Đinh Điền - bạn nối khố, danh tướng phò tá vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân: Sống phụng sự, chết trung nghĩa

Thuở ấu thơ, Đinh Điền cùng bạn lấy hoa lau làm cờ, khoanh tay làm kiệu, suy tôn và rước Đinh Bộ Lĩnh làm chúa. Lớn lên, ông phò tá bạn dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn.

Đỗ Thu Nga
10:00 09/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Danh tướng Đinh Điền - bạn nối khố của vua Đinh

Theo Wikipedia, đinh Điền (924 - 979) là người làng Đại Hữu, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Khi mới sinh, ông có tên là Đinh Trào. Đinh Điền là tên chữ của ông và người đương thời quen gọi bằng tên này.

Theo  thần phả đền thờ Đinh Điền ở Yên Mô, Ninh Bình và theo cuốn "Những nhân vật lịch sử thời Đinh Lê" thì cha ông là Đinh Thân, quê Gia Phương (Gia Viễn). Còn mẹ ông là Dương Thị Liễu quê Khánh An, Yên Khánh thuộc tỉnh Ninh Bình. Có thuyết khác cho rằng, quê mẹ của Đinh Điền là ở Yên Bạc, nay là xã Yên Phú, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. 

Đinh Điền với Đinh Bộ Lĩnh cùng tuổi, sinh năm 924 và là người cùng làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng. Thời còn đi chăn trâu ở Thung Lau (động Hoa Lư), ông đã cùng lũ bạn lấy hoa lau làm cờ, khoanh tay là kiệu, suy tôn và rước Đinh Bộ Lĩnh làm chúa. 

Danh-tuong-Dinh-Dien-la-ai
Đền Tứ trụ ở Tràng An thờ 4 vị tứ trụ triều Đinh

Khi trưởng thành, Đinh Điền cùng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú theo phò tá Đinh Bộ Lĩnh trấn giữ động Hoa Lư chống quân Ngô. Trong đó, ông cùng Nguyễn Bặc làm tướng võ, còn Lưu Cơ và Trịnh Tú làm tướng văn. 

Ân tình sâu nặng của ba người Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Bặc - Đinh Điền có gốc rễ bền chặt từ cái tuổi thơ tóc còn xanh mướt dưới bóng cờ lau tập trận, khác với sự gắn bó khi quốc gia hữu sự; cần dẹp giặc khăn vàng mới "kết nghĩa vườn đào" như Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi trong lịch sử Trung Quốc.

Dân gian xem ông cùng Nguyễn Bặc là những biểu tượng của tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành. Ông được triều đình Trung Hoa và Việt sử tân biên liệt vào danh sách "Giao Châu thất hùng", tức 7 anh hùng người Giao Châu thời bấy giờ gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng.

Ông được lập đền thờ ở nhiều nơi thuộc Ninh Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam ngày nay.

Sát cánh cùng vua Đinh đánh quân Ngô, dẹp loạn 12 sứ quân

Như đã chia sẻ, sau khi trưởng thành ông cùng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú theo phò Đinh Bộ Lĩnh chống lại quân Ngô. Năm 965, nhà Ngô mất. Ông cùng các danh tướng thân cận giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh loạn 12 sứ quân.

Khi Đinh Bộ Lĩnh giao cho Đinh Điền chỉ huy quân đánh dẹp các sứ quân Phạm Bạch Hồ và Lã Đường đã qua trang Đằng Man (nay là thành phố Hưng Yên), Đinh Điền đã cho dựng đại bản doanh và chọn 3 người họ Phan, họ Phạm và họ Nguyễn ở trang Đằng Man làm gia tướng và lấy người con gái Phan Thị Môi ở đây làm vợ.

Danh tướng Đinh Điền là người chiêu mộ được nhiều tướng giỏi khác giúp cho lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng mạnh lên như: Kiều Mộc thiền sư Lương Tuấn (Ninh Bình) Lê Xuân Vinh, Luận Nương ở Long Biên (Hà Nội); các vị tướng Phạm Thành, Lưu Công, Sát Công ở Lộc Thọ; 4 anh em họ Trịnh là: Trịnh Minh, Trịnh Lương, Trịnh Nguyên, Trịnh Khang ở Điệp Nông (Hưng Hà) và Nguyễn Phúc ở Thái Thụy (Thái Bình).

Danh-tuong-Dinh-Dien-la-ai-6
Bìa truyện tranh về vua Đinh

Dã sử có ghi, tướng quân Đinh Điền đã giúp Đinh Bộ Lĩnh thu phục được sứ quân của Phạm Phòng Át trấn tại Nam Sách giang và Bạch Đằng giang thuộc đất Hồng Châu khi ấy. Sau đó, ông kéo quân về vườn Hồng Ba Đống thuộc Hải Môn (nay là làng Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, Bình Giang, Hải Dương) để lập căn cứ luyện quân. Ông được triều đình ban thưởng 500 mẫu ruộng cùng nhiều trâu cày.

Theo sử sách, sau khi đánh dẹp loạn 12 sứ quân thắng lợi, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế. Vua Đinh liền phong Đinh Điền giữ chức Ngoại giáp, nghĩa là coi việc bên ngoài, theo thần phả thì ông giữ chức Nhập nội kiểm giáo Đại Tư đồ, Bình chương trọng sự. Sau khi được triều đình ban thưởng 500 mẫu ruộng cùng nhiều trâu cày. Ông đã quy tụ dân chúng lập lên 2 làng là Nhân Kiệt và Tuấn Kiệt (Hùng Thắng, Bình Giang, Hải Dương) cùng nhiều làng khác bên sông Vạc thuộc hai huyện Yên Mô và Yên Khánh tỉnh Ninh Bình.

Đến chết vẫn trung nghĩa với nhà Đinh

Vào năm Kỷ Mão (979), vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị sát hại, triều đình tôn người con Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi làm vua. Lê Hoàn làm người nhiếp chính, có quan hệ tốt với Thái hậu họ Dương (mẹ ấu chúa). Sau đó, Lê Hoàn lại tự xưng là Phó vương và từ đó mọi việc trọng sự trong triều đều do tay Lê Hoàn sắp đặt.

Đinh Điền khi ấy cho rằng Lê Hoàn có ý đồ chiếm ngôi báu của nhà Đinh. Vì thế, ông đã bàn với Nguyễn Bặc, Phạm Hạp cùng một số trung thần khác bỏ quan về ở ẩn để mưu tính đại sự. Ông tập kết các anh hào, tướng sĩ trung thành với nhà Đinh để chuẩn bị đánh Lê Hoàn.

Đinh Điền hợp quân với Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, đem hai đạo quân thủy, bộ từ Ái Châu (Thanh Hóa) tiến về kinh thành Hoa Lư mưu giết Lê Hoàn, thu giang sơn lại cho nhà Đinh. Nhưng Lê Hoàn lợi dụng gió Đông Nam thổi mạnh, đánh một trận hỏa công, đốt sạch thuyền bè, quân sĩ của Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Đạo thủy quân tan rã, Đinh Điền bị tử trận.

Danh-tuong-Dinh-Dien-la-ai-0
Tượng tướng quân Đinh Điền tại Chùa Tháp xã Khánh Thịnh

Về thời gian diễn ra trận chiến và cái chết của Đinh Điền, các nguồn tài liệu ghi chép có phần khác nhau. Sử sách thống nhất ghi việc này diễn ra vào cuối năm 979, nhưng theo thần phả ở Ninh Bình thì việc này diễn ra ngày 20 tháng 4 năm Canh Thìn (tức ngày 5 tháng 6 năm 980). Một số thần phả khác, được sách “Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam” dẫn lại thì cho rằng ông cùng vợ là Phan Môi Nương bị thua trận, quân tan nát hết nên cùng nhau tự vẫn ngày 20 tháng 11 năm Kỷ Mão (tức ngày 12 tháng 12 năm 979) chứ không phải ông bị tử trận.

Sau đó không lâu, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp cũng bị Lê Hoàn đánh bại và cả hai cùng bị bắt, bị xử tử. Cái chết của Đinh Điền được nhân dân trong vùng vô cùng thương xót, vì họ coi ông là bậc trung thần, vì nghĩa cả quên mình nên đã thu nhặt hài cốt ông đem về chùa Trúc Lâm, nơi ông tu hành trước đây để an táng. Ngày nay ở nhiều làng tại Gia Viễn, Hoa Lư có đền thờ ông và Nguyễn Bặc.

Đôi lời bàn:

Dưới thời phong kiến, những ai phạm vào tội mưu phản, mưu đại nghịch hay đại bất kính... đều bị chém đầu ngay. Và với triều đình phong kiến thời ấy, vì Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Đinh Điền phạm vào tội đó nên triều đình không thể dung tha được. Suy cho cùng thì thời nào cũng vậy, phản bội Tổ quốc bao giờ cũng là tội nặng nhất. Điều 341 trong Bộ luật Hình sự hiện hành của nước ta có quy định cụ thể như sau: Người nào tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ một nước khác, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Thật đáng tiếc thay, bậc dũng tướng như Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Đinh Điền lại có lúc thiếu sáng suốt để lâm vào cảnh trung quân một cách mù quáng. Cái giá mà các ông phải trả là chính mạng sống của mình. Vẫn biết là sai lầm, nhưng người đương thời vẫn ghi nhận ở các ông một tấm lòng trung. Thế mới hay rằng, muốn trung không phải là dễ, trung cho đúng đạo lý lại càng khó hơn. Vì nếu ai đó yếu về bản lĩnh, không nhận biết được thực và hư thì sẽ dẫn đến hành động tiêu cực, vì cho rằng thời thế, thế thời, thời phải thế... như Đại tư đồ Đinh Điền trong giai thoại trên.                                                              

Xem thêm: Giải mã phong thủy đặc biệt ở khu lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận