ, dụ. Quốc húy thuộc phạm trù pháp luật nên mang tính chất cưỡng chế, bắt buộc thần dân phải chấp hành.

Còn gia húy, tộc húy và hương húy thì tùy theo quy định của từng gia đình, dòng họ và từng làng xã, có tính chất quy ước, tục lệ, không mang tính cưỡng chế, thuộc phạm trù đạo đức cộng đồng.

Nói tóm lại, quốc húy và tư húy đều có điểm chung là kiêng gọi, viết tên riêng, kể cả tên người và các thành hoàng được tôn thờ. Vì tên của các thành hoàng cũng chính là tên người hoặc do con người đặt ra. 

Tục kiêng tên riêng thể hiện xu hướng thiêng liêng góa tên gọi, coi tên riêng để có quan hệ trực tiếp với số phận của con người, tránh gọi là để biểu thị sự kính trọng, tôn sùng, trước hết là đối với vua và những người trong hoàng tộc, sau là đối với thánh thần và những người có vị trí trong gia tộc, làng xã.

Tục kiêng húy vua chúa ở Việt Nam thời phong kiến

Theo nhà Hán học Ngô Đức Thọ, ở Việt Nam, tục kiêng húy thể hiện rõ nhất trong dân gian thời Bắc thuộc, được du nhập từ Trung Quốc. Nhưng quy định chính thức về kiêng húy thì chỉ mới bắt đầu từ thời nhà Trần. 

Thời phong kiến ở Việt Nam, tục kiêng húy đại loại cũng giống như Trung Quốc gồm: kiêng dùng các chữ húy để viết văn bản, đặt tên đất, tên người; kiêng âm  khi đọc và nói:

Thời nhà Trần

Mở đầu tục kiêng húy tên vua chúa là nghiêm lệnh của Trần Thủ Độ - tất nhiên nó nằm dưới danh nghĩa một đạo dụ của Trần Cảnh (lên ngôi năm 8 tuổi). Cụ thể, vào tháng 6 năm Nhâm Thìn (1232), vua Trần Thái Tông đã ban bố các chữ quốc húy và miếu húy. Vì ông nội của vua Thái Tông là Lý (Trần Lý)  nên đã đổi triều Lý thành triều Nguyễn (cũng có nghĩa là đổi họ Lý thành họ Nguyễn). 

Đến các đời vua sau thì các chữ quốc húy được quy định cụ thể hơn. Chẳng hạn, ngày 7 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1294), khi Trần Anh Tông lên ngôi đã công bố các chữ quốc húy: "Chữ húy của vua là Thuyên, của Nhân Tông là Khâm, của Thánh Tông là Hoảng, của Thái Tông là Cảnh, của Thái Tổ là Thừa, của Nguyên Tổ là Lý".

Các chữ nội húy: "Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuần Từ hoàng hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh, Nguyên Khánh hoàng hậu là Hâm”.

Để tránh gây phiền hà cho người viết văn bản, hầu hết các vua Trần đều đặt tên bằng những chữ ít khi có thể gặp trong các văn bản thông thường,  Ví như Cảnh, Hoảng, Khâm, Thuyên, Oanh, (Minh Tông), Hạo (Dụ Tông) Nang (Thuận Tông)...

Ngoài ra, lại có lệnh cấm kỵ trong phạm vi hẹp, không thành văn bản, như kiêng chữ Độ trong tên Thượng phụ Trần Thủ Độ, chữ Tung trong tên ông Trần Tung, con của An Sinh vương Trần Liễu, em của Trần Quốc Tuấn.

Thời nhà Lê

Lê Thái Tổ là người sáng lập triều Lê, ngay sau khi lên ngôi, ngày 20 tháng 4 năm Mậu Thân (1428) cũng đã "ban các chữ húy Tông miếu và các chữ húy tên vua. Tất cả các chữ viết chính khi viết không được dùng, nếu đồng âm mà khác chữ thì không phải huý. Đặc biệt, Quốc triều hình luật của Triều Lê có một điều khoản về quy định kiêng húy như sau:

"Dâng thư hay tâu việc gì mà lại lầm phạm huý đến tên vua hay tên huý các vua trước thì xử phạt 80 trượng. Viết các chữ huý phải bớt nét mà không bớt nét thì phải phạt 60 trượng. Miệng nói phạm tên huý thì phải xử tội xuy. Người nào cố ý đặt tên chính hay tên tự phạm vào chữ huý thì xử tội lưu, tội tử hình”.

Lệnh kiêng húy này xuất phát từ nguyên do, khi trình báo giao thiệp với “thiên triều”, các vua Lê phải khai ra tên húy, nên đã có mẹo khai ra một cái tên giả; khi bắt dân kiêng tên mình mà lại không kiêng tên giả thì sẽ là tự thú rằng mình khai giả, nên các vua bắt dân kiêng cả tên thật lẫn tên giả của mình, như: Thái Tông bắt dân kiêng tên thật của ông là Long lại kiêng cả tên giả là Lân, Nhân Tông tên thật là Cơ và tên giả là Tuấn, v.v... 

Kể từ đời Hiến Tông, Túc Tông..., cho đến Chiêu Tông, Cung hoàng, nhất là về thời Lê Trung Hưng (riêng thời này, kiêng húy 25 chữ), lệnh kiêng húy vẫn ban ra để giữ vẻ uy nghi của ngai vàng, nhưng sĩ phu đi thi không bị kiểm soát quá ngặt nghèo nghiêm khắc, văn bia triều đình cũng lơi lỏng, chuông khánh nhà chùa và đền miếu cũng được chăng hay chớ, lệnh vua không còn được thi hành chặt chẽ.

Thời nhà Mạc

Trong thời gian này, chế độ nhà Lê Trung hưng "loại trừ" nhà Mạc gay gắt, kể cả trên giấy tờ sử sách, ngày nay không có nhiều ghi chép về việc kiêng húy vua Mạc. Nhưng trong cứ liệu lịch sử, có thể tháy có lệ kiêng húy mà đổi địa danh có chữ Dung (tên vua Mạc đầu tiên): huyện Phù Dung phải đổi sang là Phù Hoa, đến đời Gia Long kiêng tên con dâu là Hoa, nên lại phải đổi là Phù Cừ (nay thuộc Hưng Yên); cửa biển Tư Dung phải đổi là Tư Khách, rồi lại đổi là Tư Hiền (ở Huế). Những địa danh đụng đến tên của vua Mạc thứ hai là Nguyên cũng bị đổi, như: Bình Nguyên đổi sang là Bình Tuyền, rồi Bình Xuyên (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc); Phú Nguyên đổi sang là Phú Xuyên (tỉnh Hà Tây); Thất Nguyên, bị đổi sang là Thất Tuyền, rồi lại đổi là Thất Khê, nay là Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Tuy nhiên, những chữ trùng tên các vua khác của nhà Mạc như Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải... (như Hải Lăng, Vọng Doanh...), thì lại được để nguyên, không hề bị đổi, phải chăng đây là dấu vết kỷ cương nhà Mạc đã bị sứt mẻ, rạn nứt từ thời đó?

Thời chúa Trịnh

Thời các chúa Trịnh, có người không kiêng kỵ húy tên, mà kỵ húy tên tước, như Tây vương Trịnh Tạc bắt kiêng chữ Tây: Huyện Tây Chân bị đổi sang là Nam Chân, rồi lại đổi là Nam Trực (tỉnh Nam Định); Sơn Tây bị đổi là Xứ Đoài; Tây Hồ bị đổi là Đoài Hồ. 

Nhưng cũng có chúa vẫn kiêng tên như Uy vương Trịnh Giang vẫn bắt kiêng chữ Giang: Huyện Thanh Giang bị đổi là Thanh Chương (tỉnh Nghệ An); huyện La Giang bị đổi là La Sơn, sau cắt về Đức Thọ và Can Lộc (Hà Tĩnh); huyện Tống Giang bị đổi là Tống Sơn, nay là Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa); huyện Vũ Giang, được đặc cách không đổi, nhưng phải đọc trại thành Võ Giàng (Bắc Ninh).

Thời nhà Tây Sơn

 Dù chỉ có ngót nghét 15 năm cai trị, thì triều đại này cũng xuất hiện tục kiêng húy. Hiện chỉ còn thấy vết tích kiêng chữ Bình, tên thuở nhỏ của Nguyễn Huệ: Cao Bình bị đổi thành Cao Bằng (tỉnh); huyện Lộc Bình đổi là Lộc Bằng, đến đời Gia Long lấy lại là Lộc Bình (nhưng Cao Bằng vẫn để nguyên tên đã quen dùng). Có một việc ngoại lệ là thời Tây Sơn không hề kiêng chữ Phúc, tên giả của Nguyễn Huệ, dân vẫn được gọi thoải mái tên các chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu v.v...,

Nhưng sang thời vua Gia Long trở đi, các vua nhà Nguyễn quá căm thù Nguyễn Huệ nên triệt để cấm kỵ chữ Phúc và bắt đọc chệch sang thành Phước: Tên đệm dòng chính nhà Nguyên là Phúc, cũng nhất loạt đọc sang là Phước, huyện Gia Phúc đổi sang là Gia Lộc (tỉnh Hải Dương); huyện Vĩnh Phúc đổi là Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa); huyện Chân Phúc đổi là Chân Lộc, đến đời Thành Thái kiêng tên Ưng Chân (tên cha của Thành Thái) lại đổi sang là huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An).

Triều nhà Nguyễn

Dưới triều nhà Nguyễn, các quy định về kiêng húy lại càng cụ thể và chặt chẽ hơn, nhất là các cách đọc và cách viết. Sách Đại Nam thực lục chính biên chép: Nam Gia Long thứ 2 (1803), nhà vua đã “sai bộ Lễ kính gửi chữ huý cho khắp trong ngoài. Phàm tên người, tên đất giống chữ thì phải đổi đi, hành văn thì tuỳ theo ý nghĩa mà đổi sang chữ khác”.

Luật pháp triều Nguyễn xử phạt khá nặng đối với các văn bản tâu trình lên nhà vua và các giấy tờ khác mắc lỗi phạm húy: "Phàm dâng thư và tâu việc lỡ ra phạm đến tên vua và tên huý của các miếu thì phạt 80 trượng. Còn các giấy tờ việc quan khác lỡ ra phạm đến chữ huý thì phải phạt xuy 40 roi. Nếu là tên hay tên tự lỡ ra phạm đến chữ huý (không phải chỉ là nhầm lỡ một lần mà đã bị người ta nhắc nhở) thì phạt 100 trượng”.

Triều Nguyễn còn quy định, đối với văn thư ngoại giao của nước ta cho nhà Thanh, khi soạn thảo cũng phải chú ý tuân theo tục lệ kiêng húy của họ. Do vậy, đòi hỏi các quan chức hữu quan của Hàn lâm viện và bộ lễ – những cơ quan có nhiệm vụ soạn thảo các văn bản ngoại giao, phải nắm hiểu các quy định về kiêng huý trong văn bản của các vương triều Trung Hoa.

Luật lệ kiêng huý của triều Nguyễn cũng được áp dụng đối với các văn bản như kinh, truyện, thi văn, hoành phi, câu đối nhưng với mức độ khác nhau. Ví dụ: lệnh kiêng huý lần thứ 7 của vua Thiệu Trị (1844) quy định:

- Đối với các sách kinh, truyện, tử, sử, thi văn tạp thuyết đã in ra mà ván in hiện còn giữ ở Quốc tử giám thì quan ở Giám phải kiểm duyệt, nếu  thấy các chữ quốc huý  thì phải trình lên bộ Lễ để theo văn nghĩa đổi khắc chữ khác để in ra mà dùng.

- Các biển ngạch, hoành phi làm theo lệnh của vua bản triều có những dòng chữ cần kiêng huý mà hiện vẫn còn đang treo ở các miếu điện thì không phải khắc lại. Nhưng khi viết phải viết bớt một nét. Nếu không phải của vua ban thì phải đổi dùng chữ khác như biển đại tự “Sùng văn đường” ở Văn Miếu thì đổi là “Hữu văn đường”, cùng là biển ngạch, hoành phi, chuông khánh, văn bia ở tất cả các dinh thự, đền miếu, phàm là có chữ tôn huý và cả những chữ có thiên bàng giống với chữ huý thì tuỳ theo văn nghĩa đổi chữ khắc lại.

Trong thi cử, nếu bài thi của các sĩ tử bị phạm húy thì sẽ tùy theo lỗi nặng nhẹ để trừ điểm. Triều Nguyễn là Triều đại quy định chặt chẽ về kiêng húy. Song trong một số trường hợp đặc biệt như biên chép tôn phả, ngọc điệp, biên niên sử thì  không phải máy móc kiêng huý. Vì các hoàng đế triều Nguyễn, trước hết là vua Minh Mệnh đã có nhận thức rất đúng rằng đó là những tài liệu “ghi chép sự thật cho đời sau”. 

Do vậy, cho phép “hễ gặp chữ huý các miếu được viết đúng mặt chữ, không cần  ghi là bên tả bộ gì, bên hữu bộ gì”. Khắt khe như vua Thiệu Trị cũng chỉ yêu cầu viết bớt nét.

Xem thêm: Cặp ấn kiếm quý giá của triều Nguyễn từng khiến cha con vua Bảo Đại kiện nhau ra tòa giờ ở đâu?