Giải mã thuật ngữ 'tạm khóa báo có' theo Thông tư số 23/2014/TT-NHNN
Bà Phương Hằng đã trở lại sóng livestream với câu chuyện sao kê tiền từ thiện của Thủy Tiên. Trong livestream mới nhất, bà Hằng nhắc nhiều đến thuật ngữ "tạm khóa báo có".
Bà Phương Hằng 'tố' Thủy Tiên dùng "thủ thuật"
Tối 19/9, bà Phương Hằng đã lên sóng livestream trò chuyện với người hâm mộ liên quan đến câu chuyện "sao kê tài khoản của Thủy Tiên". Trong livestream, bà Hằng tuyên bố vụ sao kê của Thủy Tiên đã sử dụng "thủ thuật", chưa minh bạch hoàn toàn.
Bà Hằng có nhắc đến việc trong văn bản xác nhận tổng tiền mà ngân hàng gửi Thủy Tiên có thuật ngữ "tạm khóa báo có". Theo bà Hằng, đó không phải là đóng tài khoản hoàn toàn. Bởi trong lúc chủ tài khoản sử dụng lệnh này, người khác vẫn có thể chuyển tiền vào tài khoản bình thường. Nhưng số tiền đó sẽ "treo lơ lửng" đợi đến khi lệnh "tạm khóa báo có" được chủ tài khoản gỡ bỏ.
Bà Hằng cũng đưa ra văn bản được cho là xác nhận của ngân hàng gửi Thủy Tiên, trong đó có nhắc đến thuật ngữ "tạm khóa báo có" vào lúc 15h15 ngày 2/11/2021 cho đến hiện tại. Tổng số tiền báo vào tài khoản từ ngày 13/10/2020 đến lúc "tạm khóa báo có" là 177, 5 tỷ đồng.
Bà Phương Hằng cũng đặt ra câu hỏi: Liệu Thủy Tiên đã gỡ lệnh "tạm khóa báo có" hay chưa? Họ cần phải đưa giấy tờ, sao kê chứng minh có tiền đổ vào tài khoản sau khi gỡ lệnh này?
"Tại thời điểm này, chúng ta cần một xác nhận của ngân hàng về trạng thái tài khoản của Thủy Tiên đã được báo có vào tài khoản chưa?
Nếu Thủy Tiên cung cấp xác nhận được tài khoản của mình đã báo có thì dù có yêu cầu ngân hàng sao kê bao nhiêu năm vẫn không có phát sinh.
Số tiền mạnh thường quân chuyển vào vẫn có thể treo trên hệ thống của ngân hàng, còn Thủy Tiên vẫn có thể sử hữu hợp pháp số tiền này. Đó là thủ thuật của những người biết cách ém tiền trên không gian đó quý vị.
Để làm rõ vấn đề này, Thủy Tiên cần yêu cầu ngân hàng cung cấp văn bản xác nhận trạng thái tài khoản hiện tại có hạn chế hay không? Và trong thời gian tạm khóa có phát sinh dòng tiền chuyển đến tạm treo hay không? Nếu có thì sẽ xử lý thế nào? Ngân hàng có quyền đơn phương hoàn trả số tiền chuyển đến trong thời gian tài khoản tạm khóa hay phải thực hiện yêu cầu của Thủy Tiên?
Câu chuyện lúc này đã đi quá xa với câu chuyện sao kê vì xuất hiện hiện tượng đánh tráo khái niệm nhưng bản chất thì chưa rõ", Bà Phương Hằng nói.
Tạm khóa báo có được hiểu thế nào?
Trước và sau khi bà Hằng nhắc đến thuật ngữ "tạm khóa báo có", cư dân mạng cũng đã liên tục tìm kiếm thông tin về việc này. Không ít người thắc mắc, "tạm khóa báo có" là gì?
Theo Điều 16 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
Giả sử trong thời gian "tạm khóa báo có" nhưng có người không biết vẫn chuyển tiền vào thì ngân hàng sẽ hạch toán treo các khoản này. Thông thường sau 2-3 ngày (không tính ngày nghỉ, lễ), nếu tài khoản người nhận không mở lại và có yêu cầu của người chuyển tiếp tục ghi có thì tiền sẽ được trả về cho người gửi.
Việc chấm dứt tạm khóa tài khoản thanh toán và việc xử lý các lệnh thanh toán đi, đến trong thời gian tạm khóa thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản thanh toán hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Như vậy, nếu có người vẫn tiếp tục đồng ý chuyển và tài khoản được mở trở lại thì những khoản tiền chuyển trong thời gian tạm khoá tài khoản vẫn có thể tiếp tục được ghi nhận.
Việc tạm khoá tài khoản cũng khá đơn giản, có thể thực hiện ngay trên ứng dụng ngân hàng điện tử, gọi lên tổng đài và xác thực thông tin, đề nghị ngân hàng khoá tạm thời,...
Theo nhiều chuyên viên ngân hàng, việc tạm khóa báo có xuất phát từ nhu cầu riêng của từng khách hàng. Tuy nhiên, trong các lý do đề nghị tạm khoá báo có tài khoản thì lý do thẻ bị mất cắp, phát hiện các cuộc mạo danh là nhiều nhất.
Ngoài ra, tài khoản cũng có thể tạm khoá khi có văn bản yêu cầu và quyết định thẩm tra tài khoản của cơ quan pháp lý, hoặc khi phía ngân hàng phát hiện lỗi giao dịch.
Theo Điều 16 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN về Hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
Điều 16. Tạm khóa tài khoản thanh toán
1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
2. Việc chấm dứt tạm khóa tài khoản thanh toán và việc xử lý các lệnh thanh toán đi, đến trong thời gian tạm khóa thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản thanh toán (hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Xem thêm: Full link drive sao kê tiền quyên góp từ thiện miền Trung năm 2020 của Thủy Tiên
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận