Bà Hoàng Dương Thị Như Ngọc: Xuất thân "trâm anh thế phiệt", được vợ cả nhường vị trí chính thất vì lý do bất ngờ

Người được vua Ngô Quyền phong làm Hoàng hậu là bà Dương Thị Như Ngọc (con gái của Dương Đình Nghệ). Bà là vị Hoàng hậu đầu tiên của nước Việt thời kỳ độc lập, tự chủ.

Đỗ Thu Nga
07:00 06/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Giấc mộng tiên nữ của vợ Dương Đình Nghệ

Theo Wiki, Hoàng hậu của vua Ngô Quyền là Dương Quốc mẫu, tên thật là Dương Thị Vy, hay được biết đến với cái tên dã sử Dương Thị Như Ngọc. 

Sử sách không có nhiều ghi chép về bà Dương Thị Như Ngọc. Chỉ biết, bà là con gái của Dương Đình Nghệ. Bà được gả cho Ngô Quyền trước khi Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại. Bà Dương Thị Như Ngọc là mẹ của Ngô Xương Văn, không có chứng minh nào cho thấy bà là mẹ của Ngô Xương Ngập. 

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, tên gọi Dương Như Ngọc được đặt theo dân gian mang màu sắc Đạo giáo, như trường hợp một bà Dương hậu khác cũng được đặt tên văn nghệ, là Dương Vân Nga. 

hoang-hau-cua-vua-ngo-quyen-la-ai-5
Bà Hoàng Dương Thị Như Ngọc là con gái Dương Đình Nghệ

Theo tờ Phunuonline, bà Hoàng họ Dương quê ở làng Ràng, xã Dương Xá, Ái Châu (nay là xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Bà là con gái của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ.

Tương truyền, khi người vợ của Dương Đình Nghệ mang thai, bà mộng thấy có tiên nữ từ trên trời bay xuống, tay cầm viên ngọc trắng đến xin làm con. Đến khi trở dạ, bà sinh ra một bé gái trắng trẻo, xinh đẹp. Lúc đó trong phòng có thoang thoảng mùi thơm dịu mát. 

Dương Đình Nghệ cùng mọi người trong nhà thấy làm lạ, dựa theo giấc mơ của vợ đặt tên con là Dương Thị Như Ngọc, có nghĩa là viên ngọc quý, lại dung nhan đẹp đẽ, tinh khiết như ngọc.

Bà Hoàng xuất thân "trâm anh thế phiệt"

Như đã chia sẻ, bà Hoàng Dương Thị Như Ngọc là con gái của Dương Đình Nghệ. Bà xuất thân từ con nhà có thế lực, được rèn luyện trong lò võ Dương Xá ở quê hương nên từ nhỏ Dương Thị Như Ngọc đã được học võ nghệ, côn quyền tinh thông. Đến khi trưởng thành là một thiếu nữ dung nhan tuyệt đẹp không chỉ giỏi võ mà lại nổi tiếng về đức hạnh.

Theo sử sách thì Dương Đình Nghệ là một hào trưởng có thế lực mạnh, nhiều uy tín. Thời chính quyền họ Khúc, Dương Đình Nghệ là một trong những bộ tướng đồng thời là thủ lĩnh lớn ở Ái Châu. 

Tháng 7 năm Quý Mùi (923) vua Nam Hán sai tướng Lý Khắc Chính đem quân xâm lược nước ta, chính quyền họ Khúc tan vỡ thế nhưng lập tức Dương Đình Nghệ “tập họp quân sĩ, đánh bại Khắc Chính. Khắc Chính phải chạy về Nam Hán” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Khi giải phóng được một phần lãnh thổ, Dương Đình Nghệ tiếp tục chiêu mộ quân lính, củng cố lực lượng chống nhau ở thế giằng co với quân Nam Hán do Lý Tiến cầm đầu và đến cuối năm Tân Mão (931) ông hiệu triệu hào kiệt bốn phương hợp sức xướng nghĩa. Sử viết: “Lý Tiến biết, cho người chạy báo với vua Hán. 

Năm ấy, Đình Nghệ đem quân vây tiến, vua Hán sai Thừa chỉ Trần Bảo đem quân đến cứu. Quân chưa đến, thành đã mất. Tiến chạy trốn về nước. Bảo đến vây thành. Đình Nghệ đem quân ra đánh, Bảo thua chết. Bấy giờ Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, trông coi việc châu” (Đại Việt sử ký toàn thư). 

Giúp cha đi kết giao với anh hùng hào kiệt

Khi Dương Đình Nghệ tập hợp binh lực, chiêu hiền đãi sĩ để làm việc lớn, chị em bà Dương Thị Như Ngọc đã tích cực giúp cha, đi nhiều nơi kết giao với các anh hùng hào kiệt và các lực lượng dân binh chờ thời cơ nổi dậy. 

hoang-hau-cua-vua-ngo-quyen-la-ai-8
Đội nữ binh đặc biệt

Một lần nọ, trên đường đi, Dương Thị Như Ngọc bất ngờ gặp một đoàn quân áo tang trắng đang làm lễ tế cờ, bèn dừng lại hỏi chuyện. Hỏi ra thì biết, khi quân Nam Hán xâm lược, một số kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc, trong đó có tên địa chủ họ Tiết. Bất bình trước việc làm của cha, con gái địa chủ là Tiết Thị Huệ ra sức can ngăn làm hắn nổi giận, ép con gái làm tì thiếp một tên tướng Nam Hán.

Tiết Thị Huệ quyết không làm vợ giặc nên đã cự tuyệt. Tướng giặc nổi giận, xuống tay sát hại. Người hầu gái kế cận của Tiết Thị Huệ căm phẫn, ôm mối thù đó, tìm cách tập hợp, vận động những người phụ nữ cùng hoàn cảnh mưu đồ chống giặc.

Lực lượng của cô hầu gái này đến 300 người, chọn ngày tế lễ, dựng cờ khởi nghĩa quyết thề sống mái với quân thù thì Dương Thị Như Ngọc tình cờ đi qua.

Khâm phục khí phách anh hùng, trung thành, nghĩa tình của cô gái họ Tiết cũng như việc làm của người hầu gái và những chị em trong đội nữ binh, Dương Thị Như Ngọc cho biết mình là con gái của Dương Đình Nghệ, hào trưởng đất Ái Châu đang đi liên kết với các nghĩa binh các nơi chuẩn bị đánh thành Đại La, tiêu diệt tên Thứ sử Lý Tiến. Nghe vậy, cô hầu gái xin gia nhập nghĩa quân. Dương Thị Như Ngọc chấp thuận, kết nghĩa chị em với cô hầu gái đó.

Trở thành Hoàng hậu đầu tiên của nước Việt độc lập

Như đã chia sẻ, vào cuối năm Tân Mão (931), Dương Đình Nghệ chuẩn bị lực lượng và hiệu triệu hào kiệt bốn phương hợp sức xướng nghĩa. Nhiều anh hùng có chí cứu nước đã tìm về đất Ái châu xin ra nhập lực lượng của Dương Đình Nghệ, trong đó có Ngô Quyền.

Thấy Ngô Quyền tuổi trẻ tài cao, lại là con trai của hào trưởng Ngô Mân, một người bạn cũ từng làm quan với mình thời chính quyền họ Khúc nên Dương Đình Nghệ rất yêu mến cho Ngô Quyền làm nha tướng, lại đặc biệt đem con gái Dương Thị Như Ngọc gả cho, mặc dù ông biết rõ Ngô Quyền đã có vợ.

hoang-hau-cua-vua-ngo-quyen-la-ai
Tượng Ngô Quyền ở An Hải (Hải Phòng)

Theo dã sử và truyền tụng dân gian, trước khi Ngô Quyền lấy Dương Thị Ngọc, đã có một người vợ tên là Dương Phương Lan. Bà là người làng Yên Nhân thuộc miền Thượng Phúc (nay là thôn Yên Nhân, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội).

Khi Ngô Quyền tìm về dưới trướng Dương Đình Nghệ có dẫn theo vợ là Dương Phương Lan. Mặc dù biết Ngô Quyền có vợ nhưng vì mến mộ tài năng nên vẫn gả con gái Dương thị Như Ngọc cho.

Thấy Dương Thị Như Ngọc xinh đẹp tài giỏi, là con gái vị hào trưởng danh tiếng vang dội, lại hơn mình một tuổi nên tuy lấy Ngô Quyền trước nhưng Dương Phương Lan khiêm tốn nhường cho Như Ngọc làm vợ cả ở địa vị chính thất, còn mình lui xuống làm vợ thứ. Sau này, khi lên ngôi vua, Ngô Quyền đã phong Dương Thị Như Ngọc làm Hoàng hậu, còn Dương Phương Lan được phong làm Vương phi. 

Lặng thầm trải qua biến động chốn cung đình

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền lên ngôi vua, lập ra triều Ngô - triều đại đầu tiên của thời kỳ độc lập, tự chủ, “đặt trăm quan, dựng nghi lễ trong triều, định màu sắc các đồ phẩm phục”. Về chốn hậu cung, chính sử có đoạn chép: “Kỷ Hợi (939) năm thứ nhất… Mùa xuân, vua xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu” (Đại Việt sử ký toàn thư). 

Ngô Vương ở ngôi từ năm Kỷ Hợi (939) đến tháng giêng năm Giáp Thìn (944) lâm bệnh rồi qua đời, làm vua tổng cộng 6 năm. Trước khi mất, vua gọi em vợ là Dương Tam Kha đến ủy thác phù giúp con trưởng là Ngô Xương Ngập nối nghiệp nhưng sau đó Dương Tam Kha đã cướp ngôi của cháu, tự lập làm vua. 

Dương Tam Kha là em trai bà Dương Thị Như Ngọc, cũng là dũng tướng lập nhiều công trong trận Bạch Đằng 938. Sử chép về hành động cướp ngôi của Dương Tam Kha như sau:

“Trước kia, Ngô vương Quyền, khi bệnh kịch, có trối trăng dặn Tam Kha giúp con mình là Xương Ngập. Tam Kha liền cướp lấy ngôi, tiếm xưng là Bình Vương. Xương Ngập sợ, chạy đến Nam Sách Giang, ẩn náu tại nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương. Tam Kha nuôi con thứ hai của Ngô vương Quyền là Xương Văn làm con mình. Các con vợ thứ của Ngô vương là Nam Hưng, Kiền Hưng còn nhỏ, đều theo Dương hậu”.

hoang-hau-cua-vua-ngo-quyen-la-ai-3
Khuyên con tìm chốn ẩn thân

Như vậy, sau khi Ngô Quyền bằng hà, Hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc đã được tôn làm Thái hậu nhưng trước biến động cung đình, bà không có hành động gì cả. Bà giữ thái độ im lặng, chấp nhận sự đã rồi. Có lẽ do người gây ra cơn biến động đó là người em ruột rà của mình, còn người chịu cảnh thiệt thòi chính là Ngô Xương Ngập. Ở tình cảnh khó xử đó, quả thật bà Hoàng họ Dương cũng không biết làm cách nào cho thuận tình thuận nghĩa.

Có ý kiến cho rằng, khi Dương Tam Kha đăng quang ngôi vị trong hoàng cung, Ngô Xương Ngập đã hoảng hốt chạy đến gặp bà Hoàng họ Dương trước khi chạy khỏi kinh đô Cổ Loa, hỏi kế bảo toàn tính mạng. Dương Thái hậu cũng khóc mà nói rằng: 

"Hiện cậu con thế lực lớn lắm, ta cũng không thể làm gì được, chi bằng con đến đất Nam Sách giang nhờ Phạm Lệnh Công, một lão thần hết sức trung thành, tạm nương nhờ ở đó chờ cơ hội, nên đi ngay kẻo ở đây lâu sợ rằng sẽ bị hại".

Đến năm Canh Tuất (950) em của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn và cũng là con nuôi của Dương Tam Kha bất ngờ đem quân làm cuộc chính biến giành lại ngôi báu. Sau đó, Ngô Xương Văn lên ngôi, lấy hiệu là Nam Tấn Vương rồi cho đón anh về. Được sự chấp thuận của Thái hậu Dương Thị Như Ngọc, Ngô Xương Ngập cũng lên ngôi xưng hiệu Thiên Sách Vương, hai anh em cùng làm vua.

Cũng kể từ thời điểm đó, chính sử cũng như dã sử không nhắc gì đến hậu vận của bà hoàng Dương Thị Như Ngọc, không rõ bà mất năm nào, thọ bao nhiêu tuổi, thi hài được an táng tại đâu.

Tuy nhiên trong số các công trình, đình đền thờ phụng Ngô Quyền và vợ con thì riêng tại đền Kê Lạc, còn gọi là đền Vương (nay thuộc thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) có truyền tụng rằng các vua triều Ngô sau khi mất được an táng ở đây; ngoài ra thi hài của bà chính thất của Ngô Quyền, tức Hoàng hậu họ Dương cũng được đặt ở đây nhưng tên bà được gọi là Dương Thị Ngọc Thư...

Xem thêm: Nỗi oan ngàn năm của bà hoàng Thượng Dương và thảm án chấn động lịch sử triều Lý

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận