NLXH 200 chữ: Khiêm tốn là điều cần thiết

Đề bài: "Khiêm tốn là điều cần thiết cho những ai muốn thành công trên đường đời".

Đỗ Thu Nga
12:00 02/11/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tagore đã từng nói rằng: “Khi chúng ta khiêm tốn, đó là lúc chúng ta tiến gần đến sự vĩ đại”. Quả thực, sự khiêm tốn như một bước đệm nâng đỡ chúng ta trên hành trình chinh phục những đỉnh cao của khát vọng, của mơ ước, giúp ta tiến gần hơn nữa tới sự thành công với những mục tiêu đã đặt ra. Cũng vì thế mà có ý kiến cho rằng: “Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời”. Phải chăng, thiếu đi sự khiêm tốn, con người ta sẽ không thể chạm được vào vinh quang? Sự khiêm tốn và thành công liệu có mối quan hệ mật thiết nào hay không? Trước hết, ta có thể hiểu khiêm tốn là sự nhún nhường, không đề cao cái tôi cá nhân, không tự cao tự đại hay phô trương sự hiểu biết, những thành tích của mình với những người xung quanh. Người khiêm tốn sẽ không đặt mình làm vị trí trung tâm, lấy mình làm chuẩn mực để đánh giá người khác, coi thường người khác. Còn thành công thì hiểu đơn giản đó là mình đạt được mục tiêu, đạt được mong muốn, khát vọng, gặt hái được trái ngọt trong hành trình tìm kiếm và hoàn thiện bản thân. Con người muốn đặt chân tới đỉnh cao, ắt phải có sự khiêm tốn, muốn chinh phục ước mơ, trước hết phải rèn luyện sự nhún nhường. Khiêm tốn và thành công, ngay từ ban đầu đã là 2 khái niệm không thể tách rời bởi lẽ người thành công thì sẽ không ngạo mạn và ngược lại, người luôn cho mình là nhất thì sẽ khó có thể thành công. Thế giới không thiếu người tài giỏi, có năng lực, nhưng không phải ai trong số họ cũng đều có được sự khiêm tốn.  Những con người ấy luôn tự cho mình còn nhiều hạn chế, tự nhận thức rằng mình cần phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, cần được học hỏi nhiều hơn nữa. Người khiêm tốn sẽ không bằng lòng với những thành công hiện tại của cá nhân mình hiện tại, họ cho rằng đấy là những điều tầm thường, nhỏ bé, không đáng kể so với nhân loại, lại không ngừng cố gắng để chinh phục nhiều hơn. Chính những điều đó giúp họ thu nạp được thêm nhiều tri thức, nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp họ va chạm, đối mặt với nhiều tình huống hơn trong cuộc sống. Khi đã có cho mình một nền tảng vững chắc, chẳng  phải bất cứ khó khăn thử thách nào họ cũng dễ dàng vượt qua hơn những người còn lại hay sao?

nlxh-200-chu-khiem-ton-la-dieu-can-thiet-6

Càng khiêm tốn, lăng kính cuộc đời lại càng rộng mở, ta bỗng nhận ra những gì chúng ta biết, chúng ta thấy mới chỉ là một hạt cát ở sa mạc, một giọt nước giữa đại dương bao la. Hơn nữa, sự khiêm tốn giúp bạn nhận thức được những thiếu sót, hạn chế của bản thân, từ đó khắc phục và làm giàu giá trị của chính mình, tiếp nối những bước đi trong hành trình tìm kiếm và hoàn thiện bản thân. Khiêm tốn như một vũ khí lợi hại mà con người ta sử dụng một cách thầm lặng để chinh phục chính mình và mọi người xung quanh bởi chỉ khi quan sát, tìm hiểu kĩ lưỡng ta mới có thể hiểu được bản thân, hiểu được tất cả mọi thứ. Và khi ấy, ta biết cách đối nhân xử thế, biết cách vun đắp mở rộng tầm nhìn và tâm hồn mình,  từ đó có một trái tim đồng cảm, thấu hiểu. Do đó, người biết khiêm tốn sẽ tạo một ấn tượng tốt với những người xung quanh, có được sự kính trọng, nể phục, quý mến, từ đó xây dựng những mối quan hệ thoải mái, chân thành, không toan tính, vụ lợi lẫn nhau. Xã hội cũng nhờ vậy mà gắn kết hơn, gần gũi, con người có được sự tin tưởng, yêu mến của cộng đồng. Einstein- một nhà bác học vĩ đại nhưng ông luôn khiêm tốn trước lời khen ngợi, tung hô của người khác và luôn coi mình giống như những người bình thường khác, sống một cuộc sống giản dị và bình thường đã từng nói: “ Tôi chỉ là người bình thường như bao người khác thôi, cũng sống và làm công việc mình yêu thích, sao lại gọi tôi là người nổi tiếng ?” Vậy hà cớ gì, ta có thể tự cho mình là trung tâm, là vĩ đại? Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng  là một minh chứng sống cho điều này, cô gái ấy tuổi đời còn rất trẻ song đã thật sự thành công với ngôi vị cao nhất tại cuộc thi hoa hậu hòa bình thế giới năm 2021, nhưng chưa bao giờ cho mình cái quyền coi thường người khác, ngược lại, sự giản dị, khiêm tốn và gần gũi của cô đã chạm tới trái tim biết bao người hâm mộ, được nhiều người quý mến và thậm chí phong cho cô danh hiệu “Hoa hậu quốc dân”. Tới đây, ta đã có thể lí giải vì sao, sự khiêm tốn và thành công lại có mối quan hệ mật thiết tới vậy. Sự thành công là kết quả của một quá trình tìm kiếm và sử dụng tri thức, nhưng nó không bao giờ chỉ có yếu tố cá nhân, bởi một người leo núi khi phá vỡ được kỉ lục trước đó thì cần phải có sự công nhận của tất cả mọi người mới có thể tạo nên kỉ lục mới. Mà sự khiêm tốn thì lại tổng hợp được cả hai yếu tố trên, vừa giúp con người ta nhìn nhận lại bản thân, học hỏi trau dồi thêm, lại vừa có được sự tín nhiệm từ tất cả mọi người. Vì thế, nếu khiêm tốn, ta đã thành công  lại càng nhiều thành công hơn nhưng ngược lại, sự  ngạo mạn lại biến ta trở thành kẻ thất bại, thụt lùi. Bởi vậy, khiêm tốn như một đòn bẩy, là chất xúc tác giúp ta vững bước trên hành trình cuộc đời. Ngược lại, những kẻ luôn tự mãn với thành tích của bản thân, kiêu căng vì cho rằng mình hơn người thì thật đáng phê phán. Gần đây, cuộc thi Hoa hậu thế giưới Việt Nam diễn ra với kết quả chung cuộc là cô gái tên Huỳnh Trần Ý Nhi giành chiến thắng, những cũng từ lúc đó đã tạo nên một làn sống dữ dội trên mạng xã hội vì sự ngạo mạn khi cô trả lời phỏng vấn của báo đài. Khi được yêu cầu kể tên 3 người nổi tiếng ở Bình Định, Ý Nhi đã không ngần ngại mà kể tên mình đầu tiên mặc dù mới đăng quang chưa được một ngày, sau đó mới kể tên các anh hùng hào kiệt bao đời của dân tộc. Chính sự ngạo mạn ấy đã khiến cô nàng nhận rất nhiều gạch đá từ cộng đồng mạng, chịu sức ép của dư luận, phải sống ẩn từ lúc đó và chưa thấy dấu hiệu quay lại sàn diễn. Đó là một ví dụ điển hình cho sự kiêu căng đáng bị chỉ trích. Song quá nhún nhường thì cũng không phải một cách hay, vì như thế vô tình khiến cho ta trở thành người tự ti, mặc cảm. Chúng ta cần nhận thức rõ về sự khiêm tốn, phân biệt khiêm tốn với hạ thấp bản thân, tránh xa lối sống ngạo mạn, tự cho mình là nhất, là tài giỏi hơn người. Ngay lúc này, hãy học cách sống khiêm tốn, hãy mở rộng tầm nhìn ra xa hơn, không ngừng rèn luyện để chinh phục biển trời tri thức bao la kia để chinh phục được ước mơ của mình. Hãy nhớ câu nói: “Tri thức làm người ta khiêm tốn, ngu dốt làm người ta ngạo mạn”.

Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ

1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)

- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).

- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)

2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)

- Giải thích các khái niệm liên quan.

- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.

+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.

+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.

- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.

3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)

+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.

Xem thêm: NLXH 200 chữ: Sống như một hạt mầm, dám vươn mình lên cao

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận