Những hiệu ứng tâm lý mới lạ, độc đáo giúp bài NLXH ấn tượng hương
Các bạn học sinh 2k6 hay lưu ngay bài viết này lại để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng trong đời học sinh nhé.
1. Hiệu ứng ngựa hoang
Dơi quỷ hút máu ngựa hoang làm thức ăn, nhưng lượng máu dơi quỷ lấy đi của ngựa hoang rất ít, còn lâu mới làm ngựa chết được. Nguyên nhân ngựa hoang chết là do chúng phát điên lên và chạy loạn xạ.
= > Vì những việc nhỏ không đáng mà nổi giận tức là đang vì lỗi lầm của người khác làm tổn hại bản thân mình. Rất nhiều lúc, chúng ta nên làm rõ chúng ta đang tức giận và lo lắng vì điều gì, đừng để lỗi lầm của người khác làm mình bị tổn thương.
2. Hiệu ứng sâu bướm
Đặt đầu của con sâu bướm này trước đuôi của con sâu bướm khác thành một vòng tròn rồi đặt chúng lên miệng một lọ hoa, gần lọ hoa rắc một ít lá thông, lũ sâu bướm sẽ cùng nhau đi vòng vòng quanh lọ hoa ngày này qua đêm nọ, cho đến khi chúng chết vì đói và kiệt sức.
= > Khi công việc của chúng ta gặp trở ngại hoặc đình trệ, nên cố gắng tìm điểm đột phá. Đừng chỉ chăm chăm vào việc làm được bao nhiêu mà còn phải xét đến làm như vậy sẽ được thành quả, lợi ích gì hay không.
3. Hiệu ứng bánh đà
Để làm cho bánh đà đang đứng yên có thể quay, ban đầu bạn phải nỗ lực rất nhiều. Bánh đà quay càng lúc càng nhanh. Sau khi đạt đến một điểm gần nhất định, bạn không cần tốn thêm sức nữa, bánh đà vẫn quay nhanh và sẽ không bị dừng lại.
= > Đôi khi bạn có thể cảm thấy khó khăn khi bắt đầu làm một việc, nhưng nếu bạn kiên trì, sau khi vượt qua được thời điểm khó khăn ban đầu, nó sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
4. Hiệu ứng nho chua
Trong truyện ngụ ngôn, con cáo không lấy được chùm nho nên nói rằng nho bị chua, để cân bằng tâm lý của chính mình. Mọi người tự an ủi mình bằng những “lý do” mà họ có thể chấp nhận để tránh bị tổn thương tâm lý nhiều hơn.
= > Chức năng phòng vệ tâm lý thực sự có thể giúp chúng ta thích nghi với cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, nên nhớ rằng việc quá lạm dụng nó quá nhiều trong cuộc sống có thể gây nên những “tác dụng phụ” nguy hiểm.
5. Hiệu ứng viên kẹo
Các nhà tâm lý học đã làm một thử nghiệm: Thử xem một nhóm những đứa trẻ 4 tuổi liệu có thể kiên nhẫn chờ 20 phút để có thể được ăn kẹo hay không. Với kết quả thu được đó, sau 12 năm theo dõi, những đứa trẻ có biểu hiện khác nhau sẽ có tính cách khác nhau khi lớn lên. Thí nghiệm nhìn vào sự tự chủ, khả năng phán đoán và sự tự tin mà trẻ thể hiện khi còn nhỏ để dự đoán tính cách lớn lên của chúng.
= > Chúng ta cần phải chống lại sự cám dỗ và không bị lừa bởi những lợi ích trước mắt. Đừng mong đợi sự tự chủ sẽ tăng lên khi chúng ta già đi mà tự chủ cần sự luyện tập có ý thức.
6. Hiệu ứng sandwich
Trong tâm lý học phê bình, nội dung phê bình được “kẹp” giữa hai lời khen ngợi sẽ khiến người bị phê bình nhanh chóng chấp nhận lời phê bình.
= > Trong khi phê bình và đưa ra kiến nghị, đừng quên tán đồng, đánh giá cao, khẳng định và quan tâm đến đối phương, điều đó có thể giúp người được phê bình chủ động chấp nhận phê bình và sửa chữa khuyết điểm của mình.
7. Hiệu ứng ngưỡng
Để người khác chấp nhận một yêu cầu rất lớn, tốt nhất bạn nên tìm cách để anh ta chấp nhận một yêu cầu nhỏ hơn trước, từ yêu cầu nhỏ, dần dần anh ta dễ dàng chấp nhận những yêu cầu cao hơn. Hiện tượng tâm lý này được gọi là "hiệu ứng ngưỡng".
= > Khi đưa ra yêu cầu với người khác, đừng đưa ra yêu cầu cao ngay từ đầu, trước tiên bạn nên đưa ra những yêu cầu nhỏ, sau đó dần dần đưa ra những yêu cầu cao hơn với họ thông qua những lời động viên. Tuy nhiên, bạn cũng phải chú ý đến “ngưỡng” của bản thân, và nhất định phải từ chối khi nào nên từ chối.
(Theo Hồn văn - Hồn người)
Xem thêm: NLXH: "Người ta hiếm khi thành công nếu không làm điều mình thấy vui thích"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận