Cúng dường là gì và vì sao phải cúng dường Tam Bảo?

Cúng dường là cung cấp và nuôi dưỡng. Phật tử cung cấp và nuôi dưỡng Tam bảo để Tam bảo được trường tồn làm lợi cho chúng sanh. Cúng dường phải thật thành tâm  tuyệt đối không kiêu căng, cầu phước.

Đỗ Thu Nga
11:40 13/01/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cúng dường là gì?

Cúng dường vốn là tiếng Trung Hoa, đọc theo âm Hán Việt là cung dưỡng hay cúng dưỡng. Tiếng Việt đọc thành cúng dường. Người miền Bắc còn đọc là cúng dàng.

Hiểu một cách đơn giản, cúng dường có nghĩa là cung cấp hoặc dâng cúng, đồng nghĩa với các từ bố thí, biếu, tặng, dâng, hiến, cho. Nếu xét về mặt nghĩa, tất cả các từ trên đều có nghĩa là lấy những vật thuộc sở hữu cá nhân như tiền bạc, tài sản, ruộng vườn, xe cộ... đem đi cho người khác. Song tùy vào từng đối tượng, địa vị, độ tuổi... mà sử dụng từ khác nhau.

Đối với các chư Tăng dùng từ cúng dường; đối với bố mẹ và những bậc tôn kính dùng từ biết; đối với bạn bè dùng từ tặng; đối với những người dưới thì dùng từ cho hoặc bố thí. Từ hiến được dùng trong trường hợp hiến máu, hiến nội tạng, hiến giác mạc, hiến xác... 

Tại Việt Nam, từ bố thí được dùng cho những người thấp kém, thường sử dụng cho người dưới hoặc người ăn xin. Song nếu chúng ta hiểu theo kinh tạng Nam tông, từ bố thí dùng cho cả chư Tăng, các vị Bà la môn và những người tôn quý.

cung-duong-la-gi
“Cúng dường” có nghĩa là cung cấp, dưỡng nuôi các bậc tôn kính như Thầy, Tổ hay ông bà, cha mẹ…những người có công truyền đạt đạo lý làm người, điều hay lẽ phải như ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng đời đời giúp ta an trụ trong chánh pháp...

Khi đức Phật còn tại thế, các Phật tử cúng dường cho đức Phật và chư Tăng 4 thứ (tứ sự) là y phục, thuốc thang, ngọa cụ và thức ăn. Họ còn cúng cả nơi ở như tịnh xá Trúc Lâm do vua Bình Sa cúng dường, tinh xá Kỳ Viên do trưởng ấp Cấp Cô Độc, vườn xoài do kỹ nữ  Ambapali cúng dường... Những trú xứ của chư Tăng hiện tại, ngoài từ tịnh xá ra, còn được gọi bằng rất nhiều từ khác, chẳng hạn như: tịnh xá, chùa, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, già lam, niệm Phật đường... 

Trong quá khứ từng có người Tỳ kheo lạm dụng sự cúng dường của Đàn-na tín thí để nuôi sống bản thân và gia đình. Sau khi chết họ tái sanh trở lại làm người thân phận nghèo nàn. Cả năm người phải ở đợ, phục dịch cho gia đình Hoàng hậu Mạt lợi, phu nhân vua Ba tư nặc.

Một ngày nọ ở tịnh xá có lễ cúng dường chư Tăng, Hoàng hậu Mạt lợi có đến dự dẫn theo đoàn tùy tùng giúp việc, phục vụ cho bà. Sau khi các Phật tử cúng dường tứ sự, đảnh lễ giáo đoàn Như Lai Thế Tôn xong thì vị phu nhân ngồi sang 1 bên, cung kính đảnh lễ bạch hỏi đức Phật nguyên nhân vì sao bà được làm Hoàng hậu.

Đức Phật lúc này đáp, trong quá khứ, bà là một phật tử thuần thành, tín tâm cúng dường cho 5 thầy Tỳ kheo với lòng chí thành, chí kính. Nhờ phước báu đó, ngày này bà được sanh vào gia đình quyền quý và được tại vị ngôi mẫu nghi thiên hạ.

Đức Phật cũng cho biết, 5 vị Tỳ kheo được bà cúng dường đời trước không phải là thầy tu thật mà là 5 vị giả làm Tỳ kheo để ăn của cúng dường. Do vì nghiệp báo giả Tỳ kheo, lạm dụng tài vật cúng dường của đàn na tín thí để nuôi thân và gia đình nên đời sau 5 người ấy sinh ra làm người phải chịu thân phận nghèo hèn. Năm người đó đang trong đoàn người giúp việc, phục dịch Hoàng hậu. 

Nghe đức Phật giảng, bà liền muốn phóng thích cho 5 người này khỏi đoàn tùy tùng để tự do làm ăn, bà xin đức Phật cho biết danh tính của 5 người ấy. Đức Phật nói, bốn người khiêng kiệu và người lo việc sinh riêng cho bà đấy. Sau đó bà lệnh cho 5 người ấy đi tìm công việc làm ăn nhưng cả 5 đều xin phục dịch bà suốt đời.

Từ câu chuyện trên có thể thấy, thực hành bố thí, cúng dường với tâm thành kính, hoan hỷ cho thầy tu giả dối vẫn được phước lành huống hồ cúng dường các vị cao tăng tu hành chân chính.

Vì sao phải cúng dường Tam Bảo?

Là Phật tử quy y Tam Bảo hàng ngày sẽ cúng dường Tam Bảo để tự nhắc nhở tâm quy y. Ngoài ra, cúng dường cũng là phương pháp tích lũy công đức rất thù thắng. Không phải vì không cúng dường Phật tử sẽ bị đói khát. Phật vốn không cần phẩm cúng dường của chúng ta. Chỉ là nhờ vào Phật mà khi dâng phẩm cúng dường chúng ta tích lũy được nhiều công đức.

Vật phẩm cúng dường có 2 loại, một là cúng dường bằng phẩm vật cụ thể là bày biện, hai là cúng dường bằng công phu quán tưởng. Cúng dường không phải là việc phức tạp hay tốn kém. Chỉ cần lập 1 bàn thờ đơn giản, không cần nhiều của, có được gì cũng đều có thể dùng làm phẩm cúng dường chư Phật.

cung-duong-la-gi-6
Cúng dường là một phương pháp tích lũy công đức

Vào buổi sáng dâng phẩm cúng dường, đến tối thu dọn, làm cho đúng cách với tâm thật đúng đắn. Nhờ tâm đúng đắn nên khi dâng phẩm cúng dường sẽ tích được nhiều công đức.

Cúng dường Tam Bảo gồm các phần: Cúng dường Phật bảo; Cúng dường Pháp bảo; Cúng dường tăng bảo. 

Thánh tăng ngày xưa chỉ lo tu học kinh kệ trong chùa, do vậy người Phật tử phải cúng dường chư Tăng gồm: y phục, thức ăn, giường và vật trải giường nằm, thuốc thang.

Bốn thứ đó gọi là tứ sự cúng dường. Ngày nay khoa học tiến bộ, Phật tử có thể dâng cúng chư Tăng, Ni những phương tiện để phục vụ cho sự hành đạp dễ dàng hơn, chớ đừng dâng cúng những gì làm cho Tăng, NI tha hóa.

Cúng dường Phật bảo

Tuy Phật đã nhập diệt, nhưng chúng ta vẫn cúng dường Phật những đồ ăn, thức uống để hình dung Đức Phật vẫn còn sống dạy dỗ chúng ta tu học.

Không nên bày biện linh đình, hoang phí. Những món cúng Phật đúng nghĩa là:Hương thơm, Đèn sáng, Hoa tươi, Trái cây, Nước trong . Đôi khi thêm cơm trắng là đủ.

Người Phật tử cũng có thể cúng dường lên Phật 5 món diệu hương:

- Giới hương: ta phải giữ giới thanh tịnh để xứng đáng là con của Phật

- Định hương: Tập định tĩnh tâm hồn, đừng cho xao động, mê nhiễm

- Huệ hương: Chú ý vào văn, tư, tu. Nghĩa là học hỏi giáo pháp của Phật, sau đó suy xét, nghiền ngẫm, và quyết tâm thực hành.

- Giải thoát hương: phá trừ ngã chấp, luôn quán vô ngã, tứ đại là không, nghiệp thức phân biệt cũng là không.

- Giải thoát tri kiến hương: phá trừ luôn pháp chấp, không thấy đất, nước, gió, lửa là thật, vui buồn, sướng khổ là thật.

cung-duong-la-gi-2
Vật phẩm cúng dường Tam Bảo không cần quá cầu kỳ nhưng buộc phải có lòng thành tâm của Phật tử

Cúng dường Pháp bảo

Để cúng dường Pháp bảo, trước hết người Phật tử cần phải học và nghiên cứu giáo pháp của Đức Phật để hiểu rõ sự quý của giáo pháp này. Sau đó có tài chính thì nên xuất tiền ấn tông kinh điển, phổ biến ra nhiều nơi.

Người Phật tử có trình độ học thức thì nên diễn giảng giáo pháp cho mọi người cùng hiểu, hoặc sáng tác các thể loại văn chương, lý luận cho người đọc thấm nhuần, hoặc phiên dịch các bộ kinh từ ngoại ngữ sang tiếng Việt.

Cúng dường tăng bảo

Chư Tăng là những người thay thế Đức Phật mà truyền lại giáo pháp cho chúng ta, vì vậy chúng ta phải cung cấp và nuôi dưỡng chư Tăng.

Thái độ cúng dường phải thành kính, trân trọng, không tự cao, không phân biệt vị Tăng ở chùa nào, xứ nào cả; vị nào ở trong hàng ngũ Tăng đoàn thì chúng ta cứ cúng dường.

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận