Ta chỉ là chiếc lá, việc của mình là xanh - Bài NLXH  hay nên đọc

Trong bài "Lá xanh', Nguyễn Sỹ Đại đã thể hiện triết lý sâu xa: "Người vá trời lấp bể/ kẻ đắp xây lũy thành/ Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh".

Đỗ Thu Nga
10:00 06/04/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Nghị luận về ý nghĩa đoạn thơ Lá Xanh- Nguyễn Sỹ Đại

"Kẻ vá trời lấp bể

Người đắp lũy xây thành

Ta chỉ là chiếc lá

Việc của mình là xanh"

Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề đặt ra trong bài thơ trên?

BÀI VIẾT GỢI Ý:

Cuộc sống là bức tranh muôn hình vạn vẻ, là bể cạn trời sâu, là góc khuất và ánh sáng. Mỗi người giống như là mảnh ghép trong bức tranh ấy. Chúng ta có thể đứng ở góc khuất, ở trung tâm, nhưng đều cùng mang trong mình một sứ mệnh: Làm cho bức tranh ấy càng tràn đầy sức sống, đẹp tươi. Trong bài "Lá xanh", Nguyễn Sỹ Đại đã thể hiện triết lý sâu xa với những vần thơ:

"Người vá trời lấp bể

Kẻ đắp xây lũy thành

Ta chỉ là chiếc lá

Việc của mình là xanh"

Thời xưa, các bậc đại hàn nho sĩ thường quan niệm về công và danh gắn liền với chí làm trai. Còn Nguyễn Sỹ Đại, dường như lại gửi gắm trong câu thơ của mình thông điệp khác. "Vá trời lấp bể, đắp lũy xây thành" là những việc mà người bình thường khó có thể thực hiện được. Nó thuộc về một lực lượng siêu nhiên, về những anh hùng, ở đây dùng để chỉ những việc lớn lao đại sự. "Người, kẻ", tức là người khác, người kia. Còn ta, Nguyễn Sỹ Đại nhấn mạnh: "Ta chỉ là chiếc lá". Mỗi chiếc lóa là một phần tử của cây xanh, nó chiếm một phần nhỏ thôi nhưng thiếu lá, cây như dòng sông cạn, quanh năm xơ xác. Dùng hình ảnh chiếc lá làm biểu tượng cho con người, Nguyễn Sỹ Đại muốn nói chúng ta không lớn lao như vũ trụ, không vĩ đại như các bậc kỳ nhân nhưng chúng ta quan trọng như giọt nước với đại dương, như hạt cát trên sa mạc. Thiếu mỗi cá thể ấy, làm sao có thể cấu thành tổng thể? Người ta sinh ra đã là một phần tử rất nhỏ của xã hội, việc của ta là "xanh" - sống hết mình, tỏa ra một ánh sáng riêng đúng với khả năng, thiên chức và cống hiến cho đời. Bốn câu thơ ngắn chứa đựng triết lý sâu xa: Sống có ý nghĩa, cống hiến theo thiên chức, làm việc nghĩa cho đời. 

Martin Luther King đã từng nói nếu là một người phu quét đường, hãy quét những con đường như William Shakespeare. Như rất nhiều những nhà danh tài khác trên thế giới cuộc đời tự như một quả cầu, nếu may mắn ta sẽ được đứng ở chỗ đối diện với luồng ánh sáng, nếu không thì đành phải đứng khuất sau góc đường chân trời. Nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là ta đã cháy hết mình như thế nào. Tôi từng đọc một câu chuyện về một anh bạn quét rác ở Mỹ, ngày ngày anh đều dọn sạch con đường trước cổng trường đại học, nở một nụ cười thật tươi với các sinh viên, động viên họ bằng một tấm lòng chân thật. Thiết nghĩ, đó là "xanh"! Anh có thể là chiếc lá nhỏ xíu dưới góc tối của tán bạch dương, nhưng hành động của anh đã thúc đẩy dòng máu dồi dào nuôi toàn xã hội. Hơn nữa chúng ta sinh ra đã được hưởng ân huệ của trời đất, được hít hà thứ hương tinh túy của sự sống ngàn đời, nếu ta như hòn gạch sần sùi, hòn gạch ấy phải góp phần xây dựng cuộc sống, nếu ta như chiếc lá yếu ớt, ta vẫn có thể giúp cây quang hợp. chúng ta là một phần của xã hội này, điều chúng ta cần làm không phải chỉ chú tâm vào việc lớn lao, hãy bắt đầu đóng góp cho sự sống quanh mình từ những điều nhỏ nhất vì đó là nền tảng để xây nên thế giới. 

Ta-chi-la-chiec-la-viec-cua-minh-la-xanh-Bai-NLXH -hay-nen-doc

Chị Đậu Thị Huyền Trâm, một chiến sĩ công an 25 tuổi bị bệnh ung thư khi đang mang thai đứa con đầu lòng. Có người nói cuộc sống của chị quá ngắn ngủi, chị chưa làm được điều gì vĩ đại cho cuộc sống này. Nhưng với tôi, chị là chiếc lá xanh nhất, là ánh dương đẹp nhất, là người mẹ tuyệt vời nhất khi đã hi sinh bản thân để cứu con. Cái chị đóng góp cho đời không phải là một trận chiến với kẻ thù, một phát minh thay đổi thế giới. Cái chị mang đến cho đời là vẻ đẹp của một khúc ca làm người. Bạn có thể mơ rất xa, ước được chạm vào nơi sâu nhất của vũ trụ này, nhưng bạn có biết không, chính những cống hiến nhỏ nhoi mà ý nghĩa lại là biểu hiện đầu tiên để khẳng định giá trị con người. Thanh Hải trước khi ra đi cũng đã để lại khát vọng: 

"Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Hay là khi tóc bạc"

hay anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" cũng là người như thế. Ta ca ngợi anh ở những thứ lặng thầm ở sâu trong trái tim nhiệt huyết. Anh đẹp lắm, vẻ đẹp nổi giữa đám lá ở một thân cây xù xì. Một màu đỏ có thể vẽ nên ánh mặt trời, một màu vàng có thể vẽ nên lá mùa thu, một màu hồng làm hoa đào chớm nở, màu trắng tinh khôi ẩn mình dưới lớp tuyết mùa đông. Nhưng gộp lại chúng ta đã có bức tranh đời tươi sáng. Con người cũng vậy, có những việc rất nhỏ nhưng ý nghĩa lại có thể từng bước lay chuyển cuộc đời.

Ý kiến được Nguyễn Sỹ Đại nêu ra là vô cùng đúng đắn và ý nghĩa. Ông không phê phán những đại sự, nhưng lại đề cao việc cống hiến lặng thầm và ý nghĩa. Trong một bài phát biểu của một giáo sư người Nhật phân tích điểm khác biệt giữa người Việt và người Nhật, ông cho rằng, người công nhân Nhật nhìn thấy một cái đinh vít bị rơi họ sẽ nhặt lên cho vào kho, còn người Việt thì không, đó là vấn đề thuộc về ý thức nghề nghiệp. Điều đó lý giải vì sao Nhật lại phát triển như bây giờ. Tôi muốn nói với các bạn rằng, dù chúng ta là ai, chúng ta đứng ở vị trí nào cũng hãy cháy hết mình như ngọn lửa rực cháy trong đêm lần cuối, như hạt phù sa lần cuối cùng nằm lại với đất mẹ yêu thương, là giáo viên thì hết mình với học sinh, là kỹ sư thì hết mình xây dựng vẻ đẹp, là nhà văn, trước khi cầm bút, hãy đảm bảo rằng mình đã sống và viết hết mình, tấm lòng trao trọn bể chữ mênh mông.

Nhưng không phải cứ lúc nào cũng là chiếc lá. Ai đó nói rằng "Nếu không có mục đích lớn lao, bạn chẳng thể làm được gì cả". Mục đích lớn lao là "quê hương" của tài năng. Nhưng cái cốt lõi là phải biết dung hòa giữa bình dị và lớn lao, giữa cái cao siêu và điều nhỏ bé. Đó là trường hợp của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, đến những Obama, Bill Clinton mà ai ai cũng biết. Obama, trên cương vị của một người cha, chưa bao giờ vắng mặt trong buổi họp phụ huynh cho con gái; trên cương vị của một người chồng, chưa bao giờ bỏ mặc người vợ của mình tự xoay sở. Sống cũng như cách điều chế một dung dịch hóa học, nếu không biết cân bằng, nó sẽ nổ tung.

Tôi là một học sinh, một người trẻ, tôi từng mơ đổi thay thế giới như bạn trẻ Dư Hoài trong phim "Tuổi thanh xuân mãi bên nhau" nhưng sau khi đọc câu nói này tôi biết mình cần làm gì. Trước hết là học sinh tôi cần hết mình học tập. Tôi thấy mình như một đám lửa có nhiều tia sáng, tia sáng mạnh nhất tôi sẽ dành trọn ở tương lai, tía sáng xung quanh nó tôi sẽ góp vào để hoàn thành nghĩa vụ trước mắt. 

Hôm nay tôi ở xa nhà, trời nắng đẹp, nơi tôi đứng may mắn là không khuất dưới bóng râm, nhưng mỗi người vẫn là một chiếc lá xanh, một dòng nhựa ngọt. Mỗi nỗ lực dù là nhỏ nhất cũng là chất xúc tác hữu hiệu thúc đẩy xã hội đi lên.

Xem thêm: Những hình ảnh độc đáo, câu văn đặc biệt trong "Chiếc thuyền ngoài xa"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận