Hai bài văn đạt điểm tối đa của thí sinh Quảng Đông 2009 với đề bài về thường thức

"Thường thức là cơ sở sinh tồn của mọi người, là cơ sở của sự phát triển khoa học, ý nghĩa của thường thức còn quan trọng hơn cả lương khô...".

Đỗ Thu Nga
09:00 27/09/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

BÀI ĐIỂM 10 SỐ 1 - THƯỜNG THỨC THẾ NÀY

Sáng sớm, giám đốc vừa bước vào văn phòng, Tiểu Lý đã lẻn ngay vào, tay bưng một cốc nước chè Thiết Quan Âm đang bốc hơi, đưa đến trước mặt giám đốc một cách nịnh khéo, rồi nói khẽ với vẻ huyền bí:”Thưa giám đốc, em xin thương lượng với giám đốc một việc ạ, có thể đổi Từ Khoa trưởng thay ông sư phụ đang dạy nghề cho em không ạ?” Giám đốc không hiểu sự tình, hỏi lại: “Sao? Có phải là Trương sư phụ quá khắt khe với cậu phải không?” “Dạ, không phải ạ, kinh nghiệm của Trương sự phụ rất giàu, kỹ thuật rất thành thạo, sư phụ tốt như vậy nên dành cho Tiểu Vương ạ.” “Được, không thành vấn đề.”

Thì ra là, Tiểu Lý và Tiểu Vương đều là công nhân mới đến học nghề, nhà máy phân công hai sư phụ đến dạy nghề cho hai người. Ban đầu, nhà máy sắp xếp Trương sư phụ xuất sắc nhất đến dạy nghề cho Tiểu Lý, nhưng không biết nguyên cớ vì sao mà Tiểu Lý lại yêu cầu đổi sư phụ. Khi việc đào tạo dạy nghề bắt đầu. Trương sư phụ quả là người thầy giàu kinh nghiệm, ông yêu cầu Tiểu Vương rất nghiêm khắc, công việc làm chưa tốt liền yêu cầu Tiểu Vương phải làm lại, cho dù chỉ vì răng cưa chưa được nhẵn bóng thôi là ông lại buộc Tiểu Vương làm lại từ đầu; nếu phạm sai lầm thì bị phạt rất nghiêm, phạt không cho ăn cơm là chuyện bình thường; Ngoài ra, ông còn yêu cầu Tiểu Vương phải đọc rất nhiều cuốn sách lý luận, phải nắm bắt thật thấu đáo những lý luận trong sách. Ngày nào Tiểu Vương cũng mệt đến bở hơi tai, hễ đặt lưng xuống giường là ngáy như sấm. Ngược lại, Tiểu Lý lại rất tự do nhàn rỗi, ngày nào Tiểu Lý cũng bám sát Từ Khoa trưởng ra ra vào vào, tiếp đón mời chào khách khứa bạn bè, chẳng học được bao nhiêu kỹ thuật cả, nhưng lại kiếm chác được nhiều cái bở. Tiểu Vương thấy vậy, cảm thấy rất khó hiểu.

Hai-bai-van-dat-diem-toi-da-cua-thi-sinh-Quang-Dong-2009

Một hôm, Tiểu Vương có dịp đến gần với Tiểu Lý, liền hỏi thẳng ngay: “Tớ với cậu cùng là lính học nghề, cớ sao mà cậu lại nhàn rỗi như vậy?” Tiểu Lý cười hề hề, ghé sát tai Tiểu Vương nói nhỏ rằng:”Cái cậu này, thật chẳng biết cái gì cả. Xã hội ngày nay, coi trọng nhất là các mối quan hệ, chứ đâu phải là kỹ thuật. Họ hàng của Từ Khoa trưởng làm quan to, mấy hôm nay tớ đi theo ông ấy quen biết nhiều nhân vật có tầm cỡ đấy nhé, ông ấy còn bảo rằng,chờ khi nào ông làm giám đốc sẽ đề bạt tớ làm phó giám đốc, quen biết nhiều người, sử lý tốt các mối quan hệ mới có tương lai, đây là thường thức, cậu biết không?” nói xong, Tiểu Lý vỗ vỗ lên vai Tiểu Vương, rồi thong thả bỏ đi.

Tiểu Vương kể lại cho Trương sư phụ nghe, Trương sư phụ hết sức bực dọc nói: “Thường thức? Thường thức cái con khỉ. Chính vì xã hội hiện nay xuất hiện hiện tượng móc nối quan hệ, ai cũng cố́ đi tìm kiếm mối quan hệ, mới nảy sinh ra hàng đống giun dế vô học trống rỗng, mới gây nên hiện tượng những nhân tài thật sự bị chôn vùi. Cháu đừng có nghe Tiểu Lý nhé, Nhà nước rất cần kỹ thuật, cần nhiều nhân tài, chỉ có kỹ thuật điêu luyện rồi mới có được tiền đồ. Cháu cứ học tốt vào nhé.” Tiểu Vương gật gật đầu, tiếp tục ngày nào cũng thức khuya dậy sớm học nghề vất vả.

Một năm sau, kết thúc khóa đào tạo học nghề, vừa đúng vào dịp Nhà nước cần đến nhân tài kỹ thuật,vì là nhân vật xuất sắc, cho nên Trương sư phụ được đề bạt làm Giám đốc mới của nhà máy, không bao lâu nhà máy liền dấy lên phong trào “Học kỹ thuật lành nghề, góp phần cho đất nước”, Tiểu Vương đã tốt nghiệp thuận lợi với thành tích lý thuyết và kỹ thuật thao tác thành thạo, được thăng cấp Kỹ sư cao cấp, lương tháng những hơn vạn nhân dân tệ. Còn Từ Khoa trưởng, do người họ hàng của ông ấy mắc tội hối lộ đã bị bắt, còn bản thân ông vì không có kỹ thuật thực tế cho nên bị thôi việc. Chiếc bàn tính của Tiểu Lý thế là đánh sai rồi, cậu ta đành phải học nghề lại từ đầu.

Nhà máy lại cử một sư phụ khác đến dạy Tiểu Lý, ngày đầu tiến hành đào tạo, Tiểu Lý lấy làm rất đỗi kinh ngạc vì người đang đi về phía mình lại là Tiểu Vương. Phải chăng? Lúc này, Tiểu Vương ghé tai nói nhỏ với Tiểu Lý rằng: “Không sai đâu, tớ chính là sư phụ của cậu đây. Tớ còn phải cho cậu biết rằng, chỉ học vấn thật, tài năng thật mới có tiền đồ, đây là thường thức, biết chưa?”

Tiểu Vương vỗ vỗ vào vai Tiểu Lý, mỉm cười nhìn vẻ ngỡ ngàng của Tiểu Lý.

BÀI ĐIỂM 10 SỐ 2 - CHỚ COI THƯỜNG THỨC KHÔNG PHẢI LÀ LƯƠNG KHÔ

Nếu bạn gặp bất cứ một học sinh trung học phổ thông nào, chỉ cần hỏi bạn đó: Hàm số là gì? Định luật Lorentz là gì? Kết cấu hạt nhân như thế nào, thì thể nào bạn học sinh trung học đó sẽ giải thích cho bạn nghe rõ mồn một đâu vào đấy, khiến bạn bất giác phải trầm trồ thán phục rằng, thế hệ thanh thiếu niên ngày nay ai cũng có thể trở thành nhà khoa học. Thế nhưng, nếu bạn hỏi một bạn học sinh xuất sắc rằng: Nếu ở ngoài dã ngoại mà bị rắn độc cắn thì nên xử lý như thế nào?Thì thể nào bạn đó cũng gãi gãi đầu, suy luận các công thức phản ứng hóa học, rồi trả lời bạn một cách ngơ ngác rằng: “Không biết đâu”. Nếu bạn hỏi tiếp:”Bao nhiêu tiền một cân rau xanh ngoài chợ?” Bạn sẽ được câu trả lời: “Không biết”, “Thế gấp chăn màn như thế nào mới vuông vắn?” “Không biết.” “Sao mà việc gì cũng không biết?”. “Không biết là không biết.”

Đây chính là hiện trạng giáo dục của Trung Quốc: Chỉ bỏ ra nhiều công sức nắm chắc phần giáo dục kiến thức khoa học, tổ chức rất nhiều lớp nhiều lò luyện cho các môn thi Olympic một cách sôi nổi, nhưng phần giáo dục về thường thức cho học sinh thì lại yếu. Giáo trình của các môn học của nhà trường rất nhiều, thế nhưng lại duy chỉ thiếu môn”Thường thức”. Do vậy mà các em học sinh trong trường như bị tập trung ở nơi xa rời với thực tế, chỉ biết miệt mài với sách vở học vấn. Trung Quốc ngày nay cần phải trở thành nước mạnh, dựa vào các khoa học tiên tiến mũi nhọn để chế tạo máy bay, tên lửa, tàu vũ trụ v v … và hầu như là “bón” thật no cho các học sinh những món kiến thức về khoa học kỹ thuật. “Thường thức chẳng qua chỉ là việc vụn vặt, không đáng kể, những người làm nên sự nghiệp lớn không cần phải quan tâm đến những việc nhỏ mọn đó”. Mỗi khi thấy những ngôn luận như vậy là tôi lại muốn đập mạnh tay xuống bàn rồi lớn tiếng:”Thật là luận điệu hoang đường, chớ có coi thường thức không phải lương khô".

Hai-bai-van-dat-diem-toi-da-cua-thi-sinh-Quang-Dong-2009-k

Thường thức chính là môn nghệ thuật chỉ dẫn cho chúng ta sống một cách tốt đẹp hơn. Những động tác cử chỉ, những thức ăn vật dùng hằng ngày đều cần có sự chỉ dẫn của thường thức. Hiện nay chúng ta đều dồn hết những công việc trong gia đình như nấu nướng giặt giũ cho cha mẹ, các công việc khác cũng ỷ hết vào cha mẹ, bản thân mình chẳng khác nào như ông Vua con không đoái hoài đến việc triều đình. Thế nhưng, cha mẹ không thể nào suốt đời chăm nom chúng ta, lớn lên rồi chúng ta vẫn phải tự dựa vào bản thân mình để mà sống. Nếu không nắm bắt một số thường thức, thì sau này lớn lên rồi sẽ luôn gặp trắc trở. Chẳng lẽ việc gì cũng phải gọi điện thoại cho cha mẹ hay sao? Ngay cả bản thân mình cũng không chăm lo được, sinh hoạt hằng ngày rối loạn cả lên thì làm sao có thể để tâm vào học tập cơ chứ?

Thường thức là cơ sở của khoa học. Khoa học không phải là việc để mà ảo tưởng, mà là thực tiễn và nghiên cứu những sự việc sự vật ở xung quanh mọi người. Niu-tơn tổng kết ra lực hướng tâm từ trong thường thức qua hiện tượng quả táo rụng xuống đất; Lỗ Ban phát minh ra chiếc cưa từ trong thường thức của hiện tượng Diệp Tử Hội cắt tay bị thương. Cứ thao thao bất tuyệt nói đến khoa học mà rời khỏi thường thức, thì chẳng khác gì xây nhà không đặt nền móng, chân tường không thể xây vững chắc được.

Qua đó có thể thấy, trong chế độ giáo dục về nâng cao tố chất cho học sinh, cần phải phổ cập môn thường thức, đây là việc hết sức có ý nghĩa. Cần phải kết hợp song song giữa giáo dục thường thức với giáo dục khoa học kỹ thuật. Song trong khi đó, chúng ta cần phải bồi dưỡng ý thức sáng tạo và khả năng suy nghĩ cho học sinh, để học sinh có thể tổng kết quy luật của khoa học từ trong thường thức bình thường, lại có thể hoặc để cho học sinh có thể có sự nghi ngờ đối với thường thức, chứ không nên câu nệ trong thường thức. Nhà Vật lý học vĩ đại Ga-li-lê năm xưa đã có sự nghi vấn đối với thường thức rồi nêu ra tư tưởng mới. Lịch sử đã chứng minh, chính sự nghi vấn mạnh dạn của ông là đúng đắn.

Thường thức là cơ sở sinh tồn của mọi người, là cơ sở của sự phát triển khoa học, ý nghĩa của thường thức còn quan trọng hơn cả lương khô. Chớ coi thường thức không phải lương khô, dùng nó để làm sáng đầu óc cho học sinh, hãy dùng thường thức ốp cho tòa nhà kiến thức khoa học càng thêm vững chắc.

Xem thêm: Đứng trước ngưỡng cửa tuổi 18 - Bài văn đạt điểm tối đa của thí sinh Hồ Bắc 2009

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận