Hình chữ S sánh rồng thiêng - Bài văn hay nên đọc một lần
Thêm một bài viết ấn tượng nữa được dẫn từ "Thích Văn Học" để các bạn học sinh tham khảo, học hỏi cách hành văn.
“Đất nước tôi là những lũy tre làng
Có đồng ruộng thênh thang cò xoải cánh
Bờ biển lớn dãy trường sơn đứng cạnh
Một tượng hình chữ S sánh rồng thiêng”
(Thanh Hùng)
Trên chặng hành trình dài của cuộc đời, chúng ta lớn lên, trưởng thành và rong ruổi khắp mọi miền, từng lao đầu chạy theo những đam mê, vinh quang và chiếc vòng nguyệt quế đến dại khờ, mơ về những giấc mộng hạnh phúc, giàu có, ánh hào quang chói lòa mà quên đi chính bản thân, quên những khoảnh khắc thật yên bình và những điều quan trọng nhất.Thế nhưng, giữa dòng đời xô bồ, hối hả, chúng ta dường như đang lãng quên một giá trị thiêng liêng và sâu thẳm, ánh hào quang chói lòa mà quên đi chính bản thân, quên những khoảnh khắc thật yên bình và những điều quan trọng nhất.Thế nhưng, giữa dòng đời xô bồ, hối hả, chúng ta dường như đang lãng quên một giá trị thiêng liêng và sâu thẳm, ấy là những trang sử thiêng liêng, hào hùng cần được bảo vệ, gìn giữ của dải đất hình chữ S thân thương này ?
Liệu chúng ta đã từng một lần tự hỏi, “lịch sử” thật ra là gì? Là bộ môn đã học đến nhàm nơi ghế nhà trường, là những lần bắn rơi bao nhiêu máy bay, diệt được bao nhiêu quân thù từ thuở xa xưa chẳng còn liên quan gì đến hiện tại? Lịch sử là những câu chuyện, những bức tranh, những tàn rơi bên lề thời cuộc kết đọng lại thành cả một quá trình, một dòng chảy miên viễn thời gian để hoàn thiện, hình thành một đế chế hoàng kim, một đất nước oai hùng. Gìn giữ, phát triển lịch sử là đang tiếp nối niềm kiêu hãnh của dân tộc, là bảo vệ non sông mà cha ông ta đã “mang gươm mở cõi”, là nhớ được bốn nghìn năm văn hiến, triều Đinh – Lý – Trần – Lê đến từ đâu, là không quên tiếng xe tăng, những thân người chèn pháo, tiếng hát mở đường nằm lại giữa rừng sâu. Thế nhưng phải chăng cuộc sống bộn bề, tấp nập đã xô đẩy những giá trị ấy vào quên lãng, còn mấy ai nhớ được những trang sử hào hùng xa xưa? Mấy ai chọn đến những khu di tích, những tượng đài bất khuất đứng giữa đất trời thay vì đến những hòn đảo thiên đường, những chốn xa hoa hào nhoáng? Thế hệ trẻ chúng ta, những người sinh ra giữa cuộc cách mạng công nghiệp lớn nhất thời đại, giữa dòng chảy hối hả của cuộc đời, ta càng không thể bỏ lại những giá trị lịch sử của dân tộc phía sau, ta gìn giữ, phát huy chúng để vạn thế hệ sau nhớ về cội nguồn, để sống biết ơn với những giây phút yên bình hiện tại. Và nếu một mai ta xa rời lịch sử, liệu trận Bạch Đằng xơ xác cọc thuyền, rặng tre làng giăng thành giăng lũy, Người đi tìm hình của nước bôn ba, liệu còn ai nhớ, ai quên,…
Mang trong mình dòng máu Việt, hình hài Việt, ta tiếp nối, phát huy dòng lịch sử cũng là viết tiếp câu chuyện văn hiến bốn nghìn năm, là giữ lấy mảnh hồn của dân tộc và để cả thế giới biết đến một nền văn hoá đặc sắc, độc đáo. Biểu hiện của việc giữ gìn, phát triển, nền văn hóa của dân tộc là khi quy tụ những người trẻ tuổi có niềm đam mê nghiên cứu các lĩnh vực lịch sử, văn hoá của dân tộc, đã dựng lại những thước phim về những trận đánh, những chiến công oanh liệt của các bậc võ biền năm xưa qua “Bình ngô Đại chiến”, “Việt Sử Kiêu Hùng”, “Khai mở Triều Trần”, dựa trên công nghệ thực tế ảo tăng cường, một nhóm các bạn trẻ tại thành phố Cần Thơ đã có ý tưởng đưa hình ảnh các làng nghề truyền thống của miền Tây Nam Bộ và 12 linh vật trong văn học dân gian vào trang sách, bằng tất cả những nỗ lực, khả năng của mình, những người trẻ tuổi ấy đã mang giá trị của lịch sử trở lại với cuộc sống hiện tại, mang niềm tự hào của non sông đến với năm châu bạn bè.
Trân trọng và phát huy những giá trị của lịch sử Việt còn là hạt giống cốt yếu, giúp gieo vào trái tim, tâm hồn của triệu con người Việt lối sống biết ơn, khắc ghi, nghĩa tình với cha ông, dân tộc, ngay cả đối với những người con xa xứ, đồng bảo việt kiều sinh sống tại nước ngoài.
Khi còn sống ở Nhật, thần đồng Đỗ Nhật Nam luôn được mẹ mua những bộ Lego về xếp hình Văn Miếu, được kể những câu chuyện lịch sử về chiến tranh chống Mỹ, địa đạo Củ Chi,…từ đó, Nhật Nam không chỉ nằm lòng mà còn yêu tha thiết, biết ơn quê hương, lịch sử dân tộc, hay cô Phạm Thị Kim Duyên, một giáo viên Vật lí ở Hà Nội luôn gọi hai con gái lên xem cùng mình mỗi khi tivi chiếu phim tài liệu, lâu dài, cả hai em đều rất thích những thước phim oai hùng ấy. Đó là cách mà con người Việt Nam duy trì dòng lịch sử kiêu hãnh, niềm tự hào, biết ơn dân tộc đến vạn thế hệ sau.
Đàn có phím đen, phím trắng, bản giao hưởng cũng có nốt thăng, quãng trầm, thế nên trong bức tranh cuộc sống vẫn còn đâu đó những vệt đen làm nhơ nhuốc lịch sử dân tộc. tự lúc nào những câu thơ về chú bé Lượm anh hùng với những chuyến giao thư “thượng khẩn” bị chế thành lời méo mó, thành bản nhạc ăn liền để giới trẻ đua nhau trổ tài vũ đạo? Tự bao giờ một bộ phận giới trẻ vì “sùng bái thần tượng” mà sẵn sàng ủng hộ những bộ phim xuyên tạc lịch sử nước nhà? Liệu một ngày nào đó, những “đứa trẻ” ấy sẽ nghĩ rằng đất nước này vốn bình yên như lúc chúng sinh ra, sẽ quên mất cây xanh của hiện tại được vun tưới từ máu xương của ông cha chứ không phải nước đời? Những kẻ không tiếp nối, trân trọng lịch sử sẽ không bao giờ phát triển thành những con người có giá trị, sẽ chẳng được xã hội chào đón, dang tay.
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
(Nguyễn Đình Thi)
Tự thuở nào, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca, những bản nhạc bất hủ và cả trong đời sống thường ngày, và lẽ nào chúng ta lại lãng quên những giá trị đã được gìn giữ, tiếp nối suốt nghìn năm ấy? Đừng chỉ xem lịch sử là một bộ môn, một lĩnh vực tẻ nhạt, vô vị, hãy tiếp cận nó ở nhiều khía cạnh như kịch, phim, âm nhạc,…hãy đến tận những bảo tàng cổ, những khu di tích một lần để thấy những tàn rơi của thời huy hoàng còn đọng lại trong cuộc sống như thế nào, cùng đọc thêm những cuốn sách, những câu chuyện về lịch sử để cảm nhận được cái thú vị của những thời đại xa xăm, và hãy tích cực quảng bá những dự án, những sản phẩm lấy cảm hứng từ lịch sử đến nhiều người để những giá trị ấy còn tồn tại mãi với thời gian.
Mảnh đất mà chúng ta đang đứng từng ngày, con đường mòn mà ta chạy dọc mỗi buổi chiều tà, khoảng trời mà ta ngắm với người mình thương, tất cả đều đã từng được giành giật bằng từng viên đạn, phát súng. Một mai này giữa dòng đời xô đẩy, tấp nập, hãy nhớ đến một dân tộc bốn nghìn năm văn hiến, một niềm kiêu hãnh, tự hào ngàn đời không thể nào quên.
NHẬN XÉT CHUNG:
Bài viết có ý tưởng tương đối tốt, có dẫn chứng thực tế phong phú, diễn đạt mạch lạc, rõ ràng.
Tuy nhiên nếu ngay từ mở đầu mà viết là dường như chúng ta đã lãng quên giá trị thiêng liêng thì hơi phiến diện, cần điều chỉnh cách viết để cho thấy hiện tượng tiêu cực đã và đang tồn tại ở 1 bộ phận ngày nay, vẫn còn đó những người yêu, biết trân trọng và giữ gìn lịch sử… Khi ấy bài viết sẽ hoàn thiện hơn và cách tiếp cận, nhìn nhận sẽ toàn diện và sâu sắc hơn khi viết về lịch sử.
Nên bổ sung thêm phần ý nghĩa của lịch sử đối với mỗi cá nhân, mỗi quốc gia và dân tộc để bài viết sâu sắc hơn.
(Theo Thích Văn Học)
Xem thêm: Nhà văn - kẻ rung những tiếng chuông cảnh báo tâm hồn đầu tiên
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận