NLXH: "Năng lượng phát ra từ những kẻ ghét mình..."
"Điều mà cậu thấy sợ hãi không phải bạo lực, mà là năng lượng tiêu cực phát ra từ những kẻ ghét mình. Từ trước đến nay, cậu chưa từng tưởng tượng lại tồn tại ác ý đến mức đấy trên thế giới này".
ĐỀ BÀI:
"Điều mà cậu thấy sợ hãi không phải bạo lực, mà là năng lượng tiêu cực phát ra từ những kẻ ghét mình. Từ trước đến nay, cậu chưa từng tưởng tượng lại tồn tại ác ý đến mức đấy trên thế giới này", Ác ý - Higashino Keigo.
Từ đoạn trích trên, anh/chị hãy viết bài văn (không giới hạn số lượng từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ác ý trong thời đại số hiện nay.
BÀI VIẾT:
Mười ba tuổi, bước vào ngôi trường cấp hai mơ ước, điều gì đã chờ đón tôi? Bạn bè tài giỏi? Thầy cô nhiệt tình? Môi trường năng động? Hay là một group kín trên Facebook với đầy những phán xét, công kích về mình?
Tôi được phép sử dụng Facebook cá nhân vào năm học lớp tám. Thế nhưng, tên tôi đã sớm xuất hiện trên nền tảng này như một đề tài bàn tán của những bạn bè không vừa mắt mình từ trước. Chảnh choẹ, khoe mẽ, nịnh hót, mách lẻo,… tất cả đã làm nên gương mặt tôi ngay trước khi tôi kịp đăng tải tấm ảnh đầu tiên của mình lên trang cá nhân. Thời cấp hai, tôi hiếm chia sẻ về mình trên trang cá nhân nhưng chuyện tôi phải lòng ai, học dở môn nào, gia đình tôi ra sao, … thì không khó để biết – thông qua “bạn bè” của tôi. Tôi đã trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của các bạn như thế - bằng những hình dung xấu xí nhất. Đến tuổi dậy thì, cơ thể tôi bắt đầu thay đổi, mặc áo ngực size mấy, lông tay hay lông chân rậm hơn, đùi to hay nhỏ, mông lép hay cong,…hết thảy đều được thêm vào những câu chuyện về tôi. Những tên gọi mới cứ thế xuất hiện khiến tôi lắm lúc tự hỏi: “Mọi người có quên mất tên gọi của mình hay không?”
Và đó chính là trải nghiệm đầu tiên của tôi về chuyện bị ghét, bị soi mói. Tôi đã là đối tượng của những “Ác ý” như thế. Bước ra khỏi ngôi trường cấp hai, tôi vào học cấp ba với những lần “mở mang tầm mắt” rất khác về những mối quan hệ yêu – ghét và tất nhiên, về cả những “Ác ý”.
Dưới sân trường cấp ba, tôi nhiều lần bắt gặp một đàn anh luôn thui thủi ăn sáng vào giờ ra chơi trong góc sân tối om dù xung quanh là ầm ĩ những tiếng vui đùa, giỡn hớt của mọi người. Vài lần đi ngang lớp học của anh, tôi tình cờ phát hiện anh được bạn bè “ưu ái” một dãy bàn trống trơn với riêng anh ngồi ở đó. Cùng lúc, những tin đồn về anh xuất hiện, mọi người truyền tai nhau, thì thầm nhỏ to trên sân trường, lớp học không đủ thì đến những dòng trạng thái trên Facebook hay những chiếc story trên Instagram đã phát huy hết công dụng lan toả của nó. Và sau mùa hè năm đó, anh chuyển trường.
Chuyện của tôi, của anh chính là điển hình cho những biểu hiện của Ác ý. Thế nhưng, những người bình thường như chúng tôi có phải là nạn nhân duy nhất của Ác ý? Thử nhớ lại mà xem, nhóm nhạc đình đám một thời T-ara đã đánh mất sự nghiệp của mình như thế nào? Nữ ca sĩ trẻ Sulli đã chọn từ biệt thế giới này là do đâu? Và rất rất nhiều những người nổi tiếng khác nữa, là điều gì đã tước đi thành công, sinh mạng họ nếu không phải là những công kích, phỉ báng đến từ dư luận, đến từ những người đã ghét bỏ họ rồi đem đến nguồn năng lực tiêu cực, dung những Ác ý khiến họ suy sụp, trượt dài trong sự tuyệt vọng?
Ác ý, nó tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chung quy lại chính là những hành động công kích, những thái độ tiêu cực mà người ta tạo ra khi ghét bỏ hay không vừa mắt một ai đó. Ác ý có khi thầm lặng nhưng lắm lúc, nó là một làn sóng rầm rộ và được hưởng ứng vô cùng mạnh mẽ. Ác ý, nó có thể đến từ sự vô tình, từ những trò đùa trẻ con (như bạn bè cấp hai sau này giải thích với tôi) nhưng phần nhiều lại được tạo ra từ những chủ đích. Ác ý không phải là một điều mới lạ bởi ở đâu mà chẳng có người ghét nhau và lúc nào mà không có người này người nọ bất hoà rồi xung đột, muốn hạ bệ nhau. Tuy vậy, Ác ý trong thời đại số lại là một câu chuyện khác, nan giải và phức tạp hơn.
Trước đây, khi người ta ghét nhau, họ có thể chê bai, lên án hay thậm chí làm hại nhau. Khi ghét một đối tượng A, người ta sẽ lôi kéo, rủ rê những người xung quanh ghét luôn A và thế là một nhóm bạn kết nối cùng nhau bằng việc ghét bỏ người khác ra đời. Họ cùng nhau nói xấu, bôi nhọ “người kết dính” tình bạn. Nếu sự ghét bỏ đó tăng cấp, Ác ý của đối họ với người bị ghét cũng tỷ lệ thuận, họcó thể tính kế để chơi khăm hay thậm chí là hãm hại người bị ghét. Thế nhưng, họ có thể khiến hàng trăm ngàn ngoài kia cùng ghét một người nào đó với lý do giống mình hay không khi bạn chỉ là một người bình thường, không ai biết đến? Ngược lại, khi người ta may mắn được sinh ra vào thời đại số, khả năng đẩy ai đó vào cảnh bị tất cả mọi người ghét bỏ hoàn toàn có thể xảy ra. Vì sao? Vì họ có đã có một trợ thủ vô cùng đắc lực – mạng xã hội.
Với những tài khoản trên mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có khả năng trở thành người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng và việc được biết đến bằng cách nào hoàn toàn phụ thuộc vào chọn lựa của mỗi người. Không hiếm hoi để bắt gặp hai cô gái nổi tiếng sau một đêm vì câu chuyện “trà xanh” hay “tiểu tam”, cùng với đó, một cuộc đại chiến xảy ra, đôi bên tranh cãi, chửi bới và sỉ nhục nhau bằng đủ những từ ngữ ồn ào không kém gì tiếng đao kiếm vang vọng khi va phải nhau. Và cuộc chiến nào cũng thế, phải có người thua cuộc, thua cuộc vì không đủ người ủng hộ mình, thua cuộc vì lý lẽ yếu kém, thua cuộc vì là người phạm sai từ đầu nhưng biết đâu, họ chỉ thua vì không đủ Ác ý như đối thủ của mình. Không đủ Ác ý nên không dồn ép đối phương đến cùng, không đủ Ác ý nên không thể mạnh dạn lột trần người kia và không đủ Ác ý nên lấy đâu ra kiên nhẫn, cứng cỏi mà đối đầu với sự tấn công dồn dập của đối phương?
Đó chính là nguy hiểm tiềm tàng đằng sau những Ác ý trong thời đại số - thời đại của những chiến binh giấu mặt đằng sau tấm áo giáp mang tên “Công nghệ thông tin”.
Thời nay, khi lao vào trận chiến căm ghét ai đó, người ta đơn giản cần một chiếc máy tính gọn nhẹ, một tài khoản thu hút dư luận và tất nhiên, kho tàng từ ngữ có khả năng sát thương cao nhất để áp đảo tinh thần đối thủ, không cho đối phương cơ hội đánh trả. Như vậy, trong thời đại số, Ác ý được thể trong những cuộc trò chuyện, hành động của đời thực và cả trong thế giới ảo của những mã code. Thế giới mà người ta công kích nhau đó, có thể chỉ là những thế giới ảo nhưng hậu quả để lại trong đời nhau lại rất thật. Khi là đối tượng được nhắm đến của những Ác ý, bạn sẽ không biết mình đang là tầm ngắm của bao nhiêu xạ thủ và những viên đạn vô hình sẽ bay về phía mình vào thời khắc nào. Trở thành tâm điểm của Ác ý, bạn không biết thứ gì bên trong mình đang bị đào bới, mổ xẻ và sẽ bị phơi bày khi nào, ra sao. Như vậy, bạn có thể mặc kệ rồi yên ổn sống cuộc đời mình như lời khuyên của những người xung quanh hay không? Liệu có một ai đủ bình tĩnh để đối diện với những tin đồn thất thiệt, đe doạ đến danh dự, nhân phẩm của mình? Đối diện với những phán xét, công kích của người khác, sẽ có bao nhiêu người đủ tỉnh táo, lạc quan để không hoài nghi về bản thân? Những lời bịa đặt, sai lệch về con người bạn đang nhởn nhơ ngoài kia và chẳng biết lượn lờ đến tận phương trời nào liệu có thể để yên cho bạn tiếp diễn cuộc đời mình? Hay rằng mỗi ngày bạn thức dậy đều cùng một tâm thế chịu đựng, miễn cưỡng đương đầu cùng cuộc chiến khốc liệt? “Mình không xấu xa như thế. Mình không cần sợ hãi, vẫn có rất nhiều người tin tưởng, yêu thương mình nên mình cứ việc tiếp tục cuộc đời mình mà thôi” hay “Mình mệt mỏi, sợ hãi khi phải chống chọi với tất cả - sự ghét bỏ, phủ nhận của người khác. Cuộc sống của mình, danh dự của mình, uy tín của mình rồi sẽ đi với đâu khi nó đang bị đe doạ bởi những đồn đại Ác ý” – đâu sẽ là suy nghĩ từ tận sâu đáy lòng của một người bị ghét, bị bao vây bởi những Ác ý?
Ác ý có nhiều biểu hiện khác nhau nhưng nguồn gốc chung của nó đều đến từ cảm giác ghét bỏ một ai đó, và có rất nhiều lý do để bạn ghét bỏ người khác: vì họ làm điều có lỗi với bạn, vì họ có được thứ mà bạn không có, vì họ không giống với bạn, hoặc đơn giản như…nhìn không ưa được thì ghét thôi! Yêu thích hay chán ghét một người vốn dĩ là cảm xúc của mỗi cá nhân mà cảm xúc thì không thể bị lên án vì nó là sự bộc phát tự nhiên. Tuy vậy, khi cảm xúc của bạn biểu lộ bằng hành động thì hành động đó phải được cân nhắc bởi nếu hành động sai lầm, lệch lạc thì sẽ ảnh hưởng đến một hay rất nhiều người. Một hành động, thậm chí có thể quyết định sinh mạng của người khác, thế thì bạn có thể bốc đồng, nông nổi được hay không? Cảm xúc của bất kỳ ai cũng cần được giải toả nhưng nếu chỉ vì thoả mãn những nóng giận, bực dọc của mình và bạn tự cho mình cái quyền biến người khác thành một bao cát để tuỳ ý đánh đấm hay sao? Bạn ghét người khác và sản sinh năng lượng tiêu cực cho chính mình thế thì ngoài bạn ra, ai là người phải chịu trách nhiệm cho nó? Người bạn ghét? Nhưng còn họ, họ sẽ phải xoay sở ra sao với những tiêu cực mà bạn đem lại qua những hành động Ác ý?
Mỗi người đều có những câu chuyện riêng và tất nhiên, có những góc khuất, những nỗi buồn và tổn thương. Nhưng đừng quên rằng, không một thương tổn nào có thể được chữa lành bằng việc đẩy đùn những đau đớn của mình cho những sự lành lặn khác. Bạn cảm thấy yếu đuối, bất lực nhưng sức mạnh của bạn sẽ chẳng bao giờ đến từ việc dày vò, chà đạp người khác, hoặc nếu có, đó là ảo tưởng của riêng bạn. Tương tự, bạn sẽ không xinh đẹp, thu hút hơn nếu chê bai, dè bỉu vẻ ngoài của ai đó, bởi ngoài bạn ra, sẽ không ai thừa nhận sự đẹp đẽ của một người đối đãi với người khác bằng những Ác ý. Và tất nhiên, sự tài giỏi, năng lực thật sự của bạn không được thể hiện bằng cách vùi dập, phủ nhận khả năng của người khác. Tất cả những Ác ý phục vụ cho việc thoả mãn cái tôi sẽ chỉ là một hành động vô nghĩa lý đối với việc chứng tỏ mình và là một điều tàn nhẫn, khốn nạn với những người phải hứng chịu cơn thịnh nộ không đầu chẳng cuối đầy tiêu cực từ bạn. Đó là chưa kể, sự hèn nhát, chạy trốn những khiếm khuyết, yếu điểm của bạn trong mắt những người khác chỉ là một sự nực cười và đáng khinh!
Nhưng mà, nếu Ác ý chỉ là một sự vô tình thì có thể được thông cảm hay không? Chúng ta không thể phủ nhận rằng, với những cảm xúc tiêu cực thì việc kiềm chế và cố gắng tự triệt tiêu chúng là một thử thách với tất cả mọi người. Nhưng nếu chúng ta vì những mất kiểm soát đó mà làm bộc phát những Ác ý thì chúng ta sẽ khác gì với những tên sát nhân trong phút chốc mà cướp đi sinh mạng người khác? Những kẻ sát nhân cuớp đi mạng sống của người khác bằng bạo lực, bằng cách làm tổn thương thân xác họ nhưng còn chúng ta, với những Ác ý của mình, chúng ta đã làm hại người khác như thế nào? Những lời ta đã nói ra, những đặt điều vô căn cứ mà ta tạo ra, những định kiến mà ta dán nhãn lên người khác: họ có thể sống an ổn, hạnh phúc với những điều đó hay không? Hay họ sẽ sống, sẽ cố gắng gồng mình trong sự áp lực, hoang mang, trong những ngột ngạt đầy lo sợ? Ác ý và những hậu quả mà nó gây ra đến bao giờ mới buông tha cho con người?
(Nguyễn Đức Lam Thảo - 12CV, trường THTH ĐHSP TP HCM, niên khóa 2017 - 2020)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận