Giai thoại huyền bí về những dấu chân của "ông cọp" ở núi rừng xứ Quảng khiến người dân "toát mồ hôi hột"

Cho đến nay, người dân Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn truyền tai nhau những câu chuyện ly kỳ về tục săn và thờ "ông cọp". Đó là một trong những loài động vật gây ám ảnh cho người dân suốt thời gian dài.

Giai thoại huyền bí về những dấu chân của "ông cọp" ở núi rừng xứ Quảng khiến người dân "toát mồ hôi hột"

Cho đến nay, người dân Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn truyền tai nhau những câu chuyện ly kỳ về tục săn và thờ "ông cọp". Đó là một trong những loài động vật gây ám ảnh cho người dân suốt thời gian dài.

Theo Báo Công an TP Đà Nẵng, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) từng là lãnh địa của loài cọp và cũng là nơi có hội làng vây cọp có một không hai. Về vùng đất này sẽ được nghe các vị cao niên trong làng kể về chuyện săn và thờ cọp.

Ông Nguyễn Nãi (thôn 6, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) - một vị cao niên trong làng vẫn còn giữ dụng cụ săn cọp như giáo, lưới tù. Ông kể, ngày xưa vùng rừng núi Tiên Phước âm u, rậm rạp nên cọp kéo về nhiều. Khi mặt trời khuất núi, chúng thi nhau gầm rú rung chuyển cả núi rừng. Rồi sau đó mon men đến các làng bắt trâu, bò, heo, có khi cả người.

Ngày nay có các địa danh như hố Ông Vi, dốc Ông Cọp, truông Cọp Rình, miếu Ông Cọp... cũng đều gắn liền với chuyện cọp bắt người. "Khi đó vào buổi tối không ai dám ra đường. Đêm đến ông cọp thường rình quanh nhà, sáng sớm thấy dấu chân trong vườn. Có lần cọp đến nhà tôi bắt mất chó. Lần khác, nhóm bạn chúng tôi đi chơi về muộn thì bị cọp bám theo bắt mất 1 người", ông Nãi kể.

Ông Nãi vẫn còn giữ những vũ khí dùng để vây cọp

Trước thực trạng cọp hoành hành, người dân ở huyện Tiên Phước bắt đầu liên kết lại thành lập các hội nhóm để đối phó. Thế là "hội vây cọp" ra đời. Những người được tuyển chọn vào hội đều là thanh niên trai tráng khỏe mạnh, có kinh nghiệm săn bắt. 

Sau đó mọi người đánh trống khua chiêng, từng tóp gõ mõ, đánh phèng la inh ỏi cho cọp sợ hãi. Có một quy định bất thành văn là những người tham gia vây cọp phải mặc đồ đen. Nếu không sẽ trở thành đối tượng đầu tiên bị cọp vồ. Mà chỉ mặc quần đùi, áo cánh để dễ trở về.

Địa phương huy động hàng ngàn người tham gia. Họ chia nhau ra canh gác cả ngày lẫn đêm. Những ánh đuốc sáng rực cả một vùng. Từng tốp thợ săn đi vào rừng, khi thấy cọp lập tức phóng mũi tên vào chúng. Trúng mũi giáo, cọp đau đớn phát hoảng, chạy tứ tung, sau đó vướng phải thòng lọng và lưới. Những thợ săn lấp sẵn xung quanh sẽ xông lên giết cọp. Nếu không chế ngự được thì chúng sẽ phản công nguy hiểm đến tính mạng thợ săn.

Khi diệt được cọp, các thợ săn sẽ được quan phủ ban thưởng. Quang phủ chỉ lấy phần móng hổ, còn lại ban cho dân làng ăn thịt... Theo sử sách, hội vây cọp cuối cùng ở xứ Quảng diễn ra vào năm 1952 ở xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước). Khi đó, người dân đã diệt được 5 con hổ.

Chiếc tù và bằng sừng trâu trong những chuyến vây cọp

Hiện nay tại nhiều địa phương ở Quảng Nam vẫn còn các ngôi miếng thờ "ông cọp". Theo ông Nguyễn Nãi, cọp bị người dân tiêu diệt rất nhiều và chúng cũng rất thiêng nên người ta sợ, kiêng dè. Cọp thiêng lắm, chỉ cần nói xấu hay thờ cũng không đàng hoàng là "ổng" về tìm ngay. 

"Trước đây, cha tôi được người làng giao cho việc cúng ở đình làng, trong đó có miếu thờ ông cọp. Nhưng lần đó không biết sao mà mâm cúng thiếu thịt sống, thế là hôm sau ông tìm đến tận nhà", ông Nại kể lại.

Cho đến ngày nay, người dân Tiên Cảnh vẫn giữ tục thờ cúng ông cọp. Mâm lễ gồm thịt sống, rượu, hoa quả và văn tế. Trong văn tế có câu "cầu cho hổ lang, can xà phù hộ cho dân lành bình an". Dù loài hổ giờ đã vắng bóng nhưng trong tâm thức người dân "ông cọp" vẫn là người cai quản núi rừng, là "chúa sơn lâm". "Ông cọp" ngự trên muôn loài nên hầu hết các đình, đền đều có bàn thờ với bài vị trang trọng mang tên "Sơn quân chi thần", "Sơn quân mãnh hổ", "Sơn lâm chúa xứ" hay "Sơn lâm đại tướng quân"... Và chỉ khi thờ cúng ông cọp cẩn thận thì người dân mới có cuộc sống bình an.

Không chỉ người dân Quảng Nam, người dân Đà Nẵng cũng rất tin vào những chuyện tâm linh liên quan đến "ông cọp". Cách đây vài năm, hàng ngàn người dân đã kéo nhau đến thôn Trường Định (xã Hòa Liên, Hòa Vang) để xin nước chữa bệnh ở miếu ông Hổ. 

Theo ông Trần Văn Minh (tổ 1, thôn Trường Định), ở nơi đây có sự tích về miếu ông hổ. Chuyện là, ngày trước, vì nằm ở dưới chân núi Hải Vân - Bà Nà nên vùng đất Trường Định cọp nhiều vô kể. Ngày nào chúng cũng đến làng bắt gia súc và người.

Miếu ông Hổ ở làng Trường Định, nơi lưu truyền câu chuyện thuần phục hổ của một vị ngự y

Lúc bấy giờ trong làng xã truyền câu "nhất cọp Bà Nà, nhì ma Phú Túc". Người chết được dân làng chôn cẩn thận vẫn bị cọp bới lên ăn thịt. Điều này khiến người dân vô cùng khiếp sợ. Vì thế buổi tối không ai dám ra ngoài. Nếu đi làm sớm thì phải đi top 5 - 6 người. Nỗi khiếp sợ này chỉ dừng lại khi ông Trần triều tứ thánh về đây cự ngụ. 

Cũng theo lời ông Minh, tương truyền, thời vua Trần, có một vị ngự y tài giỏi, có pháp thuật nhưng vì có tội với triều đình nên bị đầy về phương Nam đến vùng đất Trương Định sinh sống. Tại đây ông đã dùng y thuật của mình để chữa bệnh cứu người, dùng phép thuật của mình để thuần phục cọp dữ về làm tướng cho mình. Vì thế người dân gọi ông là ông Hổ. 

Thời gian sau triều đình có lệnh triệu ông về kinh nhưng ông không đi. Thế là nhà vua ban ông rượu độc, vải lụa và thanh kiếm bắt ông phải chết. Sau khi nhận được ý chỉ của vua, ông Hổ mang vải lụa ra hòn đá nằm nhô ra phía sông Cu Đê. Sau đó dân làng không thấy ông nữa, mọi người bảo ông đã hóa mây bay về trời.

"Sau khi ông chết, hai "ông cọp" vẫn nằm phục dưới tảng đá, sau đó cũng chết. Dân làng thương tiếc nên lập miếu thờ. Có một điều lạ là phía trước miếu có một ao nước ngọt nhỏ, dù sông Cu Đê có mặn mấy, ao nước này cũng ngọt quanh năm. Nhiều người tin nước này có thể chữa bệnh nên hay đến làm lễ để xin nước từ miếu ông Hổ về uống", ông Minh nói.

Ngày nay, tảng đá nơi ông Hổ tự vẫn vẫn còn nguyên, đó là minh chứng cho sự tích ly kỳ này. Nhiều vị cao niên ở Trường Định cũng cho biết, khoảng hơn 10 năm trước đã thấy "ông cọp" về chầu ở ngôi miếu nhỏ... 

Những câu chuyện ly kỳ liên quan đến "ông cọp" vẫn được người dân xứ Quảng và Đà Nẵng truyền tai từ đời này sang đời khác. Nó giống như một cách gợi nhớ về một thời cha ông mang gương đi mở cõi, khai khẩn đất đai để dựng nên làng xóm, đất nước.

Xem thêm: Người lái đò chân yếu tay mềm và "chiến tích" hơn 40 năm "cướp cơm" hà bá trên sông Thu