Giải đề: Bàn về kết thúc của truyện ngắn
“Điều quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”.
ĐỀ BÀI:
Nhận xét về kết thúc của truyện ngắn, tác giả Bùi Việt Thắng cho rằng:
“Điều quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”.
Qua một số tác phẩm truyện ngắn đã học, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
GỢI Ý LÀM BÀI:
I. Giải thích
Nhận định của tác giả Bùi Việt Thắng khẳng định vai trò quan trọng của phần kết thúc trong truyện ngắn:
+ Phần kết thúc của truyện ngắn phải “gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc vầ quy luật của đời sống”: Thực hiện chức năng nhận thức của văn chương, giúp con người hiểu được sự vận động của cuộc đời, của con người, của xã hội, hướng con người tới bề sâu của đời sống.
+ Phần kết thúc truyện ngắn phải khiến con người có những “dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”: thực hiện chức năng dự báo, đồng thời tiếp thêm cho người đọc niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của cái đẹp, cái thiện trước cái xấu xa, giả dối.
II. Bàn luận
- Nhận định của Bùi Việt Thắng là đúng đắn.
1. Vì sao phần kết thúc của truyện ngắn lại quan trọng?
- “Truyện ngắn là một giọt nước” (Edga Poe). Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ có tính hàm súc cao độ. Đặc trưng của truyện ngắn là có truyện và ngắn. “Ngắn” ở đây không đơn thuần chỉ là vấn đề dung lượng, mà chính xác hơn là cách thức phản ánh hiện thực của truyện ngắn. Truyện ngắn phản ánh hiện thực thông qua những lát cắt. Nói như Nguyễn Minh Châu, “truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc của đời sống”. Không thể dông dài bao quát chiều kích không – thời gian mênh mông rộng lớn như tiểu thuyết, truyện ngắn phải chọn lọc những lát cắt mà qua đó cho thấy “trăm năm đời thảo mộc”. Nếu là một đời người, truyện ngắn chỉ chọn những khoảnh khắc đáng giá nhất. Nếu là một sự kiện, truyện ngắn chỉ cắt lấy những cột mốc giàu ý nghĩa. Nếu là bức tranh hiện thực rộng lớn, truyện ngắn chỉ chọn lấy những cảnh, những gam màu gợi lên bản chất của hiện thực.
- Do vậy, truyện ngắn biểu hiện tư tưởng thông qua các chi tiết, các hình ảnh, các cách diễn đạt giàu ẩn ý, và đặc biệt là kết thúc truyện. Trong truyện ngắn, phần kết thúc truyện luôn là phần gây ấn tượng mạnh với người đọc, không đơn giản bởi ở đó số phận nhân vật và các xung đột truyện được định đoạt, mà quan trọng hơn là qua kết thúc truyện, truyện ngắn mở ra vô vàn dư âm trong tâm trí người đọc, mở ra những chiều sâu chưa nói hết thôi thúc người đọc khám phá đến tận cùng tầng tầng lớp lớp y nghĩ của tác phẩm. Chính những kết thúc truyện như vậy là cho tác phẩm “không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện” (Aimatov).
2. Vì sao kết thúc của truyện ngắn phải “gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật của đời sống”
Văn học là tấm gương phản ánh của hiện thực. “Cuộc đời là điểm xuất phát và là điểm đi tới của văn chương” (Tố Hữu). Văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng, sáng tác ra không ngoài mục đích giúp người đọc hiểu sâu sắc bề sâu của hiện thực cuộc sống. Thông qua kết thúc truyện, các nhà văn thức tỉnh người đọc, giúp họ thức ngộ về những quy luật bất biến của xã hội và của đời sống, giúp họ nhận ra những vấn đề cấp thiết của xã hội đường thời cũng như những vấn đề triết học mang tính nhân loại. Để từ đó, con người tác động cải tạo hiện thực cuộc sống, khiến cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
3. Vì sao kết thúc của truyện ngắn phải tạo ra ở người đọc “dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”?
- Bên cạnh chức năng nhận thức, văn học còn có chức năng dự đoán. Văn học dự đoán sự phát triển đi lên của hiện thực trên cơ sở quan sát sự vận động biện chứng đang diễn ra trước mắt. Chính nhờ nắm bắt được thực tại mà truyện ngắn giúp người đọc “dự cảm về tương lai”.
- Trong những dự cảm về tương lai, dự cảm quan trọng nhất, theo tác giả Bùi Việt Thắng đó là: cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng. Văn học phải hướng con người đến cái đẹp, đến ánh sáng và làm tâm hồn con người trong sạch hơn. Tương lai là cái chưa tới, tương lai do chính hiện tại tạo lập mà thành, điều quan trọng là từ kết thúc của những truyện ngắn, văn chương phải giúp cho người đọc ý thức về cái đẹp, cái thiện để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi bản tính của con người chính là ngưỡng vọng về các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, cho nên văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng cũng phải hướng về những điều tốt đẹp, cao cả. Nói như nhà văn Nguyễn Khải: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”.
III. Chứng minh
YÊU CẦU VỀ DẪN CHỨNG
- Học sinh phải chọn phân tích kết thúc của truyện ngắn.
- Học sinh phải chọn được tác phẩm truyện ngắn trong chương trình lớp 11.
- Khi phân tích kết thúc truyện ngắn, học sinh phải có ý thức bám đề và làm rõ những nội dung sau:
Kết thúc truyện ngắn đó giúp người đọc hiểu được quy luật đời sống như thế nào? (Cần nêu rõ quy luật gì)
Kết thúc truyện ngắn đó giúp người đọc dự cảm điều gì về tương lai?
Từ sự thấu hiểu quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai đó, kết thúc truyện ngắn ấy gieo vào người đọc niềm tin về chiến thắng tất yếu của cái đẹp như thế nào?
IV. Tổng kết – Liên hệ
- Khẳng định lại vấn đề.
- Để đạt được những yêu cầu trên, kết thúc của truyện ngắn cần được xây dựng bằng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, phù hợp.
(Theo thầy Trần Lê Duy)
Xem thêm: Bậc thầy về truyện ngắn châm biếm - Nguyễn Công Hoan
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận