“Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ” - nơi giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng
Các học viên tại “Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ” (đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) được trang bị kỹ năng nghề nghiệp để tự tin hòa nhập xã hội, tham gia thị trường lao động trong tương lai.
"Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ" là tên của một cơ sở giáo dục đặc biệt tại "thành phố ngàn hoa" Đà Lạt. Được thành lập với mong muốn giúp trẻ khuyết tật tạo dựng giá trị cho bản thân, "Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ" hiện có các lớp học can thiệp sớm và giáo dục đặc biệt cho 14 trẻ khuyết tật trí tuệ dưới 6 tuổi.
Đặc biệt, tại đây còn có không gian trưng bày, kinh doanh các sản phẩm thủ công do các em cùng cô giáo làm ra. Ngoài ra, "Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ" còn có tiệm cà phê Socola Gấu, giúp các em học làm bánh, làm socola, pha chế và học cách phục vụ, giao tiếp với khách.
Chị Trần Thị Thanh Lan, Giám đốc Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội "Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ", cho biết: "Trước đây, Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ là một doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm handmade. nhận thấy trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều trẻ khuyết tật cần sự hỗ trợ, chúng tôi quyết định chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp xã hội.
Các em học nghề ở đây đều được miễn phí. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hỗ trợ tiền ăn, chỗ ở. Chiều thứ 3 mỗi tuần sẽ có lớp học vẽ cho học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng tham gia".
Em Nguyễn Thị Lan Tiên, học viên tại "Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ", cho biết, Tết năm nay thật đặc biệt vì đây là lần đầu tiên trong đời, Tiên được đi làm và nhận lương. Dù lương còn thấp nhưng đủ để em mua món đồ mình thích và mua quà biếu ba mẹ. Em sẽ cố gắng để tay nghề nâng cao hơn trong thời gian tới, để có những sản phẩm đẹp, tốt hơn.
"Cả tôi và các em đều là người khuyết tật, vậy nên tôi rất đồng cảm. Trong lúc truyền nghề, chúng tôi gặp hạn chế về giao tiếp bằng ngôn ngữ, cô trò đã tìm cách tăng cường giao tiếp bằng cử chỉ. Tôi rất vui khi giúp các em có thêm kiến thức về nghề nghiệp để tự lo cho cuộc sống sau này", cô Phạm Thị Xuân Thu, giáo viên dạy may, tâm sự.
Theo chị Trần Thị Thanh Lan, việc hướng nghiệp là một hoạt động cần thiết nhằm giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng, chọn được nghề phù hợp, gắn với tạo việc làm trong tương lai.
"Chúng tôi mong muốn có nhiều người biết đến mô hình này để mua sản phẩm của các em; đồng thời, mong muốn các ban, ngành địa phương, cũng như các tổ chức, các nhân sẽ hỗ trợ chúng tôi giúp các em phát triển", chị Lan bày tỏ.
(Theo Phụ nữ Việt Nam)
Xem thêm: Tử tế không kể giàu nghèo: Cô gái khuyết tật tiếp ý chí cho người nghèo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận