Lời khẩu dụ cuối của Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ - bậc chân tu suốt đời sống thanh bần lạc đạo
Trước khi viên tịch, Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ từng khẩu dụ, sau khi theo hầu Phật tổ thì không tổ chức tang lễ linh đình, nghi thức hết sức đơn giản, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh.
Chiều 21/10, tại tổ đình Viên Minh (chùa Ráng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử hành lễ cung thỉnh nhục thân Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhập kim quan.
Chiều cùng ngày, toàn thể Tăng ni, Phật tử, môn đồ pháp quyến đã cử hành các nghi thức truyền thống, cung thỉnh nhục thân Đại lão Hòa thượng Đệ Tam Pháp chủ nhập kim quan. Trước di ảnh cố Đại lão Hòa thượng, chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử đã thành kính đỉnh lễ và cầu nguyện giác linh Ngài.
Trước đó, trong thông bạch đặc biệt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nêu: Để tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đối với Đạo pháp và Dân tộc, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN quyết định tổ chức lễ tang theo nghi thức cao nhất của GHPGVN.
Thông bạch cũng nhắc đến lời khẩu dụ của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ lúc sinh thời: "Sau khi tôi theo hầu Phật tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh.
Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của Tăng Ni và Phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hoà bình, nhân sinh an lạc".
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh là Bùi Văn Quý, sinh năm 1917, tại thôn Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ngài xuất gia năm 1923, tại chùa Quán, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ suốt đời sống thanh bần lạc đạo, tụng kinh viết sách, tu tập dưới mái chùa làng khiêm tốn, thanh tịnh ở xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.
Trong cuộc đời tu nghiệp của mình, Đại lão Hòa thượng đã tham gia biên soạn, dịch, hiệu đính các tác phẩm như Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát-nhã dư âm, Đại từ điển Phật học, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học; biên tập Đại tạng kinh Việt Nam; phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần…
Với nhiều công lao đóng góp cho đạo và đời, Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các phần thưởng cao quý khác.
Sư thầy Thích Thanh Vịnh - người hàng ngày với công việc chấp tác chốn Tổ và hầu Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ cho biết Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ là một người rất ham lao động, lúc nào cũng làm việc không ngơi tay chân, hết chăm cây cối lại trông nom ban thờ, khi xong công việc thì lại coi sách.
Đức Pháp chủ lấy việc cày cấy làm vui, coi chuyện kinh sách làm nghiệp, buông tay cày cầm tay bút, sáng kinh tối kệ, một lòng thành kính hướng Phật với tâm niệm: "Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo”.
Đức Pháp chủ luôn răn dạy đệ tử rằng, người xuất gia phải có trách nhiệm hiểu giáo lý của đạo Phật. Phải hiểu giáo lý của Phật tổ ra đời vì lẽ gì, để người ta có thể chuyên tâm phụng đạo, giữ gìn Phật pháp. "Chúng ta xuất gia không phải để cầu an thân cho chính chúng ta, mà xuất gia để làm những điều Phật Tổ dạy chúng ta, làm những điều ích nước lợi dân, cứu khổ độ mê. Cho nên đi học phải nhớ thực hành".
Xem thêm: Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch, trụ thế 105 năm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận