Phía sau tấm HCB của Felisberto de Deus là chuyện ít biết về đời sống của VĐV Timor Leste: Khó khăn nhưng vẫn tận lực thi đấu vì màu cờ sắc áo

Đoàn thể thao Timor Leste đến tham dự SEA Games 31 với tinh thần thượng tôn thể thao và khát khao quảng bá hình ảnh đất nước ra năm châu. Nhưng ít ai biết được, để đến được đây họ đã trải qua rất nhiều khó khăn.

Đỗ Thu Nga
09:11 18/05/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lá cờ Việt Nam của VĐV làm nên kỳ tích đoàn thể thao Timor Leste

Felisberto de Deus là đại diện của thể thao Timor Leste tham dự nội dung 10.000m nam ở SEA Games 31. Trước đó, nam vận động viên này đã làm nên kỳ tích với tấm HCB ở nội dung 5.000m nam. 

Đây là tấm huy chương điền kinh đầu tiên mà đoàn thể thao Timor Leste trong lịch sử tham dự SEA Games. Càng giá trị hơn khi đây là môn thể thao Olympic.

Tấm huy chương này giống như một đòn bẩy giúp Felisberto De Deus tự tin hơn, quyết tâm hơn. Sau đó, Felisberto tiếp tục về nhì nội dung 10.000m nam, thua VĐV Nguyễn Văn Lai của Việt Nam. Đồng đội của Văn Lai là Lê Văn Thao nhận HCĐ.

Hanh-trinh-den-voi-SEA-Games-31-day-kho-khan-cua-VDV-Timor-Leste-9

Sau khi về đích, nhận thấy 2 VĐV Việt Nam đang ăn mừng thành tích, Felisberto đã chạy đến chung vui một cách rất tự nhiên và thân tình. Dù không thể bước lên bục cao nhất nhưng với thành tích đáng tự hào này, VĐV người Timor Leste đã không thể kìm nén cảm xúc.

Ngay sau đó, Felisberto bất ngờ cầm một lá cờ Việt Nam nho nhỏ bên cạnh lá cờ Timor Leste để cùng ăn mừng với người hâm mộ nước chủ nhà.

Tin rằng, SEA Games 31 tại Việt Nam sẽ trở thành dấu ấn khó phai trong sự nghiệp thi đấu nói riêng của Felisberto và thể thao Timor Leste nói chung. Và có lẽ, đó cũng là lý do mà VĐV này cũng nâng niu, trân trọng lá cờ Việt Nam bên cạnh lá cờ quốc gia mình.

Đời sống nhọc nhằn của các VĐV Timor Leste

Felisberto de Deus đã cố tìm lá cờ Tổ quốc để ăn mừng chiến tích nhưng ai đó đã đưa nhầm lá cờ Brunei, khiến anh lại phải tìm kiếm một lần nữa.

Felisberto đã chiến đấu với niềm tự hào của một người Timor Leste và mong đợi giây phút giương cao lá cờ Tổ quốc. Thật bực bội khi không thể làm điều đó ngay. Lúc có được lá cờ từ một bạn Tình nguyện viên, anh sung sướng đưa nó lên đầu và chạy vòng quanh sân một lần nữa.

Hanh-trinh-den-voi-SEA-Games-31-day-kho-khan-cua-VDV-Timor-Leste-7
Felisberto ăn mừng chiếc huy chương Bạc SEA Games 31 cùng HLV của mình

Có thể thấy, ý thức dân tộc của nam vận động viên này là vô cùng lớn. Điều đó thể hiện rõ nét trong các bài đăng trên facebook cá nhân của anh. Chúng luôn gắn với biểu tượng lá cờ Tổ quốc cùng hình trái tim. 

Trong bức hình đi tập tễnh trên đường chạy, anh viết rằng: "Tôi cần vượt qua nỗi đau để mang vinh quang về cho Tổ quốc, khiến cả thế giới biết đến Timor Leste".

Nếu tinh ý, bạn có thể thấy, thật ra, không chỉ riêng gì Felisberto đã và đang cố gắng làm rạng danh đất nước. Cách đây 10 năm, khi tham dự Olympic London 2012, đàn anh của Felisberto, VĐV điền kinh Augusto Ramos Soares chia sẻ rằng: "Rất nhiều quốc gia không biết gì về Timor Leste”. Vậy nên, bên cạnh niềm vui được đại diện cho đất nước, anh còn có nhiệm vụ, giới thiệu một Timor-Leste mạnh mẽ và có khả năng cạnh tranh ra thế giới.

Hanh-trinh-den-voi-SEA-Games-31-day-kho-khan-cua-VDV-Timor-Leste-8
Các vận động viên của Timor Leste

Khi ấy, Augusto phải tập luyện và thi đấu trong điều kiện thiếu thốn đủ bề bởi chính phủ không có kinh phí hỗ trợ.  Trước đó, các vận động viên Paralympic tới Sydney 2000 chỉ với vài bộ quần áo cũ. Cảnh sát Australia phát hiện ra điều đó lúc kiểm tra hành lý. Họ đã kêu gọi người dân địa phương hỗ trợ, từ quần áo đến thực phẩm và dụng cụ thể thao.

Ở thời điểm hiện tại, mọi thứ đã khá hơn nhiều. Song nếu đem ra so sánh với mặt bằng chung của thế giới hay đơn giản như tại Đông Nam Á thì cuộc sống của các VĐV Timor Leste vẫn ở dưới mức chuẩn. Nếu nhìn các video luyện tập mà Felisberto chia sẻ thì có thể thấy, anh phải tập từ sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh cái nắng như đổ lửa hoặc cơn mưa rào nhiệt đới.

Nơi tập luyện của anh là bãi biển đầy rác và sỏi hoặc ở sân vận động đang xuống cấp nghiêm trọng, đường chạy lồi lõm, đường ống nước vắt ngang qua. Trang thiết bị để tập luyện cũng rất đơn sơ. 

Hanh-trinh-den-voi-SEA-Games-31-day-kho-khan-cua-VDV-Timor-Leste-6
Felisberto tập luyện trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất

Từ đó có thể hình dung, Felisberto cùng các đồng đội phải tập luyện trong hoàn cảnh thiếu thốn về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó cũng có thể hình dung, các VĐV cũng ít có khả năng tiếp cận dinh dưỡng và chất bổ sung như các VĐV ở các quốc gia khác. 

Có thể người hâm mộ Việt Nam chưa biết, Felisberto năm nay mới 23 tuổi. Nhưng gương mặt của anh lại hiện rõ là một người từng trải, khắc khổ và gầy gò.

Khi dịch bệnh kéo đến cộng với mưa lũ đã khiến các vận động viên Timor Leste rơi vào cảnh tập luyện khổ sở hơn. Khi dự Olympic Tokyo hồi năm ngoái, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Quốc gia Timor Leste tiết lộ VĐV bơi lội Imelda Ximenes Belo phải tập trên cạn hoặc ở biển, nơi có những con cá sấu nước mặn rình rập.

Hanh-trinh-den-voi-SEA-Games-31-day-kho-khan-cua-VDV-Timor-Leste-4
VĐV bơi lội Imelda Ximenes Belo

Ở kỳ SEA Games 31, Belo cũng là 1 trong 89 VĐV của đoàn thể thao Timor Leste. Ở nội dung 800m tự do hôm 16/5, Belo bị các đối thủ bỏ xa hơn 4 vòng bể. Nhưng cô gái này không bỏ cuộc, vẫn kiên trì thực hiện hết bài thi và cán đích  chậm hơn người thứ 7 tới 3 phút.

Tinh thần thi đấu quyết tâm dù không đoạt huy chương này lại khiến khán giả nhớ về kỳ Olympic 2020 mà Felisberto cũng tham dự. Dù bị loại ngay vòng đầu tiên nhưng anh đã lập kỷ lục quốc gia mới ở nội dung chạy 1.500 mét với thời gian 3 phút 51 giây 03. Có thể không cạnh tranh được với các đối thủ quá mạnh, song Felisberto vẫn nỗ lực chiến thắng chính mình và ghi dấu ấn.

Ngay trước thềm SEA Games 31, Felisberto còn chịu nỗi đau mất chị gái. Sau đó, cùng cả đội trải qua hành trình dài mệt mỏi để tới Việt Nam.

Hanh-trinh-den-voi-SEA-Games-31-day-kho-khan-cua-VDV-Timor-Leste-3
Đại gia đình Felisberto trước căn nhà của họ

Chuyến bay của họ bị trì hoãn ở Malaysia, khiến tất cả phải nằm ngủ co quắp ngay trên sàn nhà ga. Ấy vậy mà trong một clip ghi lại cảnh tượng đó, Felisberto vẫn cười đùa đầy lạc quan. Tâm trạng háo hức được tranh tài SEA Games đánh bật mọi mệt mỏi.

Sau tất cả, Felisberto và các VĐV Timor Leste không chỉ ghi dấu ấn bởi tinh thần thể thao cao thượng, mà còn bởi ý chí, nghị lực. Họ thi đấu vì tình yêu thể thao cao thượng, họ thi đấu kiên cường vì mong muốn hình ảnh đất nước được nhiều người biết đến... 

Thể thao, không chỉ là nơi khẳng định bản thân, thể thao còn là nơi tôn vinh giá trị cao đẹp, phẩm chất đáng ngưỡng mộ của con người. Họ tận tâm tận lực đến phúc cuối cùng, tất cả vì màu cờ sắc áo của đất nước mình.

(T/h Tiền phong)

Xem thêm: Phía sau vinh quang của tấm vé dự World Cup: Cầu thủ nữ lương 5 triệu/tháng, làm đủ nghề để mưu sinh

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận