Vì sao nắng nóng ở Ấn Độ năm 2022 lại nghiệt ngã đến vậy?

Nhiệt độ trung bình ở vùng Tây Bắc và miền Trung Ấn Độ trong tháng 4/2022 đã ở mức kỷ lục kể từ khi dữ liệu nhiệt độ được ghi nhận cách đây 122 năm. Thủ đô New Delhi, như đang bốc cháy, nước chảy ra từ vòi nóng đến mức không thể chạm vào.

Đỗ Thu Nga
13:56 06/05/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thủ đô New Delhi như đang bốc cháy

Hai quốc gia Nam Á là Ấn Độ và Pakistan đang trải qua một mùa xuân hè của những kỷ lục về thời tiết, khắc nghiệt hơn và lạ thường hơn. Nhiệt độ trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ duy trì ở mức cao kỷ lục từ tháng 3 tới nay. Đi kèm với đó là lượng mưa ít trên toàn khu vực khiến cuộc sống nhìn chung là bức bối, khó chịu.

Khu vực Tây Bắc và miền Trung của Ấn Độ, vừa ghi nhận tháng 4 nóng kỷ lục trong vòng 122 năm qua. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, nhiệt độ trung bình cao nhất tại khu vực Tây Bắc nước này trong tháng 4 vừa qua là 35,9 độ C, trong khi tại miền Trung là 37,78 độ C.

Hien-tuong-nhiet-do-bau-uot-dang-hoanh-hanh-o-An-Do-la-gi
Miền trung Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ nắng nóng (Ảnh: IFL Science)

Trong khí đó, thủ đô New Delhi như đang bốc cháy. Hơi nóng ngùn ngụt bốc lên từ mặt đường, nước chảy ra từ vòi nóng đến mức không thể chạm vào.

Nhiệt độ tại New Delhi vào ban ngày đạt 44 độ C và không dưới 30 độ C vào ban đêm. Núi rác Bhalswa khổng lồ tại vùng ngoại ô phía bắc New Delhi tiếp tục cháy từ ngày 26/4 tới nay, khiến không khí oi bức tại thành phố càng trở nên ô nhiễm nặng nề.

Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nước này đã ghi nhận tháng 3 nóng nhất trong 122 năm qua, với nhiệt độ trung bình toàn quốc ở mức 33,1 độ C, cao hơn gần 1,86 độ C so với thông thường. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 27/4 cảnh báo thời tiết khắc nghiệt làm tăng nguy cơ hỏa hoạn.

Hien-tuong-nhiet-do-bau-uot-dang-hoanh-hanh-o-An-Do-la-gi-0
Một cô gái bán nước tại New Delhi, thủ đô Ấn Độ, ngày 27/4 (Ảnh: Reuters)

Nhu cầu sử dụng điện tăng vọt giữa nắng nóng dẫn đến tình trạng mất điện kéo dài tới 8h ở một số vùng tại Ấn Độ trong bối cảnh dự trữ than, nguồn nhiên liệu sản xuất 70% điện toàn quốc, đang ở mức thấp. Tuần trước, dự trữ than tại 3 trong số 5 nhà máy cung cấp điện cho Delhi giảm xuống dưới 25%.

Các vựa lúa mì tại miền Bắc Ấn Độ cũng bị nắng nóng thiêu đốt. Mùa xuân năm nay gần như không có. Trong khi nắng nóng dự kiến có thể kéo dài sang tận tháng 5. Mùa mưa chỉ bắt đầu khi tháng 6 về.

Nhiệt độ bầu ướt là gì và nhiệt độ bầu ướt ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?

Theo Bloomberg, đợt sóng nhiệt ở Ấn Độ đang thử thách giới hạn chịu đựng của con người, khi kết hợp với hiện tượng "nhiệt độ bầu ướt". Nhiệt độ bầu ướt là đơn vị nhiệt độ thấp nhất có thể đạt được khi không khí bão hòa hơi nước, thường không quá 31°C.

Độ ẩm trong không khí có ảnh hưởng rất lớn tới mức độ nắng nóng mà chúng ta cảm nhận được. Nhiệt độ bầu ướt càng cao, không khí càng nóng bức.

Trong trường hợp nhiệt độ bầu ướt trên 35°C, không khí không thể hấp thụ thêm hơi nước, khiến mồ hôi không bay hơi, làm cho con người gặp các hiện tượng sốc nhiệt như mệt mỏi, chuột rút, phát ban, đặc biệt là tình trạng say nắng với nguy cơ tử vong chỉ sau vài giờ.

Hiện tượng này đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trong các đợt nắng nóng tại châu Âu và Nga năm 2003 và 2010.

Hien-tuong-nhiet-do-bau-uot-dang-hoanh-hanh-o-An-Do-la-gi-7
Người dân bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) chắt chiu từng chai nước để chống nóng

Thông thường, nhiệt độ tăng sẽ khiến độ ẩm giảm nên hiện tượng nhiệt độ bầu ướt được cho là cực kỳ hiếm gặp. Một số nghiên cứu vào năm 2018 chỉ ra, hiện tượng nhiệt độ bầu ướt tiệm cận 35°C là điều "gần như không bao giờ xảy ra trong hình thái thời tiết hiện nay".

Tuy nhiên, điều này lại xảy ra tương đối thường xuyên, đặc biệt là ở các khu vực vành đai đông dân cư từ Vịnh Ba Tư qua Pakistan và tây bắc Ấn Độ, theo nghiên cứu của Science Advances năm 2020.

Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết, nhiều vùng tại nước này đã chứng kiến hiện tượng nhiệt độ bầu ướt 35°C trong tuần qua. Trong khi đó, chỉ khoảng 12% trong số 1,4 tỷ dân Ấn Độ được sử dụng điều hòa nhiệt độ, đồng nghĩa với hàng trăm triệu người không thể làm mát khi cơ thể chạm dần tới ngưỡng say nắng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nước láng giềng Pakistan, nơi có nhiều người làm việc ngoài trời giữa thời tiết oi bức.

Hien-tuong-nhiet-do-bau-uot-dang-hoanh-hanh-o-An-Do-la-gi-5
Công nhân dùng mũ bảo hộ múc nước tắm để giải nhiệt giữa cái nóng gay gắt ở ngoại ô thành phố Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 30/4 (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia lo ngại, mỗi mùa nóng trong tương lai ở Ấn Độ đều có thể là một lần số người thiệt mạng vì nắng nóng gia tăng. Thế giới đang trải qua chu kỳ khí hậu La Nina, vốn mang lại thời tiết mùa hè mát mẻ hơn cho Ấn Độ. Bởi vậy, nguy cơ sẽ tăng cao khi đợt El Nino tiếp theo xảy ra.

Giới chức Ấn Độ ngày 1/5 đã kêu gọi các bang đảm bảo hệ thống y tế sẵn sàng ứng phó với làn sóng bệnh nhân tăng đột biến do nắng nóng. Họ cũng khuyến cáo người dân sơn trắng mái nhà để giảm bớt hấp thụ nhiệt.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những biện pháp này là không đủ để giúp người Ấn Độ đối phó với những đợt nắng nóng ngày càng nguy hiểm. Hệ thống y tế sẽ không thể giúp được gì khi hàng triệu máy điều hòa chạy hết công suất làm lưới điện quốc gia quá tải giữa nắng nóng chạm ngưỡng chịu đựng của con người.

Đợt nóng nóng nghiêm trọng tại 2 quốc gia Nam Á này đã phản ánh chân thực nhất tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Nó nằm ngoài những gì con người từng biết tới, đặt ra nhiều thách thức không dễ giải quyết một sớm một chiều.

Việc thích ứng với các hiện tượng thời tiết dị thường trên quy mô lớn do biến đổi khí hậu gây ra không chỉ là bài toán nan giải với Ấn Độ. Đây là thách thức với cả thế giới. Bài toán thích ứng đa dạng và cấp bách như cách mà Ấn Độ và Pakistan đang phải đối mặt. Câu chuyện của những nông dân trồng xoài ở Pakistan hay bài toán thiếu điện ở Ấn Độ trong mùa nắng nóng kỷ lục là những ví dụ cụ thể trong tình huống này.  

Ngoài giải quyết những hệ quả do biến đổi khí hậu gây ra, Ấn Độ đang phải đóng góp phần mình vào việc ngăn chặn nó diễn ra nhanh hơn, nghiêm trọng hơn. Với vị trí là nền kinh tế phát thải lớn thứ 3 thế giới, và nhiệt điện chiếm tới 70% tổng nguồn phát của đất nước, Ấn Độ vừa là người chịu thiệt hại, vừa là chủ thể đóng góp vào biến đổi khí hậu. Việc đa dạng hóa và chuyển đổi các nguồn năng lượng thay thế cho năng lượng hóa thạch cũng đang là vấn đề với đất nước 1,4 tỷ dân này.

Xem thêm: Nắng nóng năm 2022 đến muộn là do đâu?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận