Những mong mỏi phía sau dự án "Mầm hạnh phúc" của MC khiếm thị

"Kể từ năm 14 tuổi, mỗi ngày tôi luôn chuẩn bị tinh thần sẽ một người bạn nào đó rời ghế nhà trường về quê làm việc phù hợp với người khiếm thị. Tôi ấp ủ ước mơ trở thành nhà tâm lý hỗ trợ người khuyết tật", Giang chia sẻ.

Đỗ Thu Nga
17:00 11/11/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lê Hương Giang - cô gái được mọi người biết đến là nữ MC khiếm thị đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam - mở đầu câu chuyện như thế. Nhưng hôm nay Giang xuất hiện với vai trò mới - người sáng lập dự án Mầm hạnh phúc.

Âm thầm trợ giúp

"Chào đón các anh chị đến với buổi lễ ra mắt của dự án tâm lý Mầm hạnh phúc. Trước khi bắt đầu, chúng ta cùng nhau thở ba nhịp thật sâu. Mọi người thả lỏng cơ thể, hít vào hơi thở bình an nhé".

Lời chào của nam MC bắt đầu buổi ra mắt dự án thu hút các thành viên tương tác online với nhau đến từ khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Hương Giang xuất hiện tại buổi lễ online với nụ cười hạnh phúc, kể câu chuyện truyền cảm hứng để hạt mầm ấy thành hình, nảy nở đến nay.

Cô bạn nói: "Từ năm 14 tuổi, mỗi ngày lên lớp Giang luôn phải chuẩn bị tinh thần cho một người bạn nào đó trong lớp học sẽ phải rời đi, trở về quê làm công việc mà người ta cho rằng phù hợp hơn với người khiếm thị. Dù các bạn ấy có đủ năng lực học tập, đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho tương lai nhưng cha mẹ lại không tin con mình sẽ có tương lai tốt đẹp hơn nếu theo đuổi con đường học tập".

nhung-mong-moi-phia-sau-du-an-mam-hanh-phuc-cua-mc-khiem-thi
MC khiếm thị Lê Hương Giang

Làm sao giúp người khuyết tật gạt bỏ các rào cản từ bên trong? Làm sao để cha mẹ hiểu và tin tưởng năng lực của con cái? Làm sao giúp các bạn khuyết tật đặt niềm tin vào bản thân và mạnh mẽ tiến về phía trước? Những câu hỏi cứ hiện lên trong đầu Giang, cũng là lúc ước mơ về một dự án bắt đầu.

Tốt nghiệp thạc sĩ tâm lý học lâm sàng, nhiều năm qua Hương Giang âm thầm trợ giúp tâm lý cho các bạn trẻ khuyết tật trước ngưỡng cửa cấp III hay đại học.

Giang cười bảo có lẽ mọi người biết đến Giang là MC vì bạn cũng thường chia sẻ công việc này lên mạng xã hội. Còn với công việc trợ giúp tâm lý, cô chỉ âm thầm làm, ai cần đến thì mình giúp như bệnh nhân mắc COVID-19 và người nhà của họ, mạng lưới cha mẹ có con mắc u nguyên bào võng mạc...

Hơn chục năm theo đuổi ngành tâm lý, khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, Lê Hương Giang tự tin xuất hiện trước truyền thông chia sẻ về giấc mơ của đời mình. Với dự án Mầm hạnh phúc, cô có những người bạn ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Họ đều là những cộng sự tuyệt vời đi cùng Giang với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người khuyết tật.

"Hạnh phúc không phải đích đến mà là điều cốt lõi có sẵn trong mỗi người. Chỉ cần chúng ta chấp nhận bản thân, yêu thương bản thân vô điều kiện thì hạt mầm của sự yêu thương sẽ được nảy nở", Lê Hương Giang nói.

Mỗi cây đều bắt đầu từ hạt mầm

Mầm hạnh phúc tập trung nâng cao lòng tự trắc ẩn cho các bạn trẻ khuyết tật từ 18 - 35 tuổi. Dự án dự định kéo dài trong sáu tháng, bạn trẻ khuyết tật sẽ được tham vấn 1-1 với các nhà tâm lý có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tiếp đó, tham gia đào tạo và điều phối "nhóm bạn cùng tiến" là mô hình phát triển bền vững, dễ dàng mở rộng về các cộng đồng địa phương.

"Chúng tôi chọn hỗ trợ thanh niên khuyết tật vì hiện chưa có nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tập trung vào nhóm đối tượng này. Bản thân cũng là người khuyết tật nên tôi thấu hiểu được những rào cản tâm lý đặc thù của người khuyết tật và rất muốn hỗ trợ các bạn" - Giang bộc bạch.

Chị nói người khuyết tật khi được sinh ra vốn không mang theo sự tự ti về bản thân cho đến khi người chăm sóc và những người xung quanh ứng xử với họ và nhìn họ theo cách thật đáng thương, là người yếu thế và thậm chí có người từng xem người khuyết tật như vô dụng. Người khuyết tật hầu như không được dạy cách chấp nhận bản thân như mình vốn sinh ra đã thế, càng ít được dạy cách yêu thương và trân trọng bản thân mình.

nhung-mong-moi-phia-sau-du-an-mam-hanh-phuc-cua-mc-khiem-thi-8

Với Giang, đó chính là rào cản lớn nhất khiến người khuyết tật khó hòa nhập vào xã hội. Do đó, nâng cao lòng tự trắc ẩn cũng là cách mà dự án mong muốn để chính mỗi bạn trẻ khuyết tật cần tăng sự chấp nhận và biết tự yêu thương bản thân, giảm bớt căng thẳng và lo âu, luôn tìm được cách ứng xử tích cực khi gặp khó khăn hay đối mặt với biến cố.

Mầm hạnh phúc hiện kỳ vọng có thể lan tỏa rộng rãi đến đông đảo thanh niên khuyết tật ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là những nơi điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, còn gặp nhiều rào cản. Các bạn khuyết tật quan tâm có thể đăng ký qua đơn online đăng tải trên fanpage của dự án hoặc liên hệ trực tiếp đến dự án để được trợ giúp.

"Dự án vẫn đang tiếp tục gây quỹ cộng đồng để có thể trợ giúp tâm lý cho càng nhiều bạn khuyết tật càng tốt", người sáng lập chia sẻ.

(Theo Tuổi trẻ)

Xem thêm: 9x Hòa Bình: Từ người điều hành dự án cứu hộ chó mèo đến thầy dạy bơi 0 đồng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận