Điều bí mật của loại quả xù xì từ ngoài vào trong ở miền Tây, được ca ngợi "ngon, bổ, rẻ"
Loại cây này được trồng rải rác ở miền Tây, khi kết trái cho quả xùi xì từ ngoài vào trong. Thế nhưng khi ăn lại có vị chua nhẹ, thơm ngát. Các nghiên cứu chỉ ra, loại quả này bổ dưỡng.
Loại cây kỳ lạ mà Sống Đẹp muốn nhắc đến là cây quách (hay có tên gọi khác là cây giáo, chung họ với cây cần thăng). Trước đây, cây quách mọc hoang ở khắp Nam kỳ lục tỉnh, thậm chí đôi khi còn được phát hiện ở miền Bắc, miền Trung. Thế nhưng, nhiều nhất phải kể đến các tỉnh ở miền Tây như Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp.
Đặc biệt tại Trà Vinh, quả quách được xem là đặc sản. Vào mùa quách, du khách đến Trà Vinh thường bắt gặp những rổ quách được treo bán ở trước cổng nhà hay hình ảnh các cô, các bà đèo quách ra chợ bán.
Trước đây, người Kh’mer ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) trồng rất nhiều cây quách. Cây cao khoảng 5 - 7m, càng lâu năm thì trái càng sum sê. Từ tháng 10 âm lịch kéo dài cho ra giêng là mùa quách chín.
Trái quách tròn cỡ gáo dừa khô, có lẽ vì thế mà dân gian còn gọi nó là cây gáo hay trái gáo. Để đôi ba hôm cho đến khi quả chín muồi, da mốc trắng và tỏa mùi thơm rất đặc trưng là thưởng thức được.
Loại quả này khi chín sẽ tự rụng nên người trồng không cần phải cất công trèo lên hái. Thêm nữa, nó có vỏ dày nên khi rụng xuống không sợ bị vỡ.
Mặc dù có vẻ bề ngoài chẳng bắt mắt tẹo nào nhưng quả quách lại có mùi thơm đặc trưng, dễ "gây nghiện" từ lần ăn đầu tiên. Song những người không thích mùi nồng nàn của quách thì sẽ cảm thấy sợ như sợ sầu riêng.
Đáng chú ý, quả quách có giá rất rẻ. Người dân Trà Vinh bán mỗi ký khoảng 5.000 đồng (mỗi ký được khoảng 2 - 3 quả). Trái quách rẻ mà ăn lại nhiều dinh dưỡng nên người dân Trà Vinh rất yêu thích.
Các bạn trẻ miền Tây thường vặt quả quách non chấm muối ớt chua chua cay cay để ăn. Nhưng với những quả quách chín, người dân lại có cách ăn khác.
Quách thường được thưởng thức bằng cách dùng dao để bổ đôi hoặc đập vỡ phần vỏ ra. Sau đó dùng muỗng nạo sạch để lấy phần ruột và chế thành nhiều món. Lẫn trong ruột là nhiều hạt quách nhỏ, giòn giòn, có vị chua chua, ăn hạt hay không tùy theo sở thích mỗi người.
Ở vùng nông thôn, quách được xem là loại trái cây giải nhiệt tuyệt vời. Người dân có thể mang đi dầm với đá hoặc cho thêm chút đường, sữa nữa là có thể tạo nên một ly sinh tố thơm ngon. Dân Trà Vinh còn có món rượu quách đặc sản, vị rượu này khá ngọt, dùng để chiêu đãi khách cũng là một cách thể sự tâm tình, hiếu khách.
Với người miền Nam, ruột quách được dùng làm nhân cuốn cùng các loại rau sống, kèm thêm lát khế chua hay miếng chuối chát chấm vào các loại mắm sền sệt như mắm cá sặc, cá chốt hay cá chẽn là mê mệt. Vị chua của quách hòa quyện cùng vị cay, ngọt của mắm tuy dân dã nhưng đậm đà chất Nam Bộ.
Thoạt nhìn thì thấy quả quách xấu xí quá, thậm chí mùi còn nồng nàn chẳng phải ai cũng ưa được. Thế nhưng nếu đặt lên bàn nghiên cứu thì ai cũng bất ngờ về giá trị dược liệu của nó.
Theo dân gian lẫn các nghiên cứu khoa học, bên cạnh công dụng giải nhiệt quách còn có lợi cho sức khỏe tim mạch và não bộ. Ăn quả quách thường xuyên giúp kiểm soát được bệnh tiểu đường và tốt cho hệ tiêu hóa cũng như chữa táo bón, tiêu chảy, viêm phế quản, bổ thận và tăng cường gân cốt...
Bên trong ruột quách còn chữa các chất dinh dưỡng thiết yếu như nước, đường, đạm, chất xơ, chất béo, các khoáng chất (canxi, phốt pho, kali, sắt), vitamin thiết yếu (A, B, B2, C)…
Loại quả cứ ngỡ xấu xí xù xì này lại chữa bên trong rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người. Thế mới bảo, quả quách đúng là "báu vật" mẹ thiên nhiên ban cho người Việt, là loại trái cây đúng chuẩn "ngon, bổ, rẻ".
Xem thêm: Cách nấu gạo lứt đúng cách để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận